(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được chú trọng thực hiện. Điều này đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý VPHC tại một số cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế; trong đó nhiều chế tài vẫn chưa đủ mạnh.
Thời gian qua, việc thực thi Luật Xử lý VPHC được lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Cùng với đó, ý thức, tinh thần trách nhiệm của CBCS trong thực hiện các quy trình, trình tự, thủ tục trong công tác xử lý VPHC ngày càng được nâng cao.
Đoàn liên ngành kiểm tra việc đảm bảo ATVSTP tại một cơ sở kinh doanh - Ảnh: Cao Loan |
Ngoài ra, sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm; từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, giữ vững ANTT, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 119.798 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước 74.807.466.000 đồng.
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, số vụ việc vi phạm trật tự ATGT được phát hiện, xử lý trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, công tác xử lý VPHC trên lĩnh vực trật tự ATGT còn gặp nhiều khó khăn.
Việc xử lý, cưỡng chế hành chính chưa thực sự triệt để, còn bỏ sót vi phạm, áp dụng không đúng quy định của pháp luật như hành vi vi phạm đủ yếu tố xử lý VPHC nhưng cơ quan xử lý chỉ nhắc nhở, áp dụng không đúng khung phạt, quyết định cưỡng chế không nghiêm.
Trong khi đó, việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC của người vi phạm chưa nghiêm, còn số lượng lớn quyết định chưa được chấp hành (trong năm 2015 đã thi hành 119.798 quyết định và có 7.855 quyết định chưa thi hành).
Theo ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp, việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như kinh phí và các biện pháp đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC còn hạn chế; bộ máy tổ chức, đội ngũ công chức làm công tác quản lý, thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn còn mỏng; công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong xử lý VPHC còn một số vướng mắc, bất cập.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được quy chế phối hợp; công tác thanh tra, kiểm tra trong thực hiện Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được thực hiện một cách thường xuyên, kịp thời…Khó khăn nhất trong thực hiện Luật Xử lý VPHC là công tác xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Hoàng Quốc Hào cho biết thêm: Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có sự đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả và phong phú về chủng loại. Việc quản lý, kiểm tra, xử phạt ở lĩnh vực này thuộc về 5 - 6 cơ quan chức năng. Tuy nhiên, lực lượng này dù đông nhưng lại không mạnh do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ, lại chồng chéo nhau.
Bên cạnh đó, do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe nên nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẵn sàng vi phạm để thu về lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, việc xử lý VPHC ở các ngành liên quan đến ATVSTP, môi trường, kinh tế còn nhiều bất cập… Do đó, để công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đạt hiệu quả, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện thể chế về xử lý VPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai thi hành Luật để công tác xử lý VPHC đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT.