Pháp luật
Thu 50% tiền đền bù trồng rừng của người dân có trái với quy định?
(Congannghean.vn)-Quá trình thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ trên địa bàn, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế 2 (Tổng đội TNXP 2) đã tự thảo hợp đồng kinh tế và ký kết với người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương về việc giao khoán trồng rừng cho người dân theo tỉ lệ ăn chia 50/50 đến kỳ thu hoạch. Điều đáng nói, từ năm 2007, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ này đã được chuyển sang rừng sản xuất nhưng Tổng đội TNXP 2 vẫn không thông báo cho bà con nhân dân biết.
Trụ sở Tổng đội TNXP 2 xây dựng kinh tế Nghệ An |
Công ty Cao su Nghệ An chi trả đền bù, Tổng đội TNXP 2 thu 50%
Chị Trần Thị Hiền (SN 1973), đại diện cho 17 hộ dân xóm 19/5 xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương phản ánh: Ngày 15/5/2000, gia đình chị nhận khoán theo chương trình trồng rừng theo Dự án 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng) của Tổng đội TNXP 2 bằng hợp đồng kinh tế số 32. Theo đó, gia đình chị nhận khoán 12 ha rừng thuộc Tiểu khu 975, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, có hiệu lực trong thời gian 20 năm. Những phần việc mà chị Hiền phải thực hiện là xử lý thực bì, đào hố, trồng cây (mét) và chăm sóc.
Quyền lợi mà chị này được hưởng là phía Tổng đội TNXP 2 chi trả tiền nhân công 746.800 đồng/ha, bù thêm chi phí rào chắn 600 đồng/m và phí vận chuyển vật liệu 20.000 đồng/ha.
Đặc biệt, tại điều 7 của hợp đồng ghi rõ: “Đơn vị và hộ nhận khoán tổ chức đánh giá giá trị lâm sản theo quy định để phân bổ theo tỉ lệ: Hộ nhận khoán hưởng 50% giá trị lâm sản và Tổng đội TNXP 2 hưởng 50% giá trị còn lại”.
Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 2953, chuyển giao đất rừng thuộc Dự án 661 vào Công ty CP Cao su Nghệ An. Ngày 11/4/2013, Công ty CP Cao su Nghệ An tiến hành chi trả tiền bồi thường, Tổng đội TNXP 2 đã tiến hành thu 50% trên tổng số tiền mà người dân được đền bù. Khi người dân thắc mắc thì được giải thích là thực hiện theo hợp đồng kinh tế đã được ký kết trước đó. Tổng số tiền mà gia đình chị Hiền bị “ăn chặn” ngay tại ngày chi trả đền bù của Công ty Cao su Nghệ An là hơn 211,3 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Viết Hồng (SN 1957) trú tại xóm 19/5, xã Thanh Đức cho biết: Thực hiện hợp đồng với Tổng đội TNXP 2, gia đình ông nhận thầu khoán 7,5 ha, quá trình trồng cũng như chăm sóc, gia đình đã thực hiện đầy đủ các quy trình. Trong 2 năm đầu, ông Hồng được Tổng đội TNXP 2 hỗ trợ 50.000 đồng/ha tiền bảo vệ rừng, từ đó đến khi thu hoạch không có thêm bất cứ chính sách nào. Đến năm 2013, khi rừng mét chưa được thu hoạch lần nào, song khi Công ty Cao su Nghệ An đền bù số tiền 91 triệu đồng, gia đình ông Hồng đã bị Tổng đội TNXP 2 thu 45 triệu đồng, gọi là thực hiện theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương bức xúc về việc thu tiền của Tổng đội TNXP 2 |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có tất cả 37 hộ dân thực hiện ký kết hợp đồng giao khoán trồng rừng theo Dự án 661 với Tổng đội TNXP 2, với tổng số 275 ha rừng được trồng mới. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2013, khi bàn giao về cho Công ty Cao su, chỉ còn 17 hộ dân với 70 ha là vẫn giữ nguyên rừng mét, số còn lại đã được người dân chuyển đổi thành đất trồng chè, trồng keo… và tất cả các hộ dân đã thực hiện chuyển đổi này. Quá trình nhận tiền đền bù từ Công ty Cao su Nghệ An họ đã được hưởng 100% tổng số tiền đền bù.
