Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201307/29396-khuat-tat-trong-lam-giao-thong-noi-dong-404206/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201307/29396-khuat-tat-trong-lam-giao-thong-noi-dong-404206/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khuất tất trong làm giao thông nội đồng? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/07/2013, 08:16 [GMT+7]
29396

Khuất tất trong làm giao thông nội đồng?

Thu của dân gần nửa tỷ đồng để làm giao thông nội đồng, nhưng UBND xã không đưa vào ngân sách mà giao cho HTX tự tung tự tác. Vậy nên, 1m3 đất dân đào đắp thì được HTX trả 20.000 đồng, còn thuê máy thì trả tới 44.000 đồng. Mỗi sào lúa, dân phải trả tới 170.000 đồng/sào để làm giao thông nội đồng, ai không nộp sẽ bị loa phát thanh xã thông báo liên tục, lên xin dấu của Bộ phận một cửa sẽ bị gây khó dễ.
 
Vừa qua, Báo Công an Nghệ An nhận được đơn của ông Ngô Bá Nhường ở xóm 6, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên phản ánh một số sai phạm của lãnh đạo xã trong việc làm nông thôn mới.
 
Năm 2012, để huy động sức dân trong việc làm giao thông nội đồng, xã đã thu của dân 170.000 đồng/sào. Tuy là đề án do UBND xã dựng nên nhưng Đảng ủy, UBND xã thống nhất cho HTX đứng ra làm và không có thiết kế, không có dự toán, không nộp ngân sách mà khoán trắng cho HTX. Có tiền, một mặt HTX thỏa thuận với từng xóm về làm giao thông nội đồng, nếu xóm đứng ra làm thì mỗi m3 đào đắp được trả 20.000 đồng.
 
Tuyến giao thông nội đồng ở xã Hưng Lĩnh có ẩn chứa những sai phạm của lãnh đạo xã?
 
Thấy giá rẻ, một số xóm đứng ra làm rồi thôi không làm nữa. HTX liền thuê một cá nhân ở xã Kim Liên đứng ra làm và chi trả 44.000 đồng/m3 đào đắp. Theo chi trả như thế thì người dân bị thiệt tới 24.000 đồng/m3, tương đương với 96 triệu đồng, bởi tổng diện tích đào đắp lên tới hơn 4.000m3. Theo hạch toán với dân, mỗi xe chở đất 5m3 bao gồm múc, vận chuyển, dàn đất được trả với giá 525.000 đồng, trong khi vận chuyển từ chân núi đến nơi đổ trung bình chỉ 1 km, đất không phải trả tiền mua mà lấy từ trong núi do xã quản lý.
 
Ông Nhường cho rằng, chi trả như thế là quá cao, theo tính toán của ông thì mỗi xe 5m3 đất chỉ hết 225.000 đồng, gồm 100.000 đồng tiền vận chuyển, 100.000 đồng tiền múc đất lên xe, 25.000 đồng tiền dàn đất. Theo tính toán thì mỗi xe chênh lệch tới 300.000 đồng so với thực tế và đã ăn chặn của dân 252 triệu đồng.
 
Tính toán của ông Nhường không phải không có căn cứ, vì theo tìm hiểu của phóng viên tại một doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng ở thành phố Vinh thì: Doanh nghiệp phải mua đất với giá 25.000 đồng/m3 tại mỏ đất, vận chuyển khoảng 20 km đến chân công trường cũng chỉ thu được 80.000 đồng/m3, trong khi mỗi m3 tại xã Hưng Lĩnh được chi trả 105.000 đồng.
 
Với đề án giao thông nội đồng, trung bình mỗi hộ dân làm ruộng ở xã Hưng Lĩnh phải đóng góp gần 1 triệu đồng, ngoài ra, còn có một số phí khác như phí thủy lợi, phí bảo vệ đồng, sản lượng hàng năm nên trung bình mỗi sào, người dân xã Hưng Lĩnh phải nộp 230.000 đồng. Theo tính toán thì người dân trồng lúa trừ đi mọi chi phí cũng chỉ hòa vốn, với cách thu của UBND xã Hưng Lĩnh thì người dân đang chịu lỗ. Chính vì vậy, một số hộ dân đã trả ruộng hoặc để ruộng bỏ hoang.
 
Chỉ tính trong vụ Hè Thu năm nay, người dân đã bỏ hoang tới 2 ha. Điều đáng trách là khi dân nghèo chưa có tiền nộp các khoản thu của xã thì bị gây khó dễ. Con cái đi học, đi làm ăn xa hoặc xin các giấy tờ liên quan đến con dấu của UBND xã thì bị gây khó dễ. Bà Nguyễn Thị Tịnh ở xóm 6 bức xúc: “Năm 2012, gia đình tôi thiếu 9.000 đồng tiền sản lượng, khi ra xin làm thủ tục tách hộ liền bị từ chối do chưa chấp hành chủ trương của địa phương”.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết: Năm 2011, xã phê duyệt đề án làm giao thông nội đồng, dự kiến làm trong 5 năm và bắt đầu từ năm 2012. UBND huyện hỗ trợ 70 triệu đồng, còn lại thu từ sức dân.
 
Do tiết kiệm cho dân nên xã thống nhất không đưa vào ngân sách mà giao cho HTX đứng ra làm, vì nếu UBND xã làm sẽ phải nộp kho bạc, khi rút ra sẽ bị trừ 10% tiền thuế giá trị gia tăng. Về chi trả công cho việc vận chuyển, san lấp đất, ông Thắng thừa nhận: “Việc chi trả cho dân 20.000 đồng/m3, trả cho máy 44.000 đồng/m3 chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, còn việc chi trả tiền đào, vận chuyển, san đất là hợp lý”.
 
Về vấn đề này, ông Hồ Quang Thông - Chủ nhiệm HTX cho hay: “Chính quyền giao thì tôi phải nhận chứ chúng tôi đâu muốn “ôm rơm nặng bụng”. Còn về giá cả thanh toán, chúng tôi có hợp đồng đầy đủ, giá như thế là hợp lý, không có chuyện chúng tôi ăn phần trăm trong đó”.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo xã nói là một chuyện, dân phản ánh cũng là một kênh thông tin, sự thật sẽ được phơi bày khi thanh tra vào cuộc. Đề nghