Phóng sự

Hiểm họa khó lường từ những chiếc xe chở tôn, sắt thép

08:41, 27/10/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn xuất hiện tình trạng các loại xe xích lô, ba gác tự chế, xe ba bánh.. vận chuyển tôn, thép có chiều dài vượt nhiều lần so với thùng xe và trong số đó đã gây ra không ít tai nạn đáng tiếc.
 
Mặc dù Luật giao thông đường bộ đã có quy định rất cụ thể, đồng thời lực lượng chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước cũng tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử phạt rất nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhưng trong thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn xuất hiện tình trạng một số chủ phương tiện là các loại xe xích lô, ba gác tự chế, xe ba bánh bất chấp các quy định của pháp luật, không quan tâm tới sự an toàn của người khác vẫn thực hiện các chuyến vận chuyển tôn, thép có chiều dài vượt nhiều lần so với thùng xe và trong số đó đã gây ra không ít tai nạn đáng tiếc cho người tham gia giao thông.
CSGT Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn do xe chở tôn gây ra.
CSGT Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn do xe chở tôn gây ra.
Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 12-5-2017 tại ngã sáu, vòng xoay Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, tài xế N.V.T điều khiển xe ba bánh có gắn động cơ chở nhiều tấm tôn, mỗi tấm dài trên 10 mét lưu thông hướng từ Ngô Gia Tự, quận 10 về hướng quận 5, khi đến giao lộ, do không làm chủ và kiểm soát hết chiều dài những tấm tôn, tài xế T đã tông thẳng vào 2 xe gắn máy cho đến khi chiếc xe lao vào trụ đèn giao thông thì mới dừng lại được.
 
Vụ tai nạn khiến hai người điều khiển xe gắn máy bị tôn cứa vào tay, đùi gây đứt động mạch phải đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu và điều trị hơn một tuần mới được xuất viện.
 
Gây ra tai nạn nghiêm trọng như vậy, nhưng khi người dân yêu cầu đưa nạn nhân vào bệnh viện và đóng phí ban đầu nhưng tài xế T cứ chây ỳ, cho rằng lỗi không phải do mình gây ra mà do hai người điều khiển xe gắn máy chạy ẩu không chịu nhường đường. Ngay cả khi cán bộ xử lý tai nạn thuộc Đội CSGT Công an quận 10 đến lập biên bản xử lý vụ việc anh ta cũng không chịu ký vào biên bản mà giở giọng năn nỉ… "gia đình khó khăn, vợ thất nghiệp, con đông nên mới làm liều và mong được thông cảm…".
Một vụ tai nạn giao thông gây chết người do xe chở tôn gây ra đã khiến cho nhiều người rùng mình. Vào chiều ngày 31-8-2017, anh Nguyễn Văn N trong lúc đang điều khiển xe gắn máy trên quốc lộ 10, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thì bất ngờ phát hiện một chiếc xe xích lô chở tôn đang quay đầu. 
 
Do khoảnh cách quá gần, những tấm tôn lại quá dài (gần 20 mét) nên mặc dù đạp thắng gấp nhưng anh N vẫn bị những tấm tôn cứa ngang cổ gây tử vong tại chỗ. Sau tai nạn, người điều khiển xe chở tôn đã tìm đến nhà anh N nhận trách nhiệm, nhưng không thể hỗ trợ chi phí mai táng cho gia đình anh N vì quá nghèo…
 
Trước đó vào chiều 23-9-2016, ông Đinh Ngọc Thạch, 53 tuổi, quê tỉnh Hà Nam điều khiển xe xích lô chở tôn dừng lại ở trước cửa nhà (dưới lòng đường) số 60 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội để gọi điện cho khách ra nhận hàng. 
 
Tại thời điểm trên, có 3 cháu bé khoảng 9-10 tuổi đi xe đạp từ trong phố Nguyễn Chính ra hướng hồ Đền Lừ và trong lúc một cháu bé tên Trần Minh H vô tình quay đầu lại phía sau (do không biết phía trước có xe chở tôn) đã va chạm vào những tấm tôn khiến cháu bị thương nặng và tử vong ngay sau đó.
 
Sau tai nạn, ông Thạch đã đến nhà cháu H nhận trách nhiệm và vay vát đưa cho gia đình một chút tiền để lo hậu sự. Tuy nhiên do biết gia cảnh ông Thạch hết sức khó khăn, không có nhà tại Hà Nội mà chỉ tá túc tạm bợ nay đây mai đó để kiếm tiền nuôi vợ bệnh, con nhỏ ở quê nên gia đình cháu H đã không nhận tiền đền bù, thậm chí còn làm giấy bãi nại để tòa án xem xét cho ông được tại ngoại nhằm có thời gian kiếm tiền lo cho gia đình.
 
Theo một cán bộ Đội CSGT Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, nhận thấy mức độ nguy hiểm khôn lường từ những chiếc xe ba bánh chở tôn, sắt quá khổ, từ nhiều năm nay Ban chỉ huy Công an quận đã chỉ đạo cho CBCS trong đội phải thường xuyên xây dựng chuyên đề tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến từng cửa hàng, công ty kinh doanh sắt thép, tôn trên địa bàn và tài xế để họ không vì mục đích nào đó mà vi phạm. 
 
Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tuần Đội đều thực hiện từ 1-2 chuyên đề về tuần tra, kiểm soát và xử lý đối với các trường hợp xe các loại vi phạm chở tôn, sắt có chiều dài và kích cỡ vượt quá quy chuẩn của xe, qua đó xử phạt hàng trăm lượt vi phạm. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ cửa hàng và tài xế vì lợi ích trước mắt, không màng đến tính mạng của những người tham gia giao thông vẫn lén lút thực hiện các vụ vận chuyển sắt thép, tôn vi phạm các quy định về an toàn giao thông vào ban đêm, nhất là thời điểm từ 23 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau. 
 
