Phóng sự
Đừng nhuốm bẩn lên đức tin tôn giáo linh thiêng
Bài 1: Nực cười những chiêu bài bôi nhọ lãnh đạo
(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, với âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, một số đối tượng đã ra sức kích động, xuyên tạc những luận điệu sai lệch sự thật, với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng lợi dụng truyền thông, tận dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền thông tin xấu với Động cơ lợi ích cá nhân.
Linh mục Đặng Hữu Nam nhiều lần kích động bà con giáo dân gây phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn |
Bài 2: Đừng nhuốm bẩn lên đức tin tôn giáo linh thiêng
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình. Cùng với lịch sử xây dựng và phát triển đất nước hàng nghìn năm, hiện nay, tại Việt Nam có mặt hầu hết các tôn giáo lớn với đông đảo tín đồ, chức sắc, nhà tu hành của Phật giáo, Công giáo, Tin lành hay một số tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân.
Và trên thực tế, lịch sử hàng nghìn năm giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định một sự thật hiển nhiên và cũng rất đáng tự hào: Là một nước đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc; đồng thời, là nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ ôn hòa, đoàn kết với nhau, đoàn kết với toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước. “Sống tốt đời đẹp đạo” trở thành phương châm và mục tiêu của các tín đồ tôn giáo, thành lẽ sống của những người dân trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Nghiên cứu lịch sử và nguồn gốc hình thành của các tôn giáo có thể thấy, bất cứ tôn giáo nào cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ. Theo đó, quan niệm đạo đức của hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính dân tộc và nhân loại, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác...
Với Phật giáo, vấn đề trung tâm là “diệt khổ" để hướng đến giải thoát, chứng được Niết bàn. Muốn đạt được điều đó, con người không chỉ cần có niềm tin tôn giáo, mà còn cần cả sự phấn đấu nỗ lực của bản thân bằng cách thực hành một đời sống đạo đức. Từ đó, Phật giáo đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể để con người tu tập, phấn đấu. Còn trong đạo đức Kitô giáo, giới răn yêu thương được xem là nền tảng. Kinh thánh khuyên con người phải yêu chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh em, làng xóm, cộng đồng... Những điều mà Kinh thánh răn cấm cũng rất cụ thể: Không giết người, không lấy của người, không nói sai sự thật, không ham muốn chồng hoặc vợ của người, không làm chứng giả để hại người...
Phân tích như trên để thấy rằng, tôn giáo nào cũng hướng các tín đồ đến các giá trị chân thiện, giúp mỗi người hoàn thiện mình hơn, sống tốt đời đẹp đạo. Thế nhưng, hiện nay, bên cạnh đại đa số tín đồ đang nỗ lực từng ngày để thực hiện theo điều răn của Chúa, để gần Chúa hơn thì có một số ít linh mục, giáo dân lại trở thành tấm gương xấu.
Trong đó, có thể kể đến những hành vi của 2 linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa và Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu. Các linh mục này miệng thì hô hào, tụ tập bà con giáo dân tiến hành biểu tình đòi quyền lợi, đặc biệt từ vụ việc của Formosa, nhưng bản chất chỉ là mượn cớ để thu hút sự “ủng hộ” từ bên ngoài nhằm trục lợi cá nhân. Những “con sâu làm rầu nồi canh” trên không răn dạy con chiên tích cực chăm lo sản xuất để xây dựng giáo hội mà ngược lại, họ kích động, xuyên tạc những điều sai sự thật, đẩy con chiên vào những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo dõi những luận điệu rao giảng tại các nhà thờ của Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục và những kẻ “đục nước béo cò” trong suốt thời gian qua, có thể nhận thấy, âm mưu đen tối của 2 linh mục trên là rất rõ ràng. Chẳng có cái gọi là “vì môi trường”, cũng không thể vì mục đích cao cả là chăm lo, chăm sóc cho đời sống của bà con giáo dân. Điều đọng lại vẫn chỉ là những tư lợi cá nhân hẹp hòi, những động cơ, mục đích thiếu trong sáng, gây phức tạp tình hình ANTT.
Khi kích động bà con, những kẻ cơ hội, những linh mục vì tư lợi hẹp hòi đã cố tình quên đi một chân lý: Trước khi trở thành tín đồ tôn giáo, mỗi chúng ta đều là người Việt Nam, là công dân của đất nước mà tổ tiên, cha ông ta suốt hàng nghìn năm đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ và dựng xây. Là “Mỗi người Công giáo tốt đồng thời là người công dân tốt” như Đức Giáo hoàng đã răn dạy. Là người Công giáo tốt phải không ngừng trở thành tấm gương sáng cho mọi người. Như Đức Giáo hoàng Joan Phao lô II đã dạy: Con người là con đường của Giáo hội. Nghĩa là mỗi linh mục phải phục vụ với tinh thần khiêm tốn, tận tụy, không lợi lộc, không tìm danh lợi riêng, không vô tâm, vô cảm, vô tình. Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình. Nhưng hình như ở đây, các vị linh mục trên lại đặt quyền lợi của mình đứng trên lợi ích của giáo dân, của đất nước, của xã hội, đi ngược với những lời giáo huấn của Giáo hội, với lời răn yêu thương của Chúa.
Sứ mệnh cao cả của một linh mục đó là nối đạo với đời, nối Giáo hội với xã hội. Vì thế, đức tin của các con chiên đặt trọn với các linh mục, nghe những lời răn của cha mà làm theo, nhìn những việc cha làm mà học tập. Thế nhưng, niềm tin tôn giáo có lúc, có nơi vẫn còn đặt chưa đúng chỗ, thậm chí là mù quáng. Mù quáng bởi thấy Cha làm sai mà vẫn làm theo, thấy những hành động không hợp với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” mà vẫn im lặng, không phản đối.
Và trong nhiều sự việc, sự nhầm lẫn đức tin là đáng thương hơn là đáng trách. Bởi nó xuất phát từ nhận thức lệch lạc qua quá trình rao giảng, xuyên tạc của vài linh mục, từ việc nghe theo Cha mà quên mất đạo lý, quên mất quy định của pháp luật. Thế nhưng, lần 1 là đáng thương, lần 2 là nhắc nhở, còn nếu lặp lại ở những lần tiếp theo, thì trách nhiệm chính lại ở các con chiên. Bởi, trước pháp luật, khi đã trở thành công dân, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, về những việc mình gây ra.
Trong đạo Công giáo, Chúa Giê su luôn muốn con người trở “nên men, nên muối” cho đời, trở nên ánh sáng cho trần gian, để mọi người thấy hành động đẹp của mỗi giáo dân mà tôn vinh Cha của chúng ta - đấng ngự trên trời. Và rằng, dù là tôn giáo nào, muốn thành đạo, mỗi tín đồ cũng phải trải qua thời gian học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Trong quá trình đó, sẽ có lúc nhầm lẫn, có lúc đau đớn, có lúc phải tự nhận ra những hạn chế để tìm ra con đường đúng đắn và hợp lý nhất, để sống như lời răn dạy của các bề trên:
“Đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hòa vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”
Chỉ có lúc đó, chúng ta mới chọn lựa đức tin tôn giáo một cách đúng nghĩa và trọn vẹn nhất.
(còn nữa)
Trần Lâm