Thứ Ba, 06/10/2020, 07:38 [GMT+7]

Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

(Congannghean.vn)-Trong bất cứ thời điểm nào, bạo lực gia đình luôn là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em; đồng thời có những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Thực trạng này đã, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ và trả em gái khuyết tật trên địa bàn cả nước nói chung và tại Nghệ An nói riêng.

Tranh minh họa
Tranh minh họa
Theo báo cáo tại Hội thảo “Tăng cường năng lực TGPL cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An” do Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng tổ chức vào ngày 2/10 vừa qua, từ năm 2008 - 2019, tại Nghệ An có 8.390 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, xử lý; trong đó, hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Như vậy, trung bình mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 839 vụ bạo lực gia đình. Đây chưa hẳn là con số thống kê đầy đủ nhưng cũng đủ cho thấy mức độ vi phạm và công tác phòng, chống bạo lực giới đang là vấn đề gây nhức nhối hiện nay. Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ngày 14/7/2020 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người trải qua bạo lực thể xác (chiếm 11,4%) và tình dục (9%) từ 15 tuổi do người khác gây ra.
 
Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, tình trạng bạo lực giới xảy ra ở nhiều quốc gia đang có tư tưởng nặng nề về trọng nam khinh nữ, trong đó có Việt Nam. Riêng phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều nguy cơ về bạo lực giới, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Ở nhiều nơi, tình trạng bạo lực giới do chính những người thân, quen, ruột thịt gây ra. Trong nhiều trường hợp, chính điều này đã tác động đến tâm lý, tình cảm của nạn nhân khiến họ lựa chọn lối thoát tiêu cực cho bản thân mình. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực giới trước hết xuất phát từ nhận thức của chính nạn nhân. Một số phụ nữ khuyết tật, gia đình họ còn nhiều mặc cảm, tự ti nên âm thầm chịu đựng hậu quả mà không chia sẻ vì tư tưởng ngại dư luận, sợ bị trả thù; chưa tin tưởng vào sự hỗ trợ bảo vệ từ các tổ chức xã hội, cơ quan có thẩm quyền như chính quyền cơ sở; trung tâm TGPL Nhà nước, cơ quan Công an. Bên cạnh đó, sự kỳ thị giới trong xã hội còn khá phổ biến đặc biệt với phụ nữ, trẻ em khuyết tật cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng vấn nạn bạo lực gia đình. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế nên nhiều nạn nhân chưa nhận thức đầy đủ về quyền của họ, từ đó thiếu kỹ năng phòng, chống.
 
Trước thực trạng nhức nhối nói trên, thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực giới đã được các cấp, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó đặc biệt chú trọng công tác TGPL. Tính từ tháng 1 đến tháng 9/2020, Trung tâm TGPL tỉnh Nghệ An đã tổ chức TGPL cho người tàn tật 49 vụ việc (bảo vệ 30 trường hợp, bào chữa cho 19 trường hợp). Trong đó, có 22 vụ việc là bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, chiếm 45% trong tổng số vụ việc TGPL cho người khuyết tật. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lý, Trưởng phòng nghiệp vụ của Trung tâm thì công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn từ chính các nạn nhân do e ngại, xấu hổ, không muốn người khác biết... Điều này không chỉ khiến nạn nhân các vụ bạo lực giới đối diện với nhiều nguy cơ hơn mà khiến việc xử lý người bạo lực, đặc biệt là xử lý hành chính, hình sự gặp nhiều trở ngại.
 
Cũng theo Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, hiện nay, việc xử lý hình sự các đối tượng vi phạm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đa số nạn nhân bị bạo lực không dám tố cáo tội phạm, trong khi đó nhiều loại tội chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại; cơ quan điều tra cũng chưa thực sự muốn vào cuộc với các vụ bạo lực gia đình vì xác định chứng cứ khó khăn...; việc giám định thương tích, giám định tài sản còn tốn kém, khó áp dụng, chưa kể các kết luận giám định cũng khác nhau; bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý được hình sự hoặc theo quy định của pháp luật hiện nay phải có kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên mới khởi tố hình sự; các địa phương còn che giấu vì thành tích, không muốn tố cáo các vụ bạo lực gia đình...
 
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc nói trên, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp, ban, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phòng, chống bạo lực giới cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội như hội Người khuyết tật, Hội phụ nữ và Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật địa phương… để hỗ trợ người khuyết tật trong phòng, chống bạo lực về giới, đồng thời khuyến khích nạn nhân của bạo lực giới chia sẻ về vụ việc. Cần có biện pháp nâng cao khả năng nhận thức về quyền, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, giúp họ đến gần hơn với các hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo vệ bản thân.
 
Bên cạnh đó, chủ động trong thông tin phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực về giới... Riêng đối với UBND các cấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường các giải pháp khuyến khích tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức nhằm xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ bạo lực về giới. Thông tin rộng rãi địa chỉ, số điện thoại các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp, Công an, cơ sở khám, chữa bệnh, trợ giúp pháp lý để người bị hại, cá nhân, tổ chức liên hệ khi cần hỗ trợ, bảo vệ khi có hành vi bạo lực giới…
.

Ngọc Anh

.