(Congannghean.vn)-Những tiện ích mà hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) mang lại cho cuộc sống con người trong giai đoạn phát triển hiện nay là đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà có thể phủ nhận những nguy cơ tiềm ẩn do hoạt động này mang lại. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đấu tranh, xử lý hiệu quả đối với các vi phạm trong lĩnh vực này.
Nghệ An là một trong những tỉnh trong cả nước có tốc độ phát triển TMĐT tương đối nhanh, sôi động, có sự định hướng, quản lý Nhà nước chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Theo số liệu thống kê tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT - Bộ Công thương, chỉ số phát triển TMĐT Nghệ An năm 2019 đạt 42,4 điểm, xếp thứ 15 trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 website TMĐT bán hàng, sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp đã thực hiện nghĩa vụ thông báo, đăng ký với Bộ Công thương theo quy định. Với những lợi ích mà hoạt động TMĐT mang lại cho cả người mua và người bán, số lượng các tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT bán hàng và tham gia các hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội tăng nhanh theo thời gian. Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã xem TMĐT là kênh giao dịch, phân phối hàng hóa quan trọng.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử |
Triển khai thực hiện Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020 (Nghệ An là 1 trong 8 tỉnh trọng điểm nằm trong kế hoạch), để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ ổn định thị trường TMĐT, Cục QLTT Nghệ An đã giao cho Đội QLTT số 11 chủ trì, cùng phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh để triển khai thực hiện. Theo đó, trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 63 vụ vi phạm trong TMĐT với tổng giá trị thu phạt đạt 1 tỉ 216 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Thiết lập website TMĐT bán hàng mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định, kinh doanh các loại hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua mạng xã hội facebook, zalo, instagram, tiktok...
Qua thực tiễn triển khai các giải pháp đấu tranh, xử lý, lực lượng chức năng nhận thấy còn một số vướng mắc như: Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT chưa theo kịp tình hình phát triển của thị trường. Việc xác định chính xác địa chỉ của các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn do mô hình kinh doanh TMĐT nói chung và thông qua các mạng xã hội nói riêng hình thành những chủ thể kinh doanh không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh, các đối tượng sử dụng không gian mạng làm “môi trường kinh doanh” và chỉ cần một khu vực chứa trữ hàng hóa như nhà riêng, thuê các khu chung cư, nhà trọ... để thực hiện toàn bộ các hoạt động chào bán, nhận, chốt, gửi đơn hàng và thanh toán qua ví điện tử hoặc hình thức COD. Bên cạnh đó, việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán trên các mạng xã hội chủ thể quản lý ở nước ngoài như facebook, twiter, instagram, tiktok… khá dễ theo hướng “mở”, do đó các đối tượng cố tình vi phạm thường lợi dụng để mở nhiều tài khoản, đăng ký các thông tin địa chỉ “ảo”, các bài đăng thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại giao dịch nên lực lượng chức năng rất khó để xác định, truy xuất thông tin, dữ liệu người bán. Ngoài ra, các website TMĐT bán hàng vi phạm, đặc biệt là các website sử dụng tên miền quốc tế như .com, .net, .org… còn mập mờ về thông tin chủ sở hữu, được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Trước thực trạng nói trên, trong thời gian tới, đặc biệt là vào những thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021, ngày hội mua sắm trực tuyến Black Friday, Sale, Cục QLTT Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT nhằm thực hiện hiệu qua Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật.
Bên cạnh việc kiểm tra kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, việc lợi dụng TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm đối với phát triển kinh tế - xã hội; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; thúc đẩy TMĐT phát triển theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT; tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT…
.