(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An nhận được đơn phản ánh của tập thể xóm 10, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương với nội dung: Thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước về dồn điền đổi thửa, một số hộ dân thuộc diện chính sách đã được chia đất, song chính quyền xã đã bán lại cho hộ cá nhân khác. Đơn thư còn phản ánh, trong quá trình bình xét và chia đất ở địa phương này thực hiện không minh bạch, khách quan.
Xã bán đất?
Công dân Nguyễn Đình Thành là thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Thân, hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Trước khi thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08/2012 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp”, được nhận mảnh đất tại khe gần nhà, ở vị trí thửa 1634.
Trong quá trình thực hiện, sau khi xã Trù Sơn thành lập Tiểu ban chia đất giúp việc cho Ban chỉ đạo xã, do cùng một lúc trên địa bàn có nhiều đối tượng chính sách nên xã đã làm thủ tục bắt thăm, sau đó chính gia đình anh Thành lại bắt đúng thăm ở vị trí này. Sau khi công nhận kết quả bắt thăm, Tiểu ban chia đất đã giao đất cho gia đình và ký nhận dưới sự chứng kiến của Chi ủy, Ban cán sự xóm 10.
Sự việc được người dân hoài nghi từ khi gia đình anh Thành trực tiếp ra thửa đất được chia của mình để canh tác thì hộ dân Nhâm Huế đang sử dụng thửa đất sát hộ anh Thành (thửa 1633) không cho gia đình anh khai thác, cải tạo. Gia đình Nhâm Huế khẳng định: Đất này không được ai “đụng” đến, xã đã bán cho tôi???. Vấn đề này cán bộ xã Trù Sơn nắm được nhưng trong khi giữa 2 gia đình anh Thành và Nhâm Huế đang “tranh giành” thì xã lại bảo rằng, đất này do xã quản lý, không ai dám bàn giao cả.
Thửa đất “tranh chấp” giữa gia đình được cấp và hộ bên cạnh |
Lý giải những phản ánh này, ông Nguyễn Thủy Đờu cho biết: Thửa đất 1634 có diện tích 486 m2 trước kia do xã quản lý, đoạn giáp ranh giữa anh Nhâm Huế là đất thổ cư (sát khe nước), do đó phía trước là thửa 1633 giao cho anh Nguyễn Đình Khoái canh tác (nay đã mất).
“Quy trình xã không chia cho xóm nhưng trong quá trình làm thì xóm lại giao cho dân. Diện tích đất này xã sử dụng vào việc xây dựng mở rộng cầu, không giao cho dân nhưng về xóm lại giao cho hộ anh Nguyễn Đình Thành. Quá trình giao đất, xã đã yêu cầu Xóm trưởng xóm 10 thông báo công khai nhưng do Xóm trưởng không nhận thức đúng đắn chủ trương nên bà con nghi ngờ xã bán đất”, ông Đờu giải thích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Giáp, Xóm trưởng xóm 10 lại phủ nhận: “Trước năm 2002, quan điểm chung của địa phương là đất được chia cho dân, do đó, thửa đất 1633 chia cho ông Khóa nhận (nay đã mất), còn thửa 1634 giao cho gia đình chính sách Nguyễn Đình Thành. Việc chia đất diễn ra công khai dưới sự chứng kiến của Xóm trưởng, Tổ chia đất của xã và gia đình được nhận. Do vậy, việc gia đình anh Thành sau khi được chia theo chủ trương chuyển đổi là hợp lý, nhưng không hiểu sao khi họ ra cải tạo đất thì bị hộ bên cạnh Nhâm Huế ngăn cản, tôi không rõ???”.
Những “khuất tất” cần làm rõ
Liên quan chủ trương chuyển đổi ruộng đất, qua tìm hiểu, trên địa bàn xóm 10, xã Trù Sơn có 7 xứ đồng với diện tích 64 mẫu đất. Toàn xóm có 166 hộ, với 650 nhân khẩu thuộc diện được chia đất. Đến nay, đã cấp cho các hộ manh mún và các hộ chính sách với tổng 271 khẩu, số còn lại được gom lại thành 67 thăm. Hiện, xóm đã tiến hành bắt thăm, nhận đất cho 55 thăm (330 khẩu), còn lại 12 thăm (45 khẩu), trong đó có 31 khẩu phản đối chưa nhận, lý do xóm phân chia cho các hộ chính sách không minh bạch, có biểu hiện “nới rộng” cho nhiều khẩu thuộc con em gia đình chính sách, nhưng không công bằng.
Đơn cử có ông Nguyễn Công Chung là thân nhân gia đình chính sách liệt sĩ Nguyễn Công Tạo nhưng trong chủ trương chia đổi ruộng đất vẫn không được hưởng. Trong khi đó, cũng là gia đình chính sách nhưng do “nể nang” nên Tổ chia đất lại nới rộng đến thế thệ thứ 3, thứ 4, khiến các hộ dân bức xúc.
Chị Võ Thị Chắt thuộc gia đình liệt sĩ phản ánh, có hay không cán bộ xóm đã “bắt tay” với xã nhưng việc thu chi các khoản tiền ở xã không công khai minh bạch và thiếu tính nhân văn. Lý do chị Chắt đưa ra là chị thuộc hộ sinh con thứ 3 năm 2008, theo quy định bị phạt 1 triệu đồng về vi phạm chính sách dân số. Thế nhưng, khi về xóm lại bị “xử” kiểu tùy tiện. Số là thực hiện chủ trương của Nhà nước đối với gia đình chính sách, khi thân nhân hàng năm đi thăm mồ mả của họ được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng tiền hương hỏa. Sau khi gia đình đi thăm nom, hương khói cho liệt sĩ về xã nhận tiền chế độ thì bị xã trừ vào tiền vi phạm về chính sách dân số.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã còn phản ánh, việc thu tiền xử phạt chính sách dân số, KHHGĐ cũng tùy tiện, có hộ thì bắt nộp phạt 2 triệu đồng, hộ thì 1 triệu đồng, tuy nhiên tất cả đều không có phiếu thu.