(Congannghean.vn)-Sau khi thanh tra và kết luận nhiều sai phạm trong công tác quản lý, điều hành và thu chi tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An, Sở Tài chính vừa có công văn kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thu hồi số tiền hàng chục tỉ đồng mà Trung tâm này đã thu lợi trái quy định trong việc cho thuê các phòng học, ki-ốt trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2013 khi chưa được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền.
Kiến nghị thu hồi hàng chục tỉ đồng từ tiền cho thuê mặt bằng
Năm 2014, sau khi có đơn thư tố cáo của giáo viên trong đơn vị về những sai trái, bất minh trong quá trình hoạt động, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã thành lập đoàn thanh tra, tổ chức thanh tra toàn diện các nội dung liên quan đối với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An (địa chỉ tại 247 đường Lê Duẩn, TP Vinh). Kết quả, trong 6 nội dung tố cáo, có 2 nội dung đúng và 2 nội dung có đúng có sai. Cụ thể, các nội dung liên quan bao gồm: Phân công lao động không đồng đều, chưa hợp lý, chuyển các tiết thừa của năm trước sang năm sau; cho thuê cơ sở vật chất để tăng nguồn thu cho đơn vị; thanh toán tiền dạy thêm theo thông tư đã hết hiệu lực.
Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An |
Trong đó, đáng chú ý là từ tháng 4/2012, Trung tâm đã ký hợp đồng cho Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Aptech thuê 6 phòng học thuộc dãy nhà 3 tầng với giá 70 triệu đồng/năm, các năm tiếp theo điều chỉnh theo giá thị trường, thu về hàng tỉ đồng chi tiêu nội bộ là những việc làm sai nguyên tắc và vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Ngay sau khi có kết luận chỉ rõ sai phạm và quy trách nhiệm cho Giám đốc là bà Lê Thị Kim Chung, bà này đã viết bản kiểm điểm thừa nhận đó là những sai sót chứ không phải sai phạm. Do xử lý không mạnh tay nên trong thời gian từ tháng 8/2014 đến nay, tại Trung tâm này lại tiếp diễn đơn thư tố cáo khiến nội bộ bất đồng.
Một trong những nội dung mà thầy Phan Đức Trọng, giáo viên tại Trung tâm tố cáo là “Vi phạm chế độ tài chính Nhà nước, thu tiền từ các ki-ốt cho thuê kinh doanh lập “quỹ đen” hàng tỉ đồng không nộp vào ngân sách Nhà nước, sau đó lấy khoản thu này để xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất trong Trung tâm. Trong xây dựng có dấu hiệu sai phạm về hồ sơ đấu thầu”. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Lê Thị Kim Chung cho biết, đơn vị có cho thuê ki-ốt để lấy tiền phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất cho đơn vị và có sự công khai minh bạch, nộp vào ngân sách cơ quan chứ không hề có chuyện lập “quỹ đen” như phản ánh.
Cụ thể, mỗi năm, các ki-ốt cho thuê với số tiền thu được khoảng trên 200 triệu đồng, Trung tâm trích ra 50% số tiền thu được để đầu tư xây dựng, số còn lại dùng để xây dựng các quỹ đời sống đơn vị. Hợp đồng cho thuê này được thực hiện từ năm 2007 đến cuối năm 2013, sau khi UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt việc cho thuê, Trung tâm đã chấm dứt hợp đồng với các đơn vị. Cũng liên quan đến số tiền hàng chục tỉ đồng đã thu về và chi tiêu sai nguyên tắc này của Trung tâm từ việc cho thuê ki-ốt, ngày 13/4/2015, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có Công văn số 504/SGD&ĐT-TTr gửi Sở Tài chính Nghệ An, về việc xin ý kiến xử lý số tiền mà Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An đã thu được từ việc cho thuê ki-ốt và phòng học trong thời gian 7 năm.
Ngày 17/4/2015, Sở Tài chính đã phúc đáp bằng Công văn số 821, cho rằng: Tại Điểm b, Khoản 4, Điều 12 Nghị định 192/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc Nhà nước đã quy định: “Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa có quyết định của các cấp có thẩm quyền”. Về hướng xử lý vấn đề này, Giám đốc Lê Thị Kim Chung cho biết, chưa hề nhận được bất cứ công văn nào của Sở GD&ĐT nên vẫn chưa đưa ra phương án xử lý cụ thể.
Có nương tay cho giáo viên dùng bằng giả?
Cũng liên quan đến những khuất tất tại Trung tâm, trong quá trình tuyển dụng nhân sự, Trung tâm đã tuyển nhân sự là giáo viên sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả để thực hiện công tác giảng dạy. Cụ thể, trường hợp của cô giáo Lê Thị Thu Hiền (SN 1982) đã sử dụng bằng thêu rua để tuyển dụng là bằng giả. Cùng với đó, chứng chỉ trung cấp nghề Kỹ thuật đan dệt len sợi của cô này cũng là bằng giả. Tháng 12/2012, nữ giáo viên này còn vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình (sinh con thứ ba). Theo bà Giám đốc, việc tuyển dụng cô giáo Lê Thị Thu Hiền vào năm 2010 là thực hiện theo Quyết định 63 của UBND tỉnh nên Giám đốc được quyền.
Quá trình tuyển dụng công khai, minh bạch và có báo cáo với Sở GD&ĐT. Về việc sử dụng bằng giả, lúc đó cô không phát hiện ra, kể cả Sở GD&ĐT cũng vậy, khi Trung tâm nộp hồ sơ lên cũng không phân biệt được là thật hay giả. Trong quá trình công tác, phát hiện ra thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Về việc không xử phạt hành chính hoặc đuổi việc cô Hiền, bà Chung cho rằng, do hoàn cảnh nữ giáo viên này khá đặc biệt, bố mẹ là thương binh nên hội đồng kỷ luật đã thống nhất giữ cô Hiền tiếp tục ở lại công tác.
Giám đốc Lê Thị Kim Chung cho biết thêm, đến ngày 15/6, bà đã có quyết định nghỉ hưu chính thức, song do Sở GD&ĐT chưa có sự chỉ đạo trực tiếp về những vấn đề còn tồn tại tại Trung tâm, trong đó có nội dung thu hồi lại số tiền hàng chục tỉ đồng đã thu và sử dụng vào mục đích chi tiêu nội bộ nên Trung tâm vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
.