Thứ Sáu, 04/12/2020, 10:38 [GMT+7]

Hiểu đúng về việc người dân được sử dụng pháo hoa

(Congannghean.vn)-Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) của Chính phủ ban hành ngày 27/11/2020 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm pháp luật.
Bắn pháo hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh nhân dịp năm mới
Bắn pháo hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh nhân dịp năm mới
Tại điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, quy định này lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Ngoài ra, trong nghị định này cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ. Đồng thời, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo, so với 4 hành vi chung chung như trước đây. 
 
Nghị định với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có rất nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm, ANTT. Thậm chí, có không ít người đang hiểu lầm thành sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa, "mùi thuốc pháo đã trở lại" trong dịp lễ, tết. Cùng với đó, nhiều người còn băn khoăn muốn đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật có phải đăng ký với chính quyền? Vấn đề này, trước hết người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Nghị định 137 có quy định về các trường hợp được sử dụng pháo hoa nhưng hiện tại một số người dân, cơ quan tổ chức chưa hiểu rõ khái niệm “pháo hoa” khi cho rằng pháo hoa cũng là pháo hoa nổ hoặc là loại pháo hoa do Bộ Quốc phòng bắn vào các sự kiện hoặc loại pháo người dân đang đốt trái phép trong các dịp lễ, tết.
Người dân cần phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ  để tránh nhầm lẫn trong quá trình sử dụng
Người dân cần phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh nhầm lẫn trong quá trình sử dụng
Cần biết, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137 ra đời. Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm tuyệt đối người dân sử dụng. Như vậy người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ, chỉ có tiếng xì xì, chứ không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ. Còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng. Ngoài ra, Nghị định 137 cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì mới được sử dụng pháo hoa. 
 
Để mua được đúng loại pháo hoa được phép sử dụng, người dân chỉ có thể mua loại pháo hoa này của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, vì loại pháo này chỉ Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, không bán tràn lan. Người dân khi tổ chức sinh nhật, cưới hỏi muốn đốt pháo hoa thì không cần đăng ký với chính quyền, chỉ cần đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi thì được phép đốt. Hiểu một cách đơn giản nhất, bình thường tổ chức đám cưới người dân hay đốt loại pháo hoa không có tiếng nổ, chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc, đây chính là loại pháo hoa người dân sắp tới được phép sử dụng. Còn pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. 
 
Luật sư Cao Trí, Văn phòng Luật sư Cao trí và cộng sự, thuộc Đoàn luật sư Nghệ An cho biết: So với quy định trước đây tại Nghị định 36/2009 thì Nghị định 137/2020 vẫn giữ nguyên quy định và không cho phép cá nhân sử dụng pháo hoa nổ vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi… mà chỉ quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự thủ tục của việc sử dụng pháo hoa nổ vào các ngày lễ, tết các sự kiện du lịch, văn hóa thể thao của dân tộc. Đối với loại pháo hoa thông thường như lâu nay chúng ta vẫn sử dụng vào các dịp đám cưới, sinh nhật… tại Nghị định 137, chính thức được định nghĩa cụ thể và đưa vào Nghị định để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn.
 
Đối với pháo hoa nổ, Nghị định cũng quy định rõ ràng đối với cá nhân, tổ chức được sử dụng và thời gian sử dụng cụ thể. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán thì các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế được bắn không quá 15 phút vào đêm Giao thừa. Tỉnh Phú Thọ được bắn dịp giỗ tổ Hùng Vương, các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế được bắn vào ngày Quốc khánh. Tỉnh Điện Biên được bắn vào ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, một số ngày khác như 30/4 hoặc ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… vẫn được phép sử dụng pháo hoa nổ, đối với các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
 
Về triển khai Nghị định 37, hiện nay Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đang tham mưu Bộ Công an có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt triển khai Nghị định 137/2020, đồng thời phổ biến quán triệt nội dung mới của Nghị định và tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ ràng về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý pháo, đặc biệt là để cho người dân hiểu thế nào là pháo hoa và sử dụng như thế nào để tránh nhầm lẫn đáng tiếc trong quá trình tàng trữ, mua bán và sử dụng pháo.
.

THIÊN THẢO

.