Nhiều tài xế khi vận chuyển còn tìm cách đối phó với CSGT bằng việc cho người chạy xe gắn máy đi trước để dò đường và khi thấy có trạm, chốt của Tổ chuyên đề thì dùng điện thoại thông báo để tài xế cho tấp xe vào lề chờ đến khi Tổ chuyên đề dời đi thì tiếp tục vận chuyển. Trong trường hợp xe có chất sắt thép, tôn vượt quá quy định nhưng đậu ở lề đường thì CSGT không thể lập biên bản xử lý vi phạm được vì luật không cho phép.
 
Thực tế vào chiều tối 19-10-2017, theo chân Tổ chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các loại xe chở hàng hóa các loại vi phạm quy định về an toàn giao thông trên cung đường Quốc lộ 22 thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, chúng tôi ghi nhận: Chỉ trong vòng 30 phút từ 19 giờ đến 19 giờ 30 phút, Tổ chuyên đề đã phát hiện và yêu cầu dừng phương tiện để xử lý đối với 14 xe bánh có gắn động cơ và 2 xe ba gác tự chế chất đầy tôn, sắt lưu thông trên đường. 
 
Tuy nhiên hầu hết những tài xế khi phát hiện có hiệu lệnh dừng xe của CSGT đã tức tốc tấp xe vào lề rồi nhanh chân chạy khỏi hiện trường khiến cho Tổ chuyên đề buộc phải điều xe chuyên dụng đến cẩu về trụ sở lập biên bản xử lý. Trong số những tài xế này, ông Trần Văn Khoa có lẽ đã hiểu được việc làm của mình gây nguy hiểm cho người khác nên đã lập tức xuống xe chờ ký vào biên bản vi phạm.
Trong lúc chờ đợi CSGT lập biên bản, ông Khoa đề nghị chúng tôi nếu đăng tin thì chỉ đưa tên thôi chứ đừng chụp hình vì như thế sẽ khiến ông mất mặt với gia đình và bà con xóm giềng. 
 
Theo lời giãi bầy của ông Khoa, do gia đình ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An không có ruộng đất để trồng tỉa nên ông đã lên huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh xin vào làm thuê cho một cửa hàng chuyên bán tôn và sắt xây dựng. Hơn nửa năm trời dành dụm được gần 10 triệu đồng, ông về quê vay thêm để mua chiếc xe ba bánh đã qua sử dụng rồi nhận chở hàng kiếm tiền. Lúc đầu ông chỉ chở những thứ hàng hóa vừa vặn với thùng xe, nhưng đến khi chủ nợ thúc ép trả tiền thì đánh liều nhận thêm mối chở tôn, sắt xây dựng.
 
 "Biết làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường nên mỗi khi chất tôn, sắt lên xe tôi thường tìm 4-5 chiếc bao bố trùm đầu, đuôi những tấm tôn, cây sắt và gắn thêm hai tấm vải đỏ để người đi đường tránh xa. Tuy vậy trong tháng 9 tôi vẫn gây ra hai vụ tai nạn và đang tính chở nốt lô hàng này sẽ tìm đến chợ đầu mối Bà Điểm xin chở rau cho an toàn. Mình sai thì phải bị xử lý thôi…đành chịu nộp phạt vậy…", ông Khoa chia sẻ.
 
Không như ông Khoa, cũng tại buổi tối 19-10, tài xế Tâm, một người mà khi vừa bị yêu cầu dừng xe đã liên tục đôi co cãi vã tay đôi với CSGT. Khi bị lập biên bản về các lỗi điều khiển phương tiện không có giấy phép, không mang theo giấy tờ tùy thân, chất hàng cồng kềnh vượt nhiều lần so với quy định…thì anh này bỏ đi nhất quyết không ký. 
 
Một lúc sau anh ta quay lại tiếp tục lớn tiếng: "Người ta nghèo khó mới phải làm liều như vậy chứ ai muốn đâu…Các anh đừng ỷ mình có quyền thì cứ đè mấy người nghèo chúng tôi ra phạt để rồi mấy cái tàu há mồm ở dưới quê chết đói hết cả lũ…".
 
Để giảm nhiệt cho tài xế Tâm, một cán bộ CSGT đã kéo anh ta ra một chỗ rồi ôn tồn bảo: "Là công dân Việt Nam thì ai cũng phải tôn trọng pháp luật, nếu không thì đâu còn kỷ cương. Anh chở những tấm tôn dài đến hơn chục mét (gấp 5-6 lần chiều dài thân xe) ngoài vi phạm các quy định về an toàn giao thông còn gây nguy hiểm đến tính mạnh của những người tham gia giao thông nên chúng tôi yêu cầu anh dừng xe để xử lý theo đúng quy định của pháp luật chứ không ép ai cả. Vì sự an toàn đề nghị anh hợp tác…". 
 
Có vẻ như tài xế Tâm đã thấm nên khi nghe đến đây, anh ta đề nghị được ký vào biên bản vi phạm nhưng vẫn không quên năn nỉ: "Giảm nhẹ lỗi cho em đi chứ nộp nhiều quá em không đủ tiền… Em hứa sẽ chuyển qua chở loại hàng hóa khác, không vi phạm nữa đâu…"

Nguồn: Đức Cương/CAND

Các tin khác