Thứ Hai, 30/11/2020, 09:44 [GMT+7]

Chưa được thuê đất, doanh nghiệp vẫn trồng hàng nghìn ha cao su?

(Congannghean.vn)-Sau 10 năm triển khai trồng cây cao su trên địa bàn Nghệ An, đến nay Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã có sản phẩm để thu hoạch. Tuy nhiên, nghịch lý là hàng nghìn diện tích cao su của công ty này tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong vẫn chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
 
Sau thủy điện, người dân Quế Phong khốn khổ vì cây cao su
 
Ngày 13/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4081/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch diện tích trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong là 3.089,0 ha tại các xã Hạnh Dịch, Tiền Phong và Mường Nọc. Đến ngày 26/12/2016, tại Quyết định số 6665/QĐ-UBND, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích, xuống còn 2.200 ha. Đến năm 2015, doanh nghiệp này đã ồ ạt trồng cây cao su trên địa bàn huyện này, diện tích đo được là 967,06 ha. Trong đó, diện tích trong quy hoạch không có rừng là 248,47 ha; còn diện tích trong quy hoạch đang có rừng tự nhiên là 984,47 ha. Theo Báo cáo số  206/BC-UBND ngày 22/6/2020 của UBND huyện Quế Phong, thì đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã trồng được 1.114 ha.
Cây cao su trên địa bàn Nghệ An đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật
Cây cao su trên địa bàn Nghệ An đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật
Cùng thời điểm này, Hạt Kiểm lâm đang thực hiện đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCNQSDĐ cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thôn trên địa bàn. Do đó, khi việc giao đất cho người dân còn dang dở thì xảy ra tình trạng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao thuộc quy hoạch trồng cây cao su đã được UBND tỉnh phê duyệt nên không thể giao cho người dân. Một số diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho chủ rừng, mặc dù chưa thu hồi nhưng khi quy hoạch, doanh nghiệp đã trồng cao su. Ngoài ra, việc trồng loại cây này còn kéo theo một số bất cập khác như có tình trạng quy hoạch chồng lấn lên các dự án khác, lên đất cộng đồng thôn, bản. 
 
Cụ thể, việc trồng cao su còn chồng lấn với đất cộng đồng bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch; quy hoạch chồng lấn với công trình Thủy điện Châu Thắng, khu tái định cư Thủy điện Hủa Na; quy hoạch chồng lấn với diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi của Lâm trường Quế Phong giao cho địa phương quản lý với diện tích khoảng 1.045,8 ha; chưa lập hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; không phối hợp với địa phương trong việc rà soát, bóc tách điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, có khoảng 519 ha đã quy hoạch trồng cao su thuộc rừng tự nhiên tại xã Tiền Phong chồng lấn với phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư của xã Tiền Phong, theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018.
 
Những bất cập này, UBND huyện Quế Phong đã báo cáo với Sở TN&MT, nêu rõ: “Đề nghị Sở TN&MT đưa vào kế hoạch kiểm tra trong năm 2020 đối với dự án trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An. Nếu dự án không có đủ điều kiện thực hiện với số diện tích đã quy hoạch nhưng chưa triển khai trồng cao su thì đề xuất UBND tỉnh chủ trì cùng với các sở, ban, ngành có liên quan làm việc với Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An và yêu cầu công ty trả lại số diện tích đã quy hoạch nhưng chưa triển khai trồng để tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí đất đai, không ai chịu trách nhiệm chính khi có tình trạng hỏa hoạn, phá rừng xảy ra. Mặt khác, yêu cầu Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An thực hiện đầy đủ các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai đối với phần diện tích đã trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong”.
 
Nguyên nhân của việc phát sinh những vấn đề nêu trên, được lý giải là tại Văn bản số 5199/UBND-NN, khi UBND tỉnh đồng ý về chủ trương cho doanh nghiệp này được thực hiện trồng cây cao su trước khi có quyết định thu hồi đất. Cụ thể, UBND tỉnh đồng ý về chủ trương để Công ty cao su Nghệ An tiến hành trồng cao su trước khi UBND tỉnh thu hồi đất đối với diện tích của Công ty cao su Nghệ An, Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp Sông Hiếu. Ngày10/8/2020, Sở TN&MT có Báo cáo số 3917/STNMT-QLĐĐ, nêu rõ: “Qua rà soát hồ sơ giao đất, cho thuê đất lưu tại Sở TN&MT cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Công ty cao su Nghệ An chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện Quế Phong theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện dự án đầu tư trồng cây cao su. Dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong mới được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch…”.
 
Hàng nghìn ha cao su trồng trên đất chưa được giao đất, thuê đất
 
Ngoài ra, cũng thời gian nói trên, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã tiến hành trồng hàng nghìn ha cây cao su trên địa bàn các huyện Thanh Chương và Anh Sơn. Dựa vào Quyết định số 6665/QĐ.UBND.NN của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, ngày 8/10/2019 Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An có Tờ trình số 212/HĐQT-RBN gửi Sở TN&MT, cho biết dự án trồng cao su của công ty này được thực hiện trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong với tổng diện tích quy hoạch là 8.947 ha.
Cây cao su được trồng trên đất Quế Phong, chồng lấn đất cộng đồng
Cây cao su được trồng trên đất Quế Phong, chồng lấn đất cộng đồng
Cũng theo báo cáo, từ năm 2010 đến thời điểm kết thúc vụ trồng mới năm 2018, diện tích cao su đã trồng được hơn 4.363 ha. Tuy nhiên, nghịch lý là đến nay, hồ sơ xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty vẫn chưa hoàn thành. Doanh nghiệp chỉ mới thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ trích lục bản đồ, đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất trồng cao su, lập hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích lập hồ sơ giai đoạn 1 là 1.203,2 ha tại diện tích đất trồng cao su của Nông trường cao su TNXP 2 và Nông trường cao su 12/9 trên địa bàn xã Thanh Đức và Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. 
 
Nguyên nhân của việc chậm hoàn thiện các thủ tục cho  Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An thuê đất, đại diện Sở TN&MT cho rằng, tại một số khu vực, diện tích không phù hợp các quy định của Luật Tài sản công và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đơn cử, tại 2 khu đất đề nghị thuê của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn và đất của Tổng đội TNXP 2, mặc dù đã được UBND tỉnh có quyết định thu hồi để Công ty thực hiện dự án trồng cây cao su, nhưng theo báo cáo của Sở Tài chính, thì hiện nay phần diện tích đất vẫn đang do UBND các huyện Anh Sơn, Thanh Chương tạm thời quản lý chưa giao đất, cho thuê. Nếu Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An có nhu cầu sử dụng các khu đất này thì hoặc là phải mua với hình thức đấu giá, hoặc phải xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 
 
Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/9/2020, Sở TN&MT có văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An báo cáo về tình hình sử dụng đất trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Quế Phong. Cùng ngày, Sở này có Văn bản số  4600 /STNMT-QLĐĐ về việc điều chỉnh quy hoạch cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trên địa bàn huyện Quế Phong gửi lên UBND tỉnh. Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh tiếp tục giao Sở NN&PTNT chủ trì rà soát, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý, điều chỉnh quy hoạch trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong, xử lý dứt điểm những tồn tại, bất cập liên quan đến dự án này. Ngoài ra, ngày 16/9/2020, UBND tỉnh cũng đã ban hành Thông báo số 528/TB-UBND, trong đó có nội dung, chỉ đạo rà soát lại quy hoạch dự án của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An. 
 
Trong một diễn biến khác, phản ứng về những vướng mắc trong dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong, ngày 24/9/2020, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An có Văn bản số 187/RBN-HĐQT gửi Sở TN&MT để báo cáo về tình hình sử dụng đất thực hiện dự án trồng cao su: “Trên địa bàn huyện Quế Phong có nhiều dự án sử dụng đất lâm nghiệp và đã có sự chồng chéo trong quy hoạch sử dụng đất, mặt khác, các hộ dân sống rải rác, xen kẽ trong vùng quy hoạch cũng gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai thực hiện dự án trồng cao su. Để giải quyết dứt điểm tồn tại trong quy hoạch, sử dụng đất, đề nghị UBND tỉnh và các ngành hữu quan cho rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 trở về sau”, doah nghiệp kiến nghị phương án giải quyết vấn đề.
.

THIỆN THÀNH

.