(Congannghean.vn)-Nhằm giảm thiểu TNGT trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tới việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến các chủ phương tiện và đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tăng cường xử lý các “điểm đen” về TNGT, xóa bỏ triệt để những chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường; tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT”, từng bước hình thành nếp sống văn hoá trong quá trình tham gia giao thông của người dân.
Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa cao
Trên khắp các tuyến đường từ thành phố đến nông thôn, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. Tại nhiều ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, mặc dù không có biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải” nhưng nhiều người vẫn vô tư làm trái luật. Tại những ngã tư có biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải”, mỗi khi có đèn đỏ, nhiều người lại dừng xe trên phần đường dành cho phương tiện rẽ phải, khiến người được ưu tiên không thể lưu thông.
CSGT Công an huyện Diễn Châu tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại Trường THCS Cao Xuân Huy (Diễn Châu, Nghệ An) |
Ngoài ra, nhiều người tham gia giao thông còn mắc các lỗi phổ biến như: Chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe… Tình trạng này diễn ra phổ biến trong thời gian qua khiến công tác đảm bảo TTATGT gặp rất nhiều khó khăn.
Tại những khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, dễ xảy ra tai nạn, ách tắc, khi có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thì chủ phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường bộ rất nghiêm túc. Tuy nhiên, khi lực lượng này vắng mặt, giao thông lại trở nên hỗn loạn.
Từ đó có thể thấy, việc chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông chủ yếu còn mang nặng tư tưởng đối phó với cơ quan chức năng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông.
Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản trên 48.299 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt, nộp kho bạc Nhà nước gần 35 tỉ đồng; tạm giữ 12.321 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 3.681 trường hợp.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo TTATGT, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT nhằm từng bước ngăn ngừa tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Ban ATGT các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai các chương trình phối hợp, tổ chức các cuộc thi, các buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ với nhiều chủ đề như về: Nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn..., thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT của các ngành, đoàn thể, địa phương chưa có nhiều đổi mới, thời lượng tuyên truyền chưa nhiều, hình thức và nội dung chưa phong phú. Kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế; nhiều đơn vị chưa chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền.
Để đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo TTATGT, trong đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương.
Ban ATGT các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức phong phú, sinh động, dễ hiểu nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông...