(Congannghean.vn)-Tháng 7/2020, một số người dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã đứng đơn, tố cáo cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ tiếp tay, tham gia phá rừng phòng hộ. Vụ việc xảy ra tại xã Bắc Sơn, địa bàn do Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp quản lý.
Cụ thể, đơn tố cáo của các hộ dân cho biết, tại một số lô, khoảnh tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đang xảy ra tình trạng khai thác rừng phòng hộ trái quy định. Theo tố giác, thì một cán bộ thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Châu Lý đã trực tiếp đứng ra “ngã giá”, bán khoảng 10 ha keo được trồng trên đất rừng phòng hộ cho một người dân ở bản Nguộc, xã Bắc Sơn. Việc này đã vi phạm khoản 3, Điều 55, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017. “Hiện nay, trên địa bàn xã Bắc Sơn đang thiếu nước sinh hoạt, nguyên nhân là do rừng không đủ phủ xanh để giữ nước. Tuy nhiên, tại một số lô thuộc Khoảnh 7, Tiểu khu 323, xã Bắc Sơn, đang xảy ra khai thác rừng keo phòng hộ. Diện tích rừng này đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ bán cho một hộ dân là ông Vi Văn Quân trú tại bản Nguộc, xã Bắc Sơn”, đơn thư phản ánh đến Báo Công an Nghệ An cho biết.
Diện tích rừng keo phòng hộ bị chặt phá do Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp quản lý |
Liên quan đến vấn đề này, Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp cho biết, mặc dù chỉ là đơn thư nặc danh, song khi nhận được thông tin, đơn vị đã thành lập Đoàn kiểm tra làm việc, xác minh trực tiếp tại cơ sở. Kết quả xác định hiện trường khai thác thuộc Khoảnh 7, Tiểu khu 323, thuộc địa phận xã Bắc Sơn. Qua kiểm đếm, ghi nhận diện tích này thuộc diện trồng mới 5 triệu ha rừng, được triển khai theo Đề án 661/QĐ-TTg năm 2007. Số lượng cây trồng gồm 600 cây bản địa và 1.100 cây keo, được trồng theo nguồn vốn của Nhà nước từ 2007 đến nay. Vừa qua, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có mưa lớn kèm theo giông lốc khiến một số cây bị gãy đổ nên Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đã khai thác toàn bộ cây keo gãy đổ này, riêng cây bản địa vẫn giữ nguyên. Thời gian khai thác xảy ra vào đầu tháng 7/2020, hiện toàn bộ số keo đã đưa ra ngoài tiêu thụ. Việc làm trên đã vi phạm Thông tư 27/2018 của Bộ NN&PTNT về hồ sơ, thủ tục khi khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ.
Liên quan đến các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua đã xử lý kỷ luật gần 50 cán bộ. Trong đó, cán bộ cấp xã và huyện có 2 Phó Chủ tịch xã và 2 cán bộ địa chính bị kỷ luật, tại các xã Châu Nga, Châu Hội của huyện Quỳ Châu và Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; 2 Bí thư Đảng uỷ xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp. Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp nhiệm kỳ 2015 - 2020 là ông Nguyễn Tiến Cảnh cũng bị kỷ luật với hình thức cách chức các chức vụ trong Đảng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách đến hạ bậc lương cán bộ vi phạm là hạt trưởng, 1 hạt phó và 1 kiểm lâm địa bàn của Hạt kiểm lâm Tương Dương; kỷ luật về Đảng đối với hạt trưởng và 2 hạt phó Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn.
Sở NN&PTNT Nghệ An đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ của các huyện: Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật 16 cán bộ bảo vệ rừng từ hình thức khiển trách đến cảnh cáo. Mặt khác, sở này cũng tham mưu cho tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Hiếu kiểm điểm, xử lý kỷ luật 1 Giám đốc lâm trường và 6 cán bộ bảo vệ rừng tại Lâm trường Quỳ Châu. Công an tỉnh đã khởi tố 8 vụ án liên quan đến hành vi phá rừng. Riêng đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ, qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm, trong đó đáng chú ý là sai phạm trong công tác quản lý tài chính.
Điển hình, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành có 8 cán bộ, nhân viên bị khởi tố vì hành vi lập hồ sơ giả, hô biến hơn 30 lô đất rừng của Nhà nước thành của riêng để trục lợi bất chính. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An ghi nhận 4 cán bộ đã bị tòa án xét xử do chi sai 752 triệu đồng. Giai đoạn từ 2016 - 2019, Sở NN&PTNT và Sở Tài chính đã tổ chức 28 đoàn thanh tra tại 11 Ban Quản lý rừng phòng hộ, qua đó phát hiện nhiều sai phạm. Đơn cử, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã chi trả chế độ, phụ cấp cho người lao động sai đối tượng, không trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm 2016 - 2017 hơn 333 triệu đồng. Ngoài ra, tại 10 đơn vị khác cũng bị phát hiện có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế, các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng.
.