(Congannghean.vn)-Chúng tôi đến xã Yên Na, huyện Tương Dương vào thời điểm Nhà máy thủy điện Bản Vẽ vừa tổ chức sự kiện nhà máy đạt sản lượng 5 tỉ kw/h, một con số đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ - thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vùng đất hoang sơ ngày nào nay đang bừng lên khí thế thi đua lao động, sản xuất của hàng trăm công nhân viên, kỹ sư, chuyên gia. Có được kết quả này, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) cũng luôn được cấp ủy, chính quyền và Công ty quan tâm, chú trọng.
10 năm trước, khi nói đến thủy điện, người dân huyện Tương Dương nói chung và người dân dọc sông Cả qua địa bàn các xã Yên Na, Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương hầu hết đều cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ. Ngày công trình được phê duyệt lập dự án đầu tư, người dân đã đồng lòng nhường vùng đất là nơi "chôn nhau cắt rốn" để xây dựng nhà máy. Vùng quê vốn khó khăn về điều kiện kinh tế và đời sống sinh hoạt được "khai mở" khi vào năm 2005, công trình thủy điện Bản Vẽ đi vào hoạt động.
Cán bộ Tổ Cảnh sát Đồn Công an Bản Vẽ gọi hỏi, lấy lời khai đối tượng vi phạm |
Lúc bấy giờ, cùng với việc bàn giao, giải phóng mặt bằng và tái định cư về nơi ở mới, cuộc sống của đồng bào nơi đây phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Số lượng người từ khắp nơi đổ về ngày càng đông, từ người dân ở các địa phương đến vùng dọc lòng hồ để đánh bắt, khai thác thủy sản; các hộ đến mở quán kinh doanh, làm ăn đến hàng trăm công nhân, kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước vào đầu tư, xây dựng công trình. Dân cư đông đúc, phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình ANTT ở địa phương.
Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, Đồn Công an Bản Vẽ có gần 30 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Phó Trưởng Công an huyện Tương Dương phụ trách, được biên chế ở 2 tổ cảnh sát và an ninh. Cơ sở vật chất ban đầu còn thiếu thốn, công việc điều hành gặp khó khăn do ở xa trung tâm chỉ huy, đường sá đi lại hiểm trở, nhiều dốc cao, bên vực, bên núi. Vượt lên những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, công tác, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã cố gắng, nỗ lực, động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở công việc được giao, hai tổ công tác đã chủ động nắm tình hình, tham mưu chỉ huy Đồn và lãnh đạo Công an huyện Tương Dương trong việc đảm bảo ANTT cho các chuyên gia kỹ thuật, các kỹ sư và hàng trăm công nhân ngày đêm làm việc tại công trường cũng như các dây chuyền kỹ thuật liên quan.
Đến đầu năm 2014, do tính chất công việc khi nhà máy đi vào vận hành, sản xuất kinh doanh lưới điện, Ban Giám đốc Nhà máy đã quyết định thành lập Đội xung kích ANTT gồm 80 thành viên đến từ các bộ phận, phân xưởng của các dây chuyền và các bộ phận hành chính, do đồng chí Phó Chánh văn phòng Nhà máy làm Đội trưởng. Hai bên đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác đảm bảo ANTT trong sản xuất cũng như an toàn giao thông khu vực lòng hồ.
Thiếu tá Hoàng Nghĩa Trung, Phó Trưởng đồn Công an Bản Vẽ cho biết thêm: Trong suốt thời gian đến làm nhiệm vụ tại đây, tập thể, chỉ huy đã thường xuyên làm tốt công tác trao đổi thông tin với các cơ quan, đoàn thể của Nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương để nắm tình hình chung. Đồng thời, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến ANTT để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến địa bàn trọng điểm, như: Khu vực lòng hồ, đập chính ở thượng nguồn, đập tràn, trung tâm điều hành Nhà máy thủy điện và cả vùng lân cận, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, ở khu vực Nhà máy và vùng lân cận, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, để phòng tránh các yếu tố về hoạt động tuyên truyền đạo trái phép và tụ tập cầu nguyện đông người, chỉ huy Đồn cử các trinh sát Tổ an ninh bám địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến tôn giáo, các yếu tố nước ngoài và trong nội bộ nhân dân liên quan đến an ninh quốc gia, kịp thời đưa ra các giải pháp để xử lý, không để hình thành điểm nóng.
Đặc biệt, trong công tác chuyên môn, Đồn Công an Bản Vẽ đã tham mưu Công an tỉnh và Nhà máy thủy điện mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho 90 học viên là lực lượng bảo vệ Nhà máy; tham mưu Nhà máy kiện toàn lực lượng bảo vệ và xây cổng bốt bảo vệ khu vực Nhà máy nhằm kiểm soát các đối tượng lạ và các đối tượng trong diện quản lý của Công an. Ngoài ra, Đồn đã tham mưu chính quyền, Công an xã Yên Na tổ chức lực lượng truy quét, đẩy đuổi một số tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhờ đó, tình trạng các đối tượng có hành vi ảnh hưởng đến khu vực lòng hồ cũng như các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, sử dụng thuốc nổ, kích điện để đánh bắt ảnh hưởng đến việc khai thác, đảm bảo an toàn của công trình và ANTT ở địa phương giảm hẳn.
Theo Thiếu tá Trung, thời gian qua, Đồn Công an Bản Vẽ đã phát hiện, bắt giữ 7 vụ, 9 đối tượng liên quan đến ma túy, thu giữ tang vật hơn 17,3 gam hêrôin và 1 gam hồng phiến. Riêng trong tháng 8/2014, đã bắt, vận động 1 đối tượng truy nã; bắt 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; triệt phá 1 tụ điểm, 3 điểm bán lẻ và 6 vụ liên quan đến ma túy; thu hồi nhiều vũ khí... Bên cạnh đó, Đồn còn phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện, Ban Công an xã Yên Na giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến trật tự xã hội như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, bảo vệ hiện trường các vụ va chạm giao thông, tai nạn giao thông, vận chuyển lâm sản trái phép, chú trọng công tác quản lý Nhà nước về ANTT như: quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, vũ khí, vật liệu nổ.
Với chức năng đa mục tiêu, vừa phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, Thủy điện Bản Vẽ cung cấp một phần điện cho nước bạn Lào, đồng thời, cung cấp một lượng nước sinh hoạt phục vụ sản xuất, chống mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu. Vì vậy, đảm bảo an toàn để vận hành, sản xuất và ANTT để phục vụ công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân là mục tiêu cao nhất được đặt ra cho lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo, giữ vững ANTT.
.