Vụ án bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị mẹ ruột và cha dượng "hờ" hành hạ đến mức tử vong đã gây chấn động dư luận. Cả 2 nghi phạm đều nghiện ma túy đá, dẫn tới những hành động vô nhân tính.
Cặp đôi cha dượng và mẹ đẻ thừa nhận việc đánh đập bé gái 3 tuổi |
Hai bị can bị khởi tố để điều tra hành vi “Giết người” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” gồm: Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989) và Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991), đều trú tại ngõ 46 phố Phạm Ngọc Thạch, phường Phương Liên, quận Đống Đa.
Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh khai nhận, từ đầu tháng 3/2020 cả 2 thường xuyên đánh đập, bạo hành cháu N.N.M.M (SN 2017, con riêng của Nguyễn Thị Lan Anh) không rõ lý do. Cao điểm của những hành vi mất nhân tính này bắt đầu vào sáng ngày 29/3, kéo dài cho tới ngày 30/3.
Trong đó, khoảng 8h ngày 29/3, thấy cháu M đòi ăn bánh gạo, lườm mình nên Tuấn đã đánh bé gái này rồi lấy chiếc chậu ra, bắt cháu quỳ ở đó cho tới khi "chịu xin lỗi". Tuấn yêu cầu Lan Anh ngồi trông, không cho cháu M. được ngủ hay ăn uống gì.
Tuy bé M. là con riêng của mình nhưng Lan Anh tích cực giúp sức chồng, khi thấy cháu M. ngủ gật thì đối tượng này kéo tai, bắt cháu phải dậy, thậm chí dùng kim đâm vào tay cháu...
Chiều cùng ngày, Tuấn đã 3 lần dùng tay, dùng cán chổi đánh đập cháu M., hòng bắt gái phải "xin lỗi". Do cháu M. còn nhỏ, không đáp ứng "lời xin lỗi" mà Tuấn yêu cầu nên tên này và vợ tiếp tục để cho bé gái chịu phạt, quỳ trong chậu, không được ăn uống gì và liên tiếp bị đánh.
Trong khi đó, vợ chồng Tuấn - Lan Anh thản nhiên ăn cơm với nhau, bỏ mặc cháu M. phải quỳ trong chậu.
Đến đêm ngày 29, rạng sáng 30/3, cháu M. xin được uống "sữa bà yêu" (cách cháu gọi loại sữa bà ngoại gửi để cho cháu uống) để trên nóc tủ, song Tuấn và Lan Anh không đáp ứng, mà tiếp tục đánh khiến bé gái bị lả đi, yếu và mệt. Tổng cộng, các đối tượng đã đánh cháu bé tới 7 trận trong vòng 24 tiếng.
Sau này, Tuấn thừa nhận việc cháu bé đòi uống sữa của bà ngoại khiến y nổi cáu, do đối tượng này có hiềm khích với bà ngoại của bé từ trước.
Tới sáng 30/3, Tuấn và Lan Anh phát hiện cháu M. bị mệt, nóng, nên đã đưa đi cấp cứu, song bé gái này không qua khỏi.
Sau khi triệu tập, Công an đã test nhanh, phát hiện Tuấn và Lan Anh đều dương tính với chất ma túy. Ngoài ra, khám xét nhà trọ của đôi nam nữ, công an còn tìm thấy một lượng ma túy chưa kịp sử dụng, với khối lượng đủ để khởi tố hình sự.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Dù có bất cứ lý do gì liên quan đến việc chăm sóc cháu bé hoặc do sử dụng ma túy gây ảo giác mà các đối tượng đã vô cớ sát hại cháu bé đều là hành vi mất nhân tính và không thể biện minh trước sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Theo luật sư, nếu có căn cứ xác định người mẹ và cha dượng đã có hành vi sử dụng vũ lực bạo hành cháu bé gây tử vong thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo điểm b, n, Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung cơ bản là giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.
Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt mức hình phạt cao nhất tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hệ lụy kinh hoàng từ ma túy đá
Vụ án nói trên tiếp tục cho thấy tác hại khủng khiếp mà ma túy đá mang tới, biến con người thành những kẻ hành xử vô nhân tính.
Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ hiện nay cho rằng sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp không gây nghiện, họ sử dụng để hưởng lạc, để vui vẻ và đôi khi chỉ đơn giản là thể hiện “đẳng cấp”. Nhưng, đằng sau những cuộc vui đó là những hệ luỵ kinh hoàng cho chính bản thân và những người xung quanh.
Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, ma túy tổng hợp nói chung, “ma túy đá” nói riêng có thể hủy hoại thần kinh. Độc tính của “ma túy đá” làm tổn thương đến tế bào não, làm cho người sử dụng bị rối loạn tâm thần, chủ yếu là hoang tưởng, trong đó hoang tưởng bị hại là 90%, hoang tưởng bị theo dõi là 83,3% và thường được nhận biết qua các biểu hiện như: Có những hành vi bất thường, đang rất vui vẻ chuyển ngay sang giận dữ, kích động, bạo lực mà không có lý do cụ thể.
Bị hoang tưởng như tin vào những điều không có thật; bị ảo giác: nghe hoặc nhìn thấy những điều không có thật. Vì vậy, người sử dụng có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh; dẫn đến nhiều việc làm, hành động không thể kiểm soát được như sử dụng hung khí, vũ khí… tấn công những người xung quanh, thậm chí là người thân trong gia đình.
Nguy hiểm hơn là hoang tưởng bị hại, họ luôn nghe thấy có lời xui khiến, mệnh lệnh mách bảo mình làm những việc mà họ không ý thức được như: nghĩ người thân là quái thú phải giết; có người đang theo dõi, rượt đuổi, tấn công mình nên phải chống trả lại… Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ án kinh hoàng, gây bức xúc trong dư luận, bao nhiêu người vô tội, bao cảnh người thân đã phải bỏ mạng do người bị “ngáo đá” gây ra.
Sau khi sử dụng ma túy đá, người sử dụng có thể bị trầm cảm, buồn bã, nặng hơn có thể có những hành vi tự huỷ hoại bản thân như: đốt túi nilon cho nóng chảy rồi nhỏ lên cơ thể, rạch da, chặt tay, chân của mình; phi người từ nhà cao tầng xuống đất, leo lên cột điện cao thế .… mà không ý thức được hành vi của mình. Thường nằm trong phòng không chịu giao tiếp, không muốn ăn uống, cơ thể suy yếu, tâm lý buồn chán và có ý nghĩ tự sát.
Do không nhận thức được hành động của mình nên người sử dụng “ma túy đá” thường có những hành vi như: gây gổ, bạo lực vô cớ, đối xử với cha, mẹ, vợ, con, anh, chị, em trong gia đình như đối với kẻ thù. Khi nghiện ma túy con người sẽ gặp phải những khó khăn trong công việc, tiền bạc; từ đó họ sẵn sàng vi phạm pháp luật để có tiền sử dụng ma túy như trộm cắp, cướp giật, giết người… hoặc mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy để có tiền mua ma túy sử dụng…và nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Khôi phục lại tội sử dụng trái phép chất ma túy?
Việc sử dụng ma túy đá, ma túy túy tổng hợp đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội, tuy nhiên hiện nay, những người nghiện vẫn đang được xem là những người bệnh và những người sử dụng ma túy chỉ bị phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là những vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc quản lý những người nghiện, gây nguy hiểm cho xã hội.
Bộ luật Hình sự năm 1999 có tội danh về sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 199, tuy nhiên, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009, Quốc hội bỏ tội danh này ra khỏi Bộ luật Hình sự.
Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo tổng kết, đánh giá tác động của việc bỏ điều luật về tội sử dụng trái phép chất ma túy đến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay. Trên cơ sở tổng kết sẽ báo cáo, đề xuất các nội dung liên quan đến việc có khôi phục lại điều luật về tội sử dụng trái phép chất ma túy hay không. Đồng thời, tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và đang xây dựng, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay, trong đó bổ sung nội dung quản lý người nghiện ma túy để tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác này; đánh giá kỹ tác động của việc xác định người nghiệm ma túy là “người bệnh” để tham mưu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
.