Thứ Hai, 07/09/2020, 08:43 [GMT+7]

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

(Congannghean.vn)-HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở Nghệ An đã nỗ lực chung tay đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này. Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sau 15 năm triển khai Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới đã mang lại nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là kéo giảm tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Cán bộ Công an huyện Nam Đàn tuyên truyền cho học sinh về công tác  phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội
Cán bộ Công an huyện Nam Đàn tuyên truyền cho học sinh về công tác phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội
Một trong những giải pháp tích cực, hiệu quả được các cấp, ban, ngành chú trọng thực hiện thời gian qua là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên được chú trọng đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức, bảo đảm tính thiết thực và phù hợp với từng đối tượng. Tập trung tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật, các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động của ban, ngành, đoàn thể hoặc trực tiếp qua hoạt động của lực lượng tình nguyện viên để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Giai đoạn 2015 - 2020, các cơ quan truyền thông đã phát sóng 1.025 lượt trên đài truyền hình tỉnh/huyện, đài phát thanh xã/phường/thị trấn quảng bá về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị Methadone, điều trị ARV, BHYT và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS. Thông qua hoạt động truyền thông, ước tính mỗi năm có hơn 600.000 lượt người được tiếp cận với các thông tin về phòng, chống HIV/AIDS. Qua các cuộc điều tra nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ hiểu biết của người dân về các đường lây nhiễm HIV/AIDS dần tăng lên qua các năm, từ 51% năm 2012 lên 62% năm 2016, tới năm 2020 chưa có số liệu nghiên cứu cụ thể.
 
Cũng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình hay trong phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2015, tại huyện Diễn Châu triển khai mô hình điểm về phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Qua đó, phong trào đã được mở rộng ở tất cả 21 huyện/thành phố, các cụm dân cư và hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ (CLB) cho người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người có hành vi nguy cơ cao cũng được triển khai tại những địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS như: CLB “Sông Lam xanh”, CLB “Hoa nắng” tại TP Vinh; CLB “Vì ngày mai tươi sáng” tại huyện Diễn Châu; CLB “Bạn giúp bạn” tại huyện Quỳ Châu... Đây là nơi để người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau trong cuộc sống.
Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2025 là một  trong những nhiệm vụ đặt ra trong công tác  phòng, chống HIV/AIDS (Tranh minh họa)
Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2025 là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS (Tranh minh họa)
Theo đánh giá, giai đoạn 2015 - 2020, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn có xu hướng giảm. Năm 2015, xét nghiệm phát hiện 737 người nhiễm, năm 2019 xét nghiệm phát hiện 226 người nhiễm và đến 31/5/2020 chỉ mới ghi nhận 45 người nhiễm. Đặc biệt, hiệu quả của chương trình chăm sóc điều trị đã giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống và số bệnh nhân tử vong do AIDS. Nghệ An đã kiềm chế được tỉ lệ nhiễm HIV ở mức 0,19% (mục tiêu chung của toàn quốc là dưới 0,3%). Một trong những thành công nhất của lĩnh vực điều trị đó là năm 2015, tỉnh đã triển khai thêm 13 cơ sở mới chăm sóc và điều trị HIV, đưa tổng số cơ sở chăm sóc và điều trị HIV lên 25 cơ sở và đạt 100% số huyện/thị có cơ sở điều trị. Tính đến năm 2019, 100% các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Số thẻ BHYT được mua và cấp tính trong 6 tháng đầu năm 2020 từ nguồn ngân sách địa phương là 693 thẻ. Tỉ lệ bệnh nhân HIV có thẻ BHYT đạt 96,7%. Hiện 100% huyện, thành, thị đang triển khai toàn diện dịch vụ từ dự phòng đến chăm sóc, điều trị, can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS như: Can thiệp dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị và cấp, phát thuốc Methadone, Buprenorphin.
 
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Nghệ An có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, đang diễn biến phức tạp và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa với nhiều giải pháp hiệu quả của các cấp, ban, ngành và toàn xã hội. Mục tiêu lớn nhất được đặt ra trong thời gian tới đó là cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2025; đồng thời thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đời sống xã hội. Đặc biệt, huy động tối đa mọi nguồn lực cùng sự tham gia của tập thể, mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong cuộc chiến với đại dịch nguy hiểm này.
.

Ngọc Anh

.