Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201508/tang-cuong-kiem-tra-cac-co-so-hanh-nghe-dong-y-633026/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201508/tang-cuong-kiem-tra-cac-co-so-hanh-nghe-dong-y-633026/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề Đông y - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 28/08/2015, 07:55 [GMT+7]

Tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề Đông y

(Congannghean.vn)-Bên cạnh Tây y, Đông y Việt Nam với lịch sử phát triển hàng nghìn năm vẫn giữ vai trò nhất định trong điều trị bệnh, góp phần hỗ trợ, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý cũng như việc cấp giấy phép hành nghề đối với lương y, các cơ sở đông y vẫn còn bất cập, đặt ra nhiều thách thức đối với các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.

Vừa qua, thông qua công tác kiểm tra, phối hợp với các lực lượng chức năng, Phòng Y tế huyện Nam Đàn đã phát hiện phòng khám Đông y của bà Đỗ Thị Bích Hằng có địa chỉ tại xóm 4, xã Nam Tân, huyện Nam Đàn không có giấy phép hành nghề. Điều đáng nói, cách đây 2 năm, cơ sở này đã bị các đoàn liên ngành của huyện và tỉnh kiểm tra, yêu cầu đình chỉ hoạt động nhưng sau đó, phòng khám vẫn tiếp tục duy trì.

Một số cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền đã khẳng định uy tín         nhờ việc chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật
Một số cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền đã khẳng định uy tín nhờ việc chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật

Để phục vụ việc chữa trị cho bệnh nhân, bà Hằng còn mở rộng, xây dựng hệ thống phòng trọ khép kín. Tại lần kiểm tra này, đoàn liên ngành đã yêu cầu bà Hằng phải nộp phạt 40 triệu đồng và chấm dứt các hoạt động khám chữa bệnh, không được hành nghề khám chữa bệnh đến khi đáp ứng đủ các điều kiện hành nghề theo quy định... Sự việc trên chỉ là một trong nhiều vấn đề mà các đoàn liên ngành đã phát hiện qua quá trình kiểm tra các cơ sở hành nghề y học cổ truyền tại nhiều địa phương.

Theo số liệu của Sở Y tế Nghệ An, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 14 phòng khám chẩn trị Đông y cấp theo Luật Khám chữa bệnh và 68 phòng khám chẩn trị y học cổ truyền cấp theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại các cơ sở hành nghề không phép ở một số địa phương. Hàng năm, lãnh đạo Sở Y tế đã giao trách nhiệm cho thanh tra ngành kiểm tra, thanh tra 1 lần/năm và chỉ đạo phòng y tế các huyện tổ chức kiểm tra trên địa bàn quản lý 2 lần/năm.

Qua công tác kiểm tra, trong 68 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền tư nhân thì có tới 21 cơ sở vi phạm. Lực lượng chức năng đã tiến hành phạt hành chính 3 cơ sở và đình chỉ 18 cơ sở không có giấy phép hoạt động. Ngoài vi phạm thông thường về không có giấy phép hoạt động, tại các cơ sở này còn xảy ra tình trạng: Không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, kê đơn thuốc ghi chưa đầy đủ các thông tin đúng theo quy định, vệ sinh cơ sở chưa gọn gàng, sạch sẽ...

Có thể thấy, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, việc quản lý các cơ sở hành nghề y học cổ truyền nhỏ lẻ là thách thức lớn đối với ngành y tế. Bởi trên thực tế, việc quản lý ngành Đông y khó hơn Tây y, vì Tây y quy định mọi thứ đều rõ ràng từ bằng cấp đến điều kiện, cơ sở vật chất… Theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 4/11/2011 của Bộ Y tế, đối với người khám chữa bệnh phải có bằng cấp về chuyên môn, có cơ sở vật chất và trang thiết bị, có đất xây dựng địa điểm riêng, cố định và tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình... Thực hiện đúng theo những điều kiện này, thì rất ít lương y có đủ điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề.

Vì trên thực tế, các bài thuốc đều của những người trong gia đình từ đời trước truyền lại và các lương y đều đã lớn tuổi, không thể theo học để có các bằng cấp về chuyên môn Đông y. Mặt khác, Thông tư này mới chỉ quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề Đông y cho các đối tượng là bác sĩ của các trường y học cổ truyền, còn riêng lương y thì chưa có. Thủ tục đăng ký hành chính còn rườm rà cũng là lý do khiến nhiều lương y chấp nhận “hoạt động chui” hơn là “danh chính ngôn thuận”.

Kế thừa và phát huy những bài thuốc quý trong dân gian là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều này đòi hỏi các cấp quản lý, ngành y tế cần có biện pháp chủ động trong việc kiểm tra, sàng lọc đối với các cơ sở hành nghề y học cổ truyền. Đối với những lương y, phòng khám có hiệu quả với những bài thuốc gia truyền, lâu đời, cần hướng dẫn cụ thể trong việc bào chế đảm bảo vệ sinh, sử dụng đúng danh mục thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Song song với công tác khắc phục tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, để các lương y vừa nỗ lực đóng góp cho y học, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế.

.

Hà Nhi

.