Thứ Hai, 06/04/2020, 11:05 [GMT+7]

Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng xăng dầu để trục lợi

(Congannghean.vn)-Không chỉ các mặt hàng thuốc, khẩu trang, vật tư y tế, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều cá nhân đã đầu cơ, găm hàng xăng dầu với mục đích trục lợi cá nhân. Tình trạng này không những làm ảnh hưởng đến tình hình sinh hoạt chung, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao mà còn khiến dịch bệnh có thể phát tán, lây lan rộng trong cộng đồng. Theo các cơ quan chức năng, với mức độ vi phạm nghiêm trọng, hành vi này có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Người dân đổ xô đi mua xăng dầu tích trữ ngay sau khi giá xăng dầu “hạ nhiệt”
Người dân đổ xô đi mua xăng dầu tích trữ ngay sau khi giá xăng dầu “hạ nhiệt”
Mới đây, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giảm 4.100 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 4.252 đồng/lít với xăng RON 95. Cụ thể, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và xăng RON 95 là 12.560 đồng/lít. Đây được xem là mức giá thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Cũng vì lý do này, tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân đã có ý định mua tích trữ xăng, dầu số lượng lớn phòng khi giá mặt hàng này lại tăng cao trở lại. 
 
Riêng tại Nghệ An, theo phản ánh của người dân xã Đức Thành, huyện Yên Thành, giá xăng, dầu giảm từ 15 giờ ngày 29/3, tuy nhiên đến 22 giờ cùng ngày, cây xăng dầu Thương Hà trên địa bàn xã vẫn không hạ hạ giá xăng, dầu theo quy định. Đặc biệt, ngày 30/3, cây xăng này treo biển “tạm nghỉ một thời gian vì dịch COVID-19” khiến người dân hết sức bức xúc. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Toan, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 khu vực huyện Diễn Châu, Yên Thành cho biết, đến 22 giờ ngày 29/3, cây xăng dầu Thương Hà chưa hạ giá bán theo giá của Chính phủ thì sai phạm đã rõ. Mức xử phạt hành vi này là từ 40 - 60 triệu đồng, đồng thời truy thu số lượng xăng dầu bán cao hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân nên việc đóng cửa là không được phép. Hiện, Đội đang hoàn thiện hồ sơ và sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật đối với những lỗi vi phạm nói trên.
 
Cũng liên quan đến việc liên Bộ Công Thương - Tài chính hạ giá xăng dầu từ thời điểm 15 giờ ngày 29/3, nhiều người dân đã đổ xô đi mua xăng dầu với ý định tích trữ để dùng dần. Đặc biệt, tại một số huyện miền núi như Quế Phong, Kỳ Sơn, không chỉ đổ xăng đầy bình xe máy, nhiều người còn sử dụng các loại chai lọ, can nhựa để mua mang về nhà, gây ra tình trạng chen lấn và một số cây xăng tại các cửa hàng hết xăng do sức mua tăng đột biến trong những ngày vừa qua. Việc đổ xô đi mua xăng, dầu để tích trữ, lợi ích thì chưa thấy đâu nhưng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy rất cao, nhất là đang bước vào giai đoạn mùa khô nắng nóng như hiện nay. Đặc biệt, trong thời điểm Chính phủ đang kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài thì tình trạng người dân tụ tập cũng là nguyên nhân dễ lây lan, phát tán dịch bệnh trong cộng đồng.
 
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tích trữ xăng, dầu là hành vi bị cấm và hết sức nguy hiểm khi cất giữ nhiên liệu dễ cháy, nổ gây mất an toàn cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc cá nhân tích trữ xăng, dầu rất dễ bị coi là hành vi đầu cơ trục lợi nên có thể vi phạm pháp luật. Đặc biệt, xăng, dầu là mặt hàng không an toàn nếu không có hệ thống lưu cất quy chuẩn và đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ. Vì thế, người dân không nên mua xăng, dầu tích trữ để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
 
Điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, đối với hành vi găm xăng, dầu sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, hành vi tích trữ số lượng xăng, dầu lớn nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ. Còn theo quy định tại Điều 196, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỉ đồng, nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đối với hàng hóa trị giá từ 1,5 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng; gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, an toàn xã hội…
 
Rõ ràng, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đầu cơ, găm hàng để trục lợi cá nhân không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và là nguyên nhân khiến dịch bệnh có thể lây lan, phát tán mạnh ra cộng đồng. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân. Và, điều quan trọng nhất đó là mỗi người dân hãy có sự nhận thức đúng đắn và nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh hiện nay.
.

Ngọc Anh

.