Bài 1: Khi hộ nghèo “chín ép”
(Congannghean.vn)-Yên Khê là xã đầu tiên của huyện Con Cuông, cũng là một trong số ít xã miền núi thuộc khu vực miền Tây của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với cách làm thiếu dân chủ và minh bạch, thành tích mà hiếm địa phương nào có được ít nhiều bị “méo mó” khi liên tiếp có thông tin phản ánh về việc, để đảm bảo các tiêu chí liên quan đến thu nhập của người dân và tỉ lệ hộ nghèo, cán bộ chuyên môn cũng như cán bộ thôn bản đã buộc nhiều hộ dân “cam kết” thoát nghèo trong khi đời sống thực tế còn rất nhiều khó khăn.
Gia đình anh Vi Văn Mạnh còn khó khăn nhưng bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo |
Xã Yên Khê có gần 5.650 nhân khẩu phân bố ở 9 xóm, bản với nhiều dân tộc sinh sống. Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của người dân, xã Yên Khê đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Trong lộ trình xây dựng NTM của huyện Con Cuông, Yên Khê không được chọn làm xã điểm để phấn đấu thực hiện mà chỉ có 2 xã Lục Dạ và Chi Khê. Tuy nhiên, đến năm 2012, trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tế triển khai chương trình, cũng như sự vào cuộc của 2 xã trên thì Yên Khê có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên huyện đã bổ sung xã vào đơn vị điểm, phấn đấu đến hết năm 2015 được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Ngay sau khi có nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông và sự chỉ đạo, tham mưu, phối hợp của Văn phòng điều phối NTM huyện, cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Yên Khê đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí NTM.
Qua đánh giá, cuối năm 2011, xã đạt 5/19 tiêu chí, năm 2012 đạt 8 tiêu chí và đến năm 2014 đạt 15/19 tiêu chí, còn lại 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Hộ nghèo, thu nhập bình quân, y tế và vệ sinh môi trường.
Sau khi nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, huyện Con Cuông đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để xã hoàn thiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường và y tế, còn lại 2 tiêu chí khó đạt là hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người. Vấn đề phát sinh từ sau khi Văn phòng điều phối NTM tỉnh phối hợp với huyện Con Cuông tổ chức thẩm định các tiêu chí (tháng 10/2015). Đây cũng chính là thời điểm bình xét hộ nghèo năm 2016.
Theo báo cáo công tác giảm nghèo xã Yên Khê, đến hết năm 2014, toàn xã có 26,03% hộ nghèo. Trong khi đó, đối với các xã nằm trong khu vực miền núi, tiêu chí hộ nghèo tối thiểu phải đạt để được công nhận là dưới 10%. Qua khảo sát thực tế, chấm điểm để xác định hộ nghèo để đề nghị hoàn thành tiêu chí NTM, cũng là cơ sở đánh giá hộ nghèo qua hàng năm (theo tiêu chí cũ đơn chiều).
Một hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng vẫn “thoát nghèo” |
Thời điểm này, ở huyện Con Cuông, với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo chung là mỗi cán bộ, đảng viên phải cố gắng vươn lên, tiên phong đi đầu, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, nhất là xóa đói giảm nghèo nên tại các địa phương như Môn Sơn, Thạch Ngàn đã “rộ” lên phong trào người dân tự nguyện viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Từ những hộ gia đình được minh chứng cụ thể và quan điểm, ý thức vươn lên thoát nghèo của các đảng viên, quần chúng nhân dân đã trở thành những “tấm gương” thúc đẩy mục tiêu thoát nghèo của các xã và cả huyện.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê, người được giao phụ trách lĩnh vực này cho biết: Nếu tính từ sau đợt bình xét hộ nghèo (tiêu chí cũ) và sau lần thẩm định tiêu chí NTM (tháng 10/2015), toàn xã có 217/1.371 hộ viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, còn nếu theo tiêu chí mới đa chiều thì có 133 hộ thoát nghèo. Sự việc sẽ không có gì bất ngờ nếu đó là kết quả từ sự nỗ lực của các gia đình và ý thức chính đáng muốn thoát khỏi hộ nghèo.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian có mặt tại vùng quê nghèo này để khảo sát, điều tra thì những gì chúng tôi ghi nhận được lại hoàn toàn trái ngược với thực tế trên.
