Phóng sự

Người đàn bà bị chồng hạ sát không thành, viết đơn xin bãi nại

14:17, 07/11/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Một tháng 3 tuần, vào những ngày được thăm gặp, bà Phạm Thị Nhung (52 tuổi, trú tại thôn 8, xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) lại lặn lội đến Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tế cho chồng. Không ít người trong gia đình thân tộc đã trách móc bà, vì sao lại có thể tha thứ cho người đàn ông bạc tình, bạc nghĩa, đã ra tay sát hại vợ sau gần 30 năm chung sống...

1. Trong căn nhà trống hơ trống hoác, bà Phạm Thị Nhung thấy lòng trống trải.

...Tiếng nô đùa của đứa cháu ngoại, kéo bà trở lại với thực tại. Thời gian này, cô con gái thứ ba và đứa cháu ngoại thường xuyên ở bên bà. Sự hồn nhiên, nhí nhảnh của cháu và những lời động viên của con gái khiến bà cảm thấy được an ủi phần nào. Để có thể tha thứ cho người chồng tệ bạc, bà đã phải đấu tranh với bản thân rất nhiều.

“10 ngày đầu, chẳng đêm nào tôi chợp được mắt. Tối đến, con gái và cháu ngoại nằm cùng một giường nhưng cứ nhắm mắt vào là tôi lại giật mình”, tâm sự với tôi vào một buổi chiều muộn cuối tháng 10-2017, khi mà cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố chồng bà - ông Hoàng Trung Từ (57 tuổi, trú tại xã Tiêu Sơn) về tội giết người, bà Nhung bộc bạch.

30 năm trước, bà Nhung và ông Hoàng Trung Từ nên nghĩa vợ chồng. Ông Từ là người chịu thương, chịu khó còn bà Nhung là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, hay lam hay làm. Vợ chồng lấy nhau chỉ có hai bàn tay trắng nên sau khi kết hôn, ông bươn chải khắp nơi kiếm sống, còn bà ở nhà thì chuyên cần với việc đồng áng, thay ông chăm sóc gia đình và làm tròn trách nhiệm của người làm dâu...

Khi cô con gái đầu lòng chào đời, ông đang ở Sóc Trăng. Ngày cô con gái thứ hai sinh ra, cũng chỉ có một mình bà nuôi con bởi ông ra nước ngoài lao động. Với mong muốn có được cậu con trai nối dõi tông đường, sau đó bà liên tiếp sinh 2 người con nhưng cũng đều là con gái. Ở nông thôn, quan niệm về việc có cậu con trai nối dõi vẫn còn rất nặng nề nhưng ông chưa một lần trách móc hay nặng lời với bà.

Người xưa thường nói “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”, những năm sau này, việc làm ăn của vợ chồng ông bà lên như diều gặp gió. Đặc biệt là thời kỳ xe máy Trung Quốc thịnh hành, cửa hàng kinh doanh của ông bà lúc nào cũng tấp nập khách ra vào nên trong nhà cũng có của ăn, của để...

Việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì ông Từ xoay sang cho vay tiền với lãi suất cao để kiếm lời. Nhưng việc làm ăn không được theo ý ông. Do làm ăn thua lỗ, khiến ông hằng tháng phải gồng gánh trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, việc buôn bán vào thời điểm này cũng không được thông đồng, bén giọt như trước.

Bà Nhung chia sẻ: Vào thời điểm đó, lượng xe máy bán ra rất nhiều nhưng phần lớn là người mua chịu, dẫn đến việc nợ đọng vốn, gia cảnh vì thế cũng có phần sa sút hơn. Thời gian sau này, ông Từ chạy xe ô tô du lịch, theo lời của bà Nhung thì mâu thuẫn của vợ chồng họ bắt đầu từ thời điểm này...

Nhắc đến người phụ nữ mà bà Nhung cho rằng là nguyên nhân dẫn đến mái ấm gia đình bà lung lay, giọng bà đầy tức giận. Theo lời bà Nhung thì người phụ nữ này đã có gia đình, trước đây từng có quan hệ thân thiết với gia đình bà. Người này, nhận con gái út của bà làm con nuôi... Ban đầu, bà Nhung hoàn toàn không nghi ngờ gì về mối quan hệ trên, cho đến khi con gái bà nhìn thấy chồng bà có tình ý với người này.

Khi phát hiện sự việc trên, bà tìm xuống tận nhà bố mẹ chồng, rồi gặp chồng của người phụ nữ đó để nói chuyện thiệt hơn nhưng mọi sự không có biến chuyển... Bà Nhung chia sẻ vậy với chúng tôi nhưng theo lời của cô con gái thứ ba là chị Vân (hiện đang sống cùng bà) thì chị và gia đình chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy bố có quan hệ với người phụ nữ khác. Thế nhưng, khi đã không còn lòng tin thì cuộc sống vợ chồng chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Đối tượng Hoàng Trung Từ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng Hoàng Trung Từ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ.

