Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201312/co-hay-khong-nhung-khuat-tat-trong-viec-cap-giay-chung-nhan-dat-lam-nghiep-430101/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201312/co-hay-khong-nhung-khuat-tat-trong-viec-cap-giay-chung-nhan-dat-lam-nghiep-430101/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Có hay không những khuất tất trong việc cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 19/12/2013, 08:00 [GMT+7]

Có hay không những khuất tất trong việc cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp?

 
(Congannghean.vn)-Nhiều hộ trồng rừng xã Thanh Hà, Thanh Chương (Nghệ An) chỉ dám đầu tư cầm chừng và hoang mang về quyền sở hữu diện tích đất đã được cấp lâu nay. Còn cán bộ xã giải thích rằng, ngày trước xã cấp nhầm sang địa giới hành chính của xã khác, nay phải cắt trả lại. Trong khi UBND huyện Thanh Chương có công văn yêu cầu các xã liên quan phối hợp giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân thì các xã chỉ làm lấy lệ...
 
Kỳ 2: Đâu là sự thật?
 
Người dân xóm 11, xã Thanh Hà “mỏi cổ” chờ sổ đỏ
Người dân xóm 11, xã Thanh Hà “mỏi cổ” chờ sổ đỏ
 
Từ lời trần tình của cán bộ xã
 
Theo ông Hoàng Văn Luyện, cán bộ địa chính, Thanh Hà hiện có hơn 2.800 ha đất lâm nghiệp, đã cấp được 393 bìa đỏ cho các hộ dân. Còn 50 hộ đã làm thủ tục xin cấp đất lâm nghiệp và thực tế đã sử dụng nhưng chưa làm được bìa đỏ vì “chưa có chủ trương”(?).  Ông Hoàng Văn Phơn - Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Sóng Hồng, cán bộ lâm nghiệp xã Thanh Hà đều xác nhận, thực trạng xâm canh đất nông - lâm nghiệp giữa công dân các xã Thanh Hà, Võ Liệt, Thanh Thủy, Thanh Tùng đã tồn tại từ lâu nhưng chính quyền các xã không để ý. Khi đất rừng chưa có “giá”, việc nhận đất rừng không mấy ai quan tâm nên theo lời ông Hồng thì “Là cán bộ, đảng viên, một số cán bộ xã đã tiên phong nhận. Theo NĐ 02/CP, đất đó (một số đất rừng của xóm 11 - PV) không phải của dân mà do cán bộ nhượng lại cho họ (?). Sau khi cấp đất lâm nghiệp, có bìa xanh, UBND xã Thanh Hà lại cấp đất trang trại, trùng lên đất lâm nghiệp đã được giao trước đây cho các hộ dân với điều kiện họ phải có từ 10 ha/hộ trở lên”. Lời ông Nguyễn Sóng Hồng đã thể hiện sự mâu thuẫn bởi trên thực tế, tại xã Thanh Hà, ngoài hộ ông Phan Đại Huỳnh còn một số hộ khác có diện tích chưa đầy 9 ha lại được cấp bìa với mục đích làm trang trại?
 
Những sai lệch “lởm khởm” trên, cán bộ xã Thanh Hà giải thích rằng, trước đây việc giao đất, đo đạc hoàn toàn thủ công, đứng từ núi này chỉ sang núi kia để giao đất. Sau này, phương tiện đo đạc hiện đại, chính xác nên diện tích có biến động nhưng không nhiều, hình thể không thay đổi. Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn một vài ví dụ có chênh lệch lớn về diện tích, thay đổi hoàn toàn hình thể thì cán bộ xã Thanh Hà biện giải là do lúc trước vẽ bằng tay không chính xác; đoàn khảo sát giao đất không đem bản đồ 364 ra đối chiếu nên một số diện tích cấp nhầm sang đất của xã khác nên phải cắt ra khỏi sổ đỏ để đem trả. Nhưng các vị “công bộc” xã Thanh Hà quên rằng, chính các hộ dân đã nộp sổ lâm bạ yêu cầu làm bìa đỏ cho toàn bộ diện tích được giao trên thực địa đang sử dụng, họ có quyền được biết và chứng minh quyền sở hữu đối với diện tích đất rừng mà UBND huyện Thanh Chương đã cấp cho họ.
 
Tuy nhiên, thay vì trao đổi một cách thẳng thắn, minh bạch, việc cấp bìa cho các hộ trồng rừng tại Thanh Hà lại được thực hiện khi mà các hộ dân còn nhiều thắc mắc về diện tích, hình thể được cấp ban đầu, thời gian cấp bìa kéo dài (5 -6 năm), chỉ đến khi người dân đến hỏi thì UBND xã Thanh Hà mới chịu giao bìa. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có điều gì khuất tất, mờ ám sau tất cả những sự việc nêu trên (?). Về thông tin cho rằng, ông Hoàng Văn Luyện, cán bộ địa chính xã có đất được cấp xen vào giữa đất của 3 hộ dân thuộc xóm 4 gồm ông Phạm Văn Thân, Hoàng Văn Tiến, Biện Cường, ông Luyện xác nhận thông tin trên là chính xác nhưng không phải là “dắm” thêm một bìa đỏ sau khi thu hồi bìa xanh mà chính ông Luyện cùng các hộ trên đã làm hồ sơ, thủ tục xin cấp đất lâm nghiệp cùng một thời điểm (?).
 