Riêng 17 hộ dân xóm 19/5, xã Thanh Đức, do không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng nên đã bị thu 50% tiền đền bù, tương đương với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Tất cả các khoản tiền thu của các hộ dân này đều không có hóa đơn, chứng từ, không lập phiếu thu mà chỉ thể hiện bằng bản tổng hợp danh sách có đóng dấu treo của Tổng đội TNXP 2. Điều này, theo phản ánh của người dân là “bất thường” bởi trước đó, khi thu của các hộ dân bất cứ khoản thu nào, dù lớn hay nhỏ, đơn vị đều cấp phiếu thu.
Hợp đồng kinh tế mà Tổng đội TNXP 2 dựa vào để thu 50% tiền đền bù của người dân |
Thu tiền dựa vào hợp đồng kinh tế đã ký kết?
Điều khiến người dân thắc mắc là từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 147 ban hành một số chính sách phát triển rừng giai đoạn 2007 - 2015. Trong đó nêu rõ: “Đối với diện tích rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được trồng bằng nguồn vốn của Chương trình 327 trước đây và nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nay quy hoạch là rừng sản xuất thì chủ rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng, khi khai thác sản phẩm được tự do lưu thông và được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã tìm đến Tổng đội TNXP 2 tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương nhưng chỉ có một người tự xưng là kế toán trực đơn vị. Liên hệ với ông Nguyễn Anh Định, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 2 thì được ông này cho biết, sự việc đúng sai đã có kết luận của Thanh tra, hiện nay, các hộ dân đang kiện Tổng đội TNXP 2 ra TAND huyện Thanh Chương nên “sẽ giải thích sau”.
Trong khi đó, sau khi có phản ánh của nhân dân, ngày 4/12/2015, Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xem xét nội dung phản ánh của công dân.
Diện tích rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng nhận khoán của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hoặc doanh nghiệp quốc doanh (gọi tắt là bên giao khoán) thì chủ rừng chỉ phải nộp ngân sách số tiền tương đương với 80 kg thóc/ha/chu kỳ rừng trồng, để xây dựng Quỹ phát triển rừng của xã và Quỹ phát triển rừng thôn, bản trên cho bên giao khoán. Ngoài ra, chủ rừng không phải nộp thêm bất cứ khoản gì cho bên giao khoán. (Theo Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ. |
Theo kết luận thanh tra, sự việc bắt đầu từ năm 2014 khi thực hiện quyết định chuyển giao của UBND tỉnh, Công ty CP Cao su Nghệ An đã tiến hành chi trả bồi thường hỗ trợ về cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất nhận khoán (khi chưa có phương án được UBND huyện Thanh Chương phê duyệt). Tổng đội TNXP 2 có thu 50% tiền đền bù, GPMB rừng mét (trồng theo Dự án 661) của 17 hộ dân là có thật và hiện số tiền này đang để tại quỹ của Tổng đội TNXP 2, chưa sử dụng.
Về số tiền này, theo lý giải của Tỉnh đoàn Nghệ An, việc thu 50% tiền đền bù rừng mét của các hộ dân là không sai, vì đây là rừng phòng hộ, do Nhà nước hỗ trợ kinh phí, Tổng đội TNXP 2 là chủ rừng. Căn cứ hợp đồng kinh tế đã ký kết với các hộ dân là khi được phép khai thác, thanh lý thì các hộ dân phải nộp 50% giá trị.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm là giá trị pháp lý của bản hợp đồng kinh tế này đến đâu thì chưa được các cơ quan chức năng đề cập đến. Đây là hợp đồng phát sinh, do Tổng đội TNXP 2 tự soạn thảo và ký kết với các hộ dân, hoàn toàn không nằm trong hồ sơ thiết kế dự toán chương trình 5 triệu ha rừng mà Sở NN&PTNT Nghệ An đã phê duyệt cho dự án của Tổng đội TNXP 2.
Ngoài ra, Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An cũng khẳng định, rừng mét trồng theo Dự án 661 của Chính phủ có nguồn gốc là rừng phòng hộ, đã được chuyển đổi sang rừng sản xuất theo Quyết định 482 ngày 2/2/2007 của UBND tỉnh Nghệ An. Đó là chưa đề cập đến việc, hợp đồng này đang đi ngược lại với các điều khoản mà Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Như vậy, từ năm 2007 đã có các văn bản pháp lý của Nhà nước về chuyển đổi mục đích sử dụng của rừng đã giao khoán cho các hộ dân nhưng Tổng đội TNXP 2 đã không phổ biến đến tận người dân, bởi nếu theo Quyết định 147 thì hộ cá nhân, gia đình tham gia trồng rừng chỉ phải nộp 80 kg thóc/ha/chu kỳ.
Thiện Thành - Phan Phượng