Pháp luật

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường

09:38, 01/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối lo chung và là thách thức lớn của nhân loại hiện nay. Thời gian qua, các cấp, ngành đã nỗ lực phối hợp, chung tay giải quyết vấn nạn này; trong đó, các tổ chức tôn giáo đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đang chịu tác động nặng nề của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lũ, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển KT-XH cũng như cuộc sống của nhân dân. Trung bình mỗi năm, nước ta có 457 người bị thương vong do tác động của BĐKH, thiệt hại 1,9 tỉ USD, tương đương 1,3% GDP.

Việc huy động sức mạnh của các tôn giáo sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Giáo dân giáo xứ Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)
Việc huy động sức mạnh của các tôn giáo sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Giáo dân giáo xứ Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)

Trước thực trạng trên, cùng với các cấp, ngành, vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trong công tác này có ý nghĩa rất quan trọng. Trên cơ sở giáo lý của mình, với truyền thống sống “tốt đời đẹp đạo”, trong những năm qua, 14 tôn giáo với hơn 22 triệu chức sắc, nhà tu hành, tín đồ đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội và có nhiều đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường.

Tháng 12/2015, Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH” thu hút sự tham gia của 40 tổ chức tôn giáo trong cả nước đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên, một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo đã bàn bạc, đi đến thống nhất hành động bằng Tuyên bố cam kết chung của các tôn giáo và Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH được ký kết.

Trong tháng 7 này, sẽ khảo sát mô hình điểm tại TP Hồ Chí Minh và khảo sát, đánh giá nhu cầu để xây dựng mô hình điểm trong đồng bào Phật giáo, Hồi giáo, Bà-la-môn, tập huấn cho các chức sắc, nhà tu hành của một số tôn giáo về ứng phó với BĐKH, giảm rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường.

Tỉnh Nghệ An có trên 45.000 hộ đồng bào Công giáo, với trên 27 vạn giáo dân, gồm 9 giáo hạt, 82 giáo xứ, 329 giáo họ sinh sống ở cả 3 vùng đồng bằng, miền núi, trung du thuộc 14/20 huyện, thành, thị.

Từ thành công của Hội nghị trên, trên cơ sở nghiên cứu đặc thù hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh, sáng 7/7/2016, tại TP Vinh diễn ra Hội nghị ký kết Kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, giai đoạn 2016 - 2020.

Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động tối đa sức mạnh, vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường. Ni sư Thích nữ Diệu Nhẫn, Phó Chủ tịch Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Theo kế hoạch tại Hội nghị, các bên sẽ phối hợp biên soạn, cung cấp cho cộng đồng tôn giáo các kiến thức liên quan về thực trạng ô nhiễm môi trường, BĐKH; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chương trình hành động của MTTQ và các tổ chức tôn giáo về nội dung trên.

Song song với đó, việc phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và người dân kỹ năng tự ứng cứu và giúp đỡ nhau xử lý tại chỗ những rủi ro bất thường do bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, sóng thần, nước biển dâng cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Căn cứ vào đặc thù, điều kiện sinh hoạt, tập quán của từng tôn giáo, từng địa phương, mỗi tôn giáo cần xây dựng và nhân rộng các mô hình nhân dân tự quản bảo vệ môi trường, các mô hình điểm bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở các địa bàn dân cư để cả người theo đạo lẫn không theo đạo có thể tham gia.

Đơn cử như hoạt động phát huy hiệu quả thiết thực của một số nữ tu, tăng ni, học sinh, sinh viên tỉnh Thừa Thiên - Huế với chủ đề "Làng cộng đồng học tập và chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH”, tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường…Theo Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cần xây dựng những mô hình riêng cho đô thị và nông thôn. Như vậy, nếu triển khai trên địa bàn tỉnh, ở vùng đô thị như TP Vinh, cần tuyên truyền người dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, không đốt vàng mã… để góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ở các địa phương ven biển như các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX Cửa Lò…, sẽ xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với hạn hán và tình trạng nhiễm mặn.

Trên thực tế, một trong những giải pháp thiết thực, có thể áp dụng rộng rãi ở các vùng, miền, theo Linh mục Nguyễn Đăng Điền, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh là “cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc trồng cây xanh” và  "dừng ngay việc chặt, phá rừng bừa bãi, thay đổi cách sống, từ việc ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt gia đình và nhiều thứ khác có ảnh hưởng đến việc hủy hoại môi trường” - thông điệp của Cộng đồng Tin lành Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, trong đó có một bộ phận nằm trong khu dân cư; cộng với những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Để giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, trong thời gian tới, rất cần sự chung tay sát cánh của các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là việc phối hợp có hiệu quả với các ủy ban phòng, chống lụt bão trên địa bàn cấp tỉnh, huyện và xã, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan, ban, ngành khác.

Hồng Hạnh

Các tin khác