“Đá bóng” trách nhiệm, quyền lợi người trồng rừng bị xâm phạm
 
Băn khoăn lớn nhất hiện nay của các hộ dân có đất trồng rừng nhưng một phần diện tích đã bị cắt xén do “giao nhầm” địa giới hành chính là đất đai, tài sản trên đất sẽ được giải quyết thế nào để họ yên tâm đầu tư sản xuất? Sau nhiều lần tiếp dân, UBND huyện Thanh Chương đã ra các văn bản yêu cầu các xã liên quan phối hợp giải quyết. Ngày 23/6/2006, UBND huyện Thanh Chương ra Thông báo số 754/TB-UBND giải quyết những tồn tại vướng mắc về đất đai tại tuyến địa giới hành chính giữa 2 xã Võ Liệt và Thanh Hà. Trong đó có đoạn: “Đối với các hộ đã được giao đất lâm nghiệp và cấp sổ lâm bạ, nếu có xâm canh trên địa bàn 2 xã thì chấp nhận việc xâm canh đó và các hộ đang xâm canh phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ và quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật”.
Các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Chương có bị phớt lờ?
Các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Chương có bị phớt lờ?
Văn bản này ra trước ngày ký quyết định cấp bìa đỏ cho các hộ dân xã Thanh Hà. Vì vậy, có thể hiểu, mục đích văn bản hướng tới là giữ nguyên hiện trạng trên thực địa và trên giấy tờ sổ sách (bìa xanh) cho các hộ dân đã xâm canh. Với cách hiểu như thế, thực địa được giao theo bìa xanh sẽ được giữ nguyên nhưng không hiểu vì sao sau đó bìa đỏ được ký, nhiều hộ dân bị cắt xén diện tích, thay đổi hình thể ban đầu? 
 
Tiếp theo là nhiều công văn với nội dung tương tự, đề nghị các xã liên quan phối hợp giải quyết. Ngày 4/9/2012, UBND huyện Thanh Chương ra Công văn số 175/UBND.TNMT, trong đó có đoạn: “Diện tích đất của 5 hộ là công dân của xã Thanh Hà được UBND huyện giao đất, mặc dù thuộc địa giới hành chính của xã Võ Liệt nhưng quyền lợi của các hộ vẫn được Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.... Việc 5 công dân xã Thanh Hà được UBND huyện giao đất lâm nghiệp nay thuộc địa phận hành chính xã Võ Liệt thì các hộ đã được giao đất vẫn tiếp tục sử dụng đất và hưởng thành quả trên đất được giao theo pháp luật quy định, đồng thời người sử dụng đất phải chấp hành sự quản lý về đất đai của chính quyền xã Võ Liệt”.
 
“UBND xã Võ Liệt phải chủ trì phối hợp với UBND xã Thanh Hà xác định chính xác diện tích đất lâm nghiệp theo sổ lâm bạ của 5 hộ công dân xã Thanh Hà xâm canh sang địa giới hành chính của xã Võ Liệt... để các hộ nói trên biết rõ ranh giới đất đã được giao tại thực địa của hộ mình, từ đó các hộ được tiếp tục sử dụng đất với hình thức xâm canh”- trích Công văn số 2068/UBND.CT của UBND huyện Thanh Chương ngày 9/10/2012.
 
Ông Trần Xuân Ngân - Trưởng phòng TNMT huyện Thanh Chương cho rằng: Thẩm quyền cấp bìa đất lâm nghiệp thuộc UBND huyện, trên cơ sở đề xuất, đồng ý của các xã. Trong trường hợp này, bìa đỏ đã được cấp, để lấy lại diện tích đất xâm canh trước đây đã được cấp, nay bị cắt xén, chủ sở hữu các vườn rừng trên phải gặp UBND các xã, là đơn vị quản lý về mặt Nhà nước diện tích đất trên để xin đồng ý làm thủ tục cấp đất. Tuy nhiên, ông Ngân cũng nhận định, để các xã này đồng ý cấp đất cho công dân xã khác là điều không dễ.
 
Chính vì thế, phương án cuối cùng, muốn lấy lại được đất, theo ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thì chỉ còn cách “khởi kiện lên Tòa án giải quyết. Thẩm quyền lúc đó không thuộc UBND huyện”. Từ chỗ sai sót của cán bộ xã, “quả bóng” trách nhiệm đã được đẩy sang phía Tòa án, chẳng khác nào đem con bỏ chợ.
 
Trong khi chờ đợi sự phán xét công minh của các ban ngành hữu quan huyện Thanh Chương, nhiều hộ dân trồng rừng xã Thanh Hà vẫn canh cánh nỗi lo mất đất hiện hữu. Việc cấp đất và sau đó thay đổi diện tích, hình thể đất rừng của nhiều hộ dân, hàng chục sổ đỏ “bặt vô âm tín” đương nhiên không phải lỗi tại người dân nhưng đến nay họ đang phải gánh chịu hậu quả. Liệu chính quyền huyện Thanh Chương, xã Thanh Hà có để những người tiên phong trong công tác phủ xanh đất trống đồi trọc phải tiếp tục chịu thêm những thiệt thòi? Những câu hỏi này gửi đến các ban ngành chức năng để xin lời giải đáp.
.

Văn Dũng