Phóng sự

Giải pháp nào đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế?

08:29, 03/11/2017 (GMT+7)
Tình trạng nhân viên y tế bị hành hung liên tiếp đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần làm việc của các thầy thuốc cũng như chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị "Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế" vào tháng 4-2017, nhưng đến nay, tình hình dường như vẫn chưa được cải thiện.
 
 
Trong tháng 10 - 2017, tiếp tục xảy ra hai vụ tấn công vào nhân viên y tế tại nơi làm việc khiến hai nhân viên y tế bị thương nặng. Đây là thực trạng đau lòng, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế.
 
Thực trạng đau lòng
 
Tháng 4-2017, bác sĩ Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhân hành hung khi giải thích tình trạng của bệnh nhi nhập viện cho gia đình. Cú đánh khiến bác sĩ ngất tại chỗ, đầu phải khâu 7 mũi.
 
Xem clip do camera Bệnh viện 115 Nghệ An ghi lại:

Bấm play để xem video. (Nguồn: Internet)

 
Còn tại Bệnh viện Việt Yên (Bắc Giang), ngày 12-7, một bác sĩ sau khi xử lý vết thương nhỏ ở cánh tay và khuỷu tay cho một bệnh nhân đã bị một người đi cùng nhóm của người bệnh cầm máy đo huyết áp ném vào đầu gây chấn thương, khâu 5 mũi… và mới đây nhất, ngày 20-10, chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đang trong ca trực thì bị Hoàng Xuân Hải (26 tuổi) dùng dao chém nhiều nhát vào người khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê.
 
Ngày 23-10, bác sĩ Trần Thanh Sơn đang làm nhiệm vụ trực cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh khiến bác sĩ Sơn chảy máu vùng mặt, bị nôn ói, phải đưa đi cấp cứu.
Hình ảnh tại Phòng cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An.
Hình ảnh tại Phòng cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An.
Theo các nhân viên y tế chia sẻ thì ngoài áp lực công việc, nguy cơ bị phơi nhiễm, lây bệnh từ bệnh nhân, nguy cơ bị kiện cáo do những sự cố, trục trặc về chuyên môn, thì những lời hăm dọa từ phía gia đình bệnh nhân thường khiến họ bị stress, trầm cảm, cảm giác bị xúc phạm, nhục mạ và đe dọa khiến họ luôn phải làm việc trong trạng thái bất an, chán nản. Không ai có thể làm tốt công việc khi bị đối xử tệ bạc bởi chính đối tượng phục vụ của mình.
 
Bạo lực gia tăng trong lĩnh vực y tế, đồng nghĩa với việc người bệnh tự đẩy chất lượng y tế đi xuống. Hãy hình dung, nếu một bác sĩ bước vào phòng phẫu thuật với một tâm trí ám ảnh bởi câu dọa giết cả nhà, một bàn tay run rẩy vì sợ hãi, liệu bàn tay, đường dao mổ của họ còn chính xác. Hậu quả sẽ chính là tính mạng người bệnh.
 
Chưa hết, khi y bác sĩ bị một bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lăng mạ, chửi bới hay hành hung, đương nhiên họ sẽ phải "phòng thủ" trong chuyên môn, nhiều bệnh nhân khác sẽ bị ảnh hưởng… Vì thế nên hiểu tính chất công việc và chia sẻ với y bác sỹ về những áp lực trong công việc, những nguy cơ mà họ phải đối diện. Đồng thời phải lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.
Hình ảnh hành hung bác sỹ được camera ghi lại.
Hình ảnh hành hung bác sỹ được camera ghi lại.
Khi đối diện với nguy hiểm, các y, bác sỹ nên làm gì?
 
Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội chia sẻ: "Qua nghiên cứu các vụ hành hung y bác sỹ, tôi thấy bạo lực diễn ra rất nhanh, tức thời.
 
Do đó, khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, với những tình huống bệnh lý phức tạp (bệnh nhân nguy kịch, biến chứng xấu…) các y, bác sỹ cần có sự cảnh giác đề phòng nên giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc quá gần. Nếu thấy câu chuyện diễn biến theo chiều hướng căng thẳng, nảy sinh cãi vã, đôi co, nhân viên y tế cần mềm mỏng lắng nghe rồi tìm cách rời đi, không đứng lại tranh luận đúng sai.
 
Tình huống bạo lực phát sinh, xô đẩy, nhân viên y tế thì người liên quan trực tiếp đến vụ việc cần thoát ly ngay khỏi đám xung đột. Có thể bỏ chạy hoặc lấy lý do hợp lý rời đi. Những nhân viên y tế khác không liên quan đến vụ việc cần khẩn trương bấm chuông báo động hoặc gọi lực lượng bảo vệ đến xử lý, đưa kẻ quá khích ra ngoài.
 
Nếu tương quan lực lượng đông hơn, có thể xúm vào can ngăn, mềm mỏng phân tích thiệt hơn để đối tượng "hạ hỏa". Cần chú ý kỹ năng giao tiếp lúc này, chú ý lắng nghe vấn đề của gia đình bệnh nhân, hứa hẹn giải quyết để hạ nhiệt".
 
Thượng tá Trịnh Kim Vân cho biết thêm: "Nếu trong trường hợp cư xử mềm dẻo mà vẫn bị tấn công thì nhân viên y tế tuyệt đối không đứng im để đối tượng hành hung. Khi không thể chạy được, hãy nhớ bộ luật hình sự đã quy định về quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả một cách cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi tấn công để bảo vệ mình và đồng nghiệp. Việc chống trả không vi phạm pháp luật hoặc kỷ luật của ngành y tế. Có thể chống trả bằng chân tay không, hoặc bằng các vật dụng xung quanh. Tốt nhất vừa chống trả vừa la hét thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác, đồng thời khiến kẻ gây sự sợ hãi mà bỏ đi, vì họ đều biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Trong tâm lý, họ cũng rất sợ bị bắt và trừng phạt bởi pháp luật. Tuy nhiên, nên nhớ chống trả để vô hiệu hóa, ngăn chặn hành vi tấn công, chứ không nhằm mục đích gây thương tích cho đối tượng. Những nhân viên y tế khác khi thấy đồng nghiệp bị tấn công, cần báo ngay bảo vệ. Nếu đối tượng dùng chân tay không, mà lực lượng đông hơn, có thể xông vào ôm giữ, kéo đối tượng ra. Nếu đối tượng có hung khí nguy hiểm, cần thiết ấn chuông báo động hoặc gọi điện cho Cảnh sát, cho bảo vệ bệnh viện đến ứng cứu".
Lắp đặt hệ thống camera ở các khoa, phòng… sẽ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở y tế.
Lắp đặt hệ thống camera ở các khoa, phòng… sẽ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở y tế.
Tăng cường an ninh bệnh viện
 
Cần nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh bệnh viện cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế. Nhận thức đúng đắn mới có giải pháp chủ động phòng ngừa tình trạng bạo lực tại các cơ sở y tế. Trước tiên các nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm túc 22 điều y đức và Quy chế ứng xử ban hành theo Thông tư 07/2014 của Bộ trưởng Bộ y tế.
 
Nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh. Trên thực tế, các vụ bạo lực cũng có một phần lỗi của nạn nhân, đó là chưa làm đúng các quy định về giao tiếp, cá biệt còn hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, vô cảm, giữ bệnh nhân dù vượt quá khả năng điều trị của mình dẫn đến bức xúc từ phía thân nhân gia đình bệnh nhân.
 
Theo ông Hà Đình Thủ, Giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ An ninh Yên Việt thì nên kiện toàn đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp tại các bệnh viện có đủ số lượng và chất lượng, công cụ hỗ trợ đủ sức trấn áp các vụ gây rối, hành hung trong bệnh viện.
 
Lắp đặt đầy đủ hệ thống camera trong các phòng khám, điều trị, hành lang, khuôn viên… kết nối với trung tâm điều hành bảo vệ. Cần thiết lắp hệ thống chuông báo động an ninh để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Thiết lập đường dây nóng với Công an cơ sở (phường xã) nơi bệnh viện đóng trụ sở.
 
Mở các lớp tập huấn xử lý tình huống an ninh phức tạp tại bệnh viện, để bảo vệ và nhân viên y tế làm quen với các tình huống giả định, khi xảy ra sự việc biết cách xử trí khôn ngoan, giảm thiểu hậu quả tác hại. Để bảo đảm an ninh trong cơ sở y tế, cần xây dựng hành lang pháp lý, khẳng định các cơ sở y tế là môi trường, cơ quan đặc thù, hạn chế cá nhân ra vào. Từ đó, tăng cường bảo vệ và các chế tài xử lý. Ở một số bệnh viện lớn, đội ngũ bảo vệ, vệ sỹ khá đông và chuyên nghiệp, những kẻ côn đồ không thể thâm nhập, hoặc lộng hành.
 Bác sĩ Sơn - Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) chấn thương do bị hành hung.
Bác sĩ Sơn - Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) chấn thương do bị hành hung.
Hiện nay một số bệnh viện lớn tại Hà Nội đã thông báo công khai sẵn sàng chống lại mọi hành vi tấn công nhân viên y tế của mình. Cần nói rõ quan điểm như thế. Chứ chỉ biết kỷ luật nhân viên của mình không phải là cách hay. Nhân viên y tế không còn biết trông cậy vào đâu để tự bảo vệ mình.
 
Nên có những tổ chức nghiệp đoàn như hội y sỹ để bảo vệ quyền lợi cho nhân viên y tế, khi chẳng may bị hành hung, kiện cáo, hay vướng vào những sự việc phức tạp khác. Có như vậy, y bác sỹ mới yên tâm làm việc, cứu người.
 
Thông qua hệ thống loa truyền thanh trong bệnh viện, cần phổ biến các nội quy, quy định để người dân tự giác chấp hành, trong đó nêu rõ chế tài xử lý đối với hành vi hành hung nhân viên y tế. Việc tuyên truyền có tác dụng thay đổi nhận thức, thay đổi ý định phạm tội trong những người có dự định âm mưu gây hấn.
 
Cần xây dựng tốt môi trường an ninh ngành y, tạo môi trường thân thiện, nhân văn trong các cơ sở y tế, bảo đảm các bệnh nhân được đối xử bình đẳng, nhân văn, được tích cực cứu chữa, điều trị. Xử lý nghiêm minh cán bộ, nhân viên y tế có hành vi thiếu tôn trọng, vòi vĩnh bệnh nhân, vi phạm quy chế chuyên môn.
 
Bạo lực trong cơ sở y tế một phần xuất phát từ sự giảm sút niềm tin của người dân vào ngành y, vào y bác sĩ. Do đó, xây dựng, bảo vệ niềm tin của người dân với ngành y sẽ là phương pháp tốt để giảm thiểu bạo lực. Và, rất cần sự chung tay của toàn xã hội với ngành y để hoàn thiện điều kiện khám chữa bệnh, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên y tế, chăm sóc bệnh nhân, bảo đảm an ninh bệnh viện.
 
Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc những vụ tấn công nhân viên y tế để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Các vụ hành hung y bác sỹ đều có thể khởi tố hình sự, về tội "Gây rối TTCC". Nếu gây thương tích cho y bác sĩ hoặc gây án mạng, khởi tố thêm tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Giết người".

Nguồn: Tuấn Trình/CAND

Các tin khác