Theo đó, hệ lụy trực tiếp liên quan đến quyền lợi của chính những hộ dân có đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo là phải đối diện với cảnh nghèo đói khi các điều kiện tối thiểu như nhà cửa, phương tiện sinh hoạt, công cụ lao động chưa được đảm bảo; đó là chưa nói đến “động cơ, mục đích” sau những lá đơn mà chính họ hay do một tác động nào buộc họ phải ký vào.
Sau nhiều lần hỏi đường, chúng tôi cũng tìm được nhà anh Vi Văn Mạnh - chị Vi Thị Nhỏ ở bản Trung Hương, xã Yên Khê. Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, không có vật dụng gì đáng giá. Vợ chồng anh Mạnh - chị Nhỏ có 2 đứa con.
Do không có đất sản xuất, anh Mạnh phải đi làm thuê nhưng trong đợt bình xét hộ nghèo, gia đình anh chị lại được Ban cán sự bản và xã “cho ra khỏi hộ nghèo” cùng một giấy khen của đại diện chính quyền “vì thành tích vươn lên xóa đói giảm nghèo năm 2015”.
Cách nhà anh Mạnh không xa là nhà anh Lô Văn Dần - chị Lương Thị Lịch. Tài sản đáng giá nhất trong ngôi nhà của anh Dần - chị Lịch là chiếc tivi đã cũ. Anh Dần cho biết, vợ chồng anh không có công ăn việc làm nhưng phải nuôi 8 miệng ăn và con cái đều đang tuổi học hành.
Trong đợt bình xét cuối năm 2015, gia đình anh Dần cũng được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo cùng với giấy khen và phần thưởng là 1 triệu đồng tiền mặt. Qua trao đổi với các hộ dân, họ cho biết, bản thân không muốn ra khỏi hộ nghèo nhưng cán bộ cấp trên và thôn bản “đồng ý” cho thoát nghèo.
Không chỉ tồn tại thực tế việc bình xét hộ nghèo chưa khách quan, tại địa phương này còn để xảy ra tình trạng cán bộ xã, thôn, bản “ép” các hộ dân thoát nghèo bằng việc thông qua “đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo”.
Vượt qua con đường quanh co, chúng tôi đến nhà anh Vi Văn Sáng - chị Lê Thị Thủy ở bản Trung Chính. Vợ chồng anh Sáng - chị Thủy có 3 người con đang tuổi ăn học. Trong căn nhà chỗ kín, chỗ hở được dựng trên sườn đồi không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tivi đã cũ và chiếc xe máy bị hư hỏng. Hoàn cảnh là thế nhưng trong năm 2015, gia đình anh Sáng cũng bị đưa vào danh sách hộ thoát nghèo.
Anh Sáng cho biết, cán bộ không trực tiếp đến nhà mà chỉ đứng dưới đường quan sát rồi gọi chủ nhà xuống ký đơn. Mẫu giấy được viết sẵn, cán bộ chỉ yêu cầu chủ hộ ký vào mặc cho chị Thủy không biết đọc, biết viết. Sau đó, họ lại đi đến các hộ gia đình khác.
Những hộ dân mà chúng tôi tìm đến để “mục sở thị” đều có chung phản ánh. Rõ ràng, những bức xúc của họ về việc bình xét hộ nghèo trên địa bàn xã Yên Khê là có cơ sở. Việc làm này gây ảnh hưởng đến chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và quan trọng hơn là mục tiêu thoát nghèo thiếu khách quan đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
(Còn nữa)
Bài 2: “Thoát nghèo bằng mọi giá để đạt nông thôn mới”