Từ ngày 1/8/2016, những điểm mới được bổ sung vào Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực đối với những người có hành vi vi phạm về quy định an toàn giao thông. Theo đó, người lái xe sử dụng điện thoại hay có nồng độ rượu, bia cao đều sẽ bị xử phạt với các mức tăng nặng hơn. Với người đi xe ô tô, mức phạt bằng tiền cao nhất lên tới 16 – 18 triệu đồng...
Bên cạnh đó, người tham gia giao thông nếu vượt đèn đỏ, không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ bị phạt từ 1,2 – 2 triệu đồng.
Đó là một số điểm mới được bổ sung vào Nghị định 46/2016/NĐ-CP trong xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Người lái xe sử dụng điện thoại hay có nồng độ rượu, bia cao sẽ bị tăng mức phạt. |
Ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, thuộc Bộ Giao thông Vận tải – một trong những người tham gia ban soạn thảo Nghị định này cho biết: “Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, có thể thấy cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc triển khai luật giao thông đường bộ và đường sắt, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy một số vướng mắc vẫn còn tồn tại, trong đó có những hành vi phổ biến là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Dù đã có mức xử phạt với những vi đó nhưng mức độ vẫn chưa đủ răn đe”.
Bên cạnh việc xử phạt hành vi lái xe sau khi uống nhiều rượu, bia, lái xe tốc độ cao, ban soạn thảo Nghị định còn bổ sung thêm mức xử phạt đối với hành vi lái xe chở quá tải, chở quá số người quy định. Đáng chú ý, Nghị định bổ sung còn đưa ra mức phạt mới đối với hành vi lái xe lấn làn trên đường cao tốc hay không gạt chân chống khi đang lái xe.
Ông Hoàng Thế Tùng cho biết: “Việc lái xe lấn làn trên đường cao tốc rất nguy hiểm không chỉ với xe máy mà còn với các phương tiện ô tô di chuyển trên đường cao tốc. Đặc biệt, với đường cao tốc, chúng ta biết rằng tốc độ lưu thông rất lớn nên tai nạn nếu xảy ra sẽ thảm khốc. Do đó, mức xử phạt quy định đã được ban soạn thảo cân nhắc rất kỹ để bảo đảm tính răn đe và khả thi. Còn về hành vi không gạt chân chống khi đang lái xe, bản chất của vấn đề này trong Nghị định là sử dụng chân chống để quẹt xuống đường khi xe đang chạy. Việc xử phạt áp dụng cho hành vi cố tình, không phải hành vi vô tình”.