2. Gặp chúng tôi trong Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, ông Từ cho rằng nguyên nhân gây ra vụ án trên là do bà Nhung đối xử với ông không ra gì. Ông đi hội thảo, bà không cho đi. Ông đi đường, không nghe điện thoại, bà cũng chửi bới, nhiếc móc. Còn bà Nhung thì cũng có những quan điểm của riêng mình.

“Có người đàn bà nào mà không ghen chồng? Tôi là đàn bà, tôi chẳng làm được gì ông ấy thì cũng chỉ biết cấu véo, nói vài câu cho hả dạ. Nếu ông ấy không muốn sống với tôi thì cũng có thể chọn một cách khác. Đằng này, những lúc tôi nói, ông ấy cứ ngồi im không nói gì rồi lại hành động như vậy”, bà Nhung bộc bạch.

Mâu thuẫn giữa cặp vợ chồng đã lên chức ông, chức bà này ngày càng phát sinh khi ông đi làm bảo hiểm. Bà Nhung không muốn chồng đi làm vì người phụ nữ bà nghi ngờ là tình địch cũng đang làm tại văn phòng này. Một vài lần, nhìn thấy cảnh chị ta cùng chồng bà ăn uống vui vẻ, được chia sẻ trên mạng Facebook, bà cảm thấy uất nghẹn.

Thay vì việc phải giải thích cho vợ một cách cặn kẽ thì người đàn ông này lại chọn giải pháp im lặng, khiến người vợ có máu “Hoạn Thư” càng thêm bán tín bán nghi. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông Từ một mực đổ lỗi cho người vợ từng đầu gối má kề. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc ông có hành động vi phạm pháp luật này là do sự ghen tuông thái quá của bà Nhung.

Rồi người đàn ông ấy chỉ vào những vết xước trên gương mặt của mình, nói rằng đó là những vết cào cấu của người vợ, đồng thời khẳng định rằng chưa làm gì có lỗi với vợ...

“Đó là lý do dẫn đến việc ông nhẫn tâm cướp đi mạng sống của người vợ bao năm má ấp môi kề?

Trước câu hỏi của tôi, người đàn ông ấy im lặng. Dù có biện minh với bất cứ lý do gì thì hành động của ông Từ cũng không thể tha thứ được. Vợ chồng sống với nhau một ngày cũng nên nghĩa, việc bà Nhung ghen tuông theo lời ông có thể là vô lối, nhưng cũng không thể vì thế mà ra tay cướp đi mạng sống của người vợ. Trong vụ án này, bà Nhung may mắn thoát khỏi cái chết hoàn toàn nằm ngoài chủ ý của người chồng mà đến giờ bà vẫn vừa thương, vừa hận.

Tại Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, Hoàng Trung Từ khai nhận: Khoảng hơn 9h ngày 6-9, chỉ có ông Từ và vợ trong căn nhà tại khu trang trại của gia đình. Bà Từ bị rối loạn tiền đình nằm mê man, bất tỉnh trên giường. Trong đầu người đàn ông ấy nảy ý định giết người vợ nhiều năm ăn ở với nhau. Nghĩ là làm, ông ta dùng sợi dây điện dài, một đầu gắn với phích cắm điện, đầu còn lại bị bóc vỏ để lộ phần lõi đồng...

Ông Từ buộc 2 đầu dây lõi đồng trên vào 2 cổ chân của bà Nhung. Do vừa uống thuốc, bà Nhung ngủ thiếp đi không biết gì, ông Từ cắm phích điện vào ổ điện sinh hoạt của gia đình, với mục đích cướp đi mạng sống của người vợ.

Tiếng kêu của bà Nhung đã cứu sống bà... Khi những người hàng xóm xung quanh lao sang và thấy vợ thức giấc, ông Từ sợ hãi vội rút dây điện rồi vứt xuống giếng nước trong vườn. Trở về từ cõi chết, bà Nhung cảm thấy người chồng có một điều gì đó không bình thường. Ông lảng tránh ánh mắt của bà và rất ngại ngần khi đến gần bà...

Rồi bà láng máng nghĩ đến câu chuyện cũ, khi bà ngã rơi từ trên phản xuống đất thì thấy ông đứng ở đầu giường. Bà Nhung cùng cô con gái thứ ba gặng hỏi ông về sự việc đã xảy ra nhưng ông khăng khăng không biết điều gì xảy ra, đồng thời tỏ ra giận dữ vì bà và con gái không tin ông.

Sự việc sẽ chìm vào quên lãng nếu cô con gái lớn của bà không đưa những hình ảnh 2 vết thương vòng quanh cổ chân của mẹ lên Facebook, với lời bình luận về việc truy tìm kẻ đã gây ra hành động tội ác ấy.

Sự việc sẽ đơn thuần chỉ là vụ giật điện nếu không có sự phát hiện kịp thời của Công an huyện Đoan Hùng và sự vào cuộc của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Phú Thọ. Từ thông tin của quần chúng, Công an huyện Đoan Hùng đã báo cáo sự việc lên Công an tỉnh Phú Thọ. Những dấu vết còn lại trên đôi chân của bà Nhung được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thu thập đã nói lên tất cả...

Khi ông Từ bị triệu tập lên trụ sở Công an tỉnh Phú Thọ, bà Nhung không muốn khai ra sự thật. Còn về phần ông Từ, người đàn ông này loanh quanh không khai nhận hành vi phạm tội. Song, những chứng cứ khoa học, kết hợp với việc tác động tâm lý đã khơi dậy tính thiện trong người đàn ông đó.

Hoàng Trung Từ: “Mong sớm được ra tù để tạ tội với vợ con”.
Hoàng Trung Từ: “Mong sớm được ra tù để tạ tội với vợ con”.

Ông Từ đã thừa nhận hành vi phạm tội. Trong lúc bột phát, khi phần “con” trong con người trỗi dậy, ông ta nghĩ rằng phải giết người vợ này vì bà ta lắm điều; trong chuyện tình cảm, lại là con người nhỏ nhen. Rồi ông ta nghĩ đến những lời nói đay nghiến của bà Nhung và quyết định ra tay.

3. May mắn giữ lại được mạng sống nhưng trái tim của bà Nhung đã chết từ ngày sự thật được phơi bày... Thế nhưng bà quyết định tha thứ cho chồng. Khi sức khỏe vừa bình phục, bà lặn lội đến Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tế cho ông Từ, một việc mà không phải người phụ nữ nào cũng dễ dàng làm được, sau những gì ông đã gây ra.

“Mình thù ông ấy thì mình cũng như ông ấy. Tôi có thể bỏ ông ấy, nhưng các con thì không bỏ được bố của chúng nó. Lúc đầu, các con tôi cũng giận bố nó lắm nhưng tôi phải khuyên bảo chúng nó”, bà Nhung bộc bạch.

Cùng với đó là áp lực của họ hàng trong gia đình bà và những người hàng xóm xung quanh. Không ít người đã thẳng thắn nói với bà rằng, hãy để cho người đàn ông đó phải trả giá cho hành động đã gây ra. Những đêm không ngủ, bà đấu tranh với chính mình. Bà và chồng có thể không nhìn nhau nhưng những đứa con thì không thể. Nếu như vậy, con bà khổ thì bà cũng chẳng sung sướng gì. Rồi bà lại tự nói với mình, sống tử tế để có đức để lại cho con cháu.

Những ngày qua, trời trở lạnh, bà lại bảo con gái chuẩn bị áo để mang xuống cho bố ở trại. Khi bà viết đơn bãi nại cho chồng, không ít người ngạc nhiên... Mỗi tháng vài lần, bà với cái chân cà nhắc lại xuống trại tạm giam thăm chồng. Khi giở những món đồ tiếp tế của người vợ, ông Từ rưng rưng nước mắt. Nào thì ruốc, muối vừng... Cứ chuẩn bị đến ngày được gửi đồ, bà lại dậy từ sáng sớm chuẩn bị cho ông.

“Tôi phục bà ấy và mong muốn bà ấy tha thứ cho tôi. Nếu ngược lại là tôi, tôi sẽ không bao giờ làm được điều cao thượng như bà ấy”, ông Từ rơi lệ khi nói với chúng tôi. Trong cuộc sống vợ chồng chắc chắn sẽ chẳng tránh được những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Nhưng nếu “cơm sôi nhỏ lửa” thì sẽ chẳng xảy ra những sự việc đau lòng như trên.

Trong trại tạm giam những ngày này, ông Từ sống trong sự ân hận, dày vò. Niềm mong mỏi lớn nhất của người đàn ông đó là sớm được ra tù để có cơ hội tạ tội với vợ con. Rồi ông nhắc đến trang trại bưởi đang vào vụ thu hoạch, không có người chăm sóc.

Con người ta là như vậy, khi đang có trong tay một điều gì đó, họ chẳng mấy khi biết trân trọng. Để rồi khi bị vuột mất thì lại tiếc nuối. Câu chuyện buồn của gia đình ông Từ cũng là bài học không cho riêng ai... Họ đều đã lên chức ông, chức bà. Nếu bà biết tôn trọng ông, lắng nghe những chia sẻ của ông, còn về phần người chồng cũng biết xử lý sự việc một cách thấu tình, đạt lý thì chắc chắn không có sự việc đau lòng như thế xảy ra.

Theo ANTG/Báo CAND

Các tin khác