Phóng sự
Khó nhất vẫn là thực hiện
15:08, 06/11/2017 (GMT+7)
Chúng ta đều biết, việc lạm dụng rượu bia sẽ luôn gây ra những hậu quả khó lường. Khi trong máu có một lượng cồn vượt quá giới hạn, điều đó đồng nghĩa với việc người ta mất kiểm soát năng lực hành vi, phổ biến nhất là không thể điều khiển phương tiện giao thông, xô xát, ẩu đả với người khác hoặc thực hiện rất nhiều những hành vi vi phạm khác.
Tất nhiên, trong các cuộc vui, lễ tết, không thể thiếu rượu bia. Chất kích thích này sẽ tạo hưng phấn, khiến người ta tạm quên đi những lo toan cuộc sống, thấy vui vẻ, yêu đời hơn, sẵn sàng chia sẻ với người khác nhiều điều.
Nhưng một thực tế cũng rất đáng báo động, đó là tình trạng nghiện rượu bia trong giới trẻ. “Rượu vào” không chỉ “lời ra” mà còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nhiều gia đình tan cửa nát nhà cũng vì có người nghiện rượu.
Ảnh minh họa |
Một khảo sát đáng buồn của Tổ chức Health Bridge Canada cho thấy: 70% là tỉ lệ nam giới ở Việt Nam có sử dụng rượu bia, 45% trong đó sử dụng ở mức độ nguy hại. Các hộ giàu và học vấn cao dùng nhiều rượu bia hơn (ngược lại với điều tra tại các nước phát triển). Chi tiêu cho rượu bia chiếm phần rất đáng kể trong thu nhập gia đình, những gia đình càng sử dụng nhiều rượu bia thì chi tiêu cho giáo dục và y tế càng giảm.
Tất nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, việc quản lý kinh doanh rượu khá chặt chẽ với rất nhiều chế tài nghiêm khắc. Như tại Singapore chẳng hạn, nước này ban hành luật cấm mua bán và uống rượu bia nơi công cộng từ nửa đêm đến 7h sáng hôm sau.
Cảnh sát Singapore cũng được trao nhiều quyền hạn hơn để xử lý với những người say rượu. Với người say rượu lần đầu có thể bị phạt 1.000 đôla Singapore. Đối với những lần vi phạm sau, số tiền phạt có thể tăng gấp 2, 3 lần.
Mới đây, năm 2015, Indonesia cũng đã chính thức ban hành lệnh cấm bán các thức uống có cồn trong các cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng bán lẻ khác. Thanh niên phải đủ 21 tuổi mới được uống rượu một cách hợp pháp.
Ngoài ra, vì là ngành kinh doanh có điều kiện nên rất nhiều nước trên thế giới quy định chặt chẽ cho người kinh doanh, chỉ chỗ nào có giấy phép mới được bán rượu bia, tuyệt đối cấm bán rượu bia cho phụ nữ có thai, người dưới 18 tuổi, người đã say rượu bia. Trong khi ở Việt Nam từ trước đến nay, việc mua bán rượu bia rất dễ dàng. Vào bất cứ một cửa hàng nào cũng có thể mua được rượu và không hạn chế số lượng.
Để kiểm soát thực trạng đáng buồn trên, ngày 1-11, Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu sẽ chính thức có hiệu lực. Có thể nói, đây là văn bản pháp luật mới nhất, đầy đủ nhất quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Một trong những điều quy định khiến nhiều người tỏ ra không mấy lạc quan về tính khả thi của Nghị định, đó là quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Cơ sở nào để biết người đó chưa đủ 18 tuổi? Chẳng lẽ bán rượu mà cũng phải kiểm tra chứng minh nhân dân? Các cơ quan chức năng còn có quyền kiểm tra chứ người kinh doanh đâu có quyền. Rồi các nhà hàng ăn uống, cứ kiểm tra giấy tờ tùy thân thì có mà… bán cho ma.
Rồi lấy đâu ra người để kiểm tra, giám sát việc kinh doanh rượu ở những thành phố lớn? Không ít người kinh doanh đã thẳng thắn bộc lộ quan điểm như vậy.
Để Nghị định trên thật sự đi vào cuộc sống, có rất nhiều việc phải làm và tất nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao nhất, đó là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý thị trường, quản lý phân phối, bán lẻ cùng chính quyền địa phương…
Việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi có thể có hiệu lực trong tương lai, còn hiện tại, công tác giáo dục, tuyên truyền cần lan rộng và có hiệu quả, cùng với nó là các văn bản quy định rõ mức xử lý vi phạm.
Nâng cao nhận thức và mức xử phạt nghiêm khắc, trong đó xử nặng với những trường hợp tái phạm chính là những giải pháp cần thiết để Nghị định trên được thực thi một cách hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn minh và đảm bảo sự an toàn cao nhất cho mọi người.
Nguồn: CSTC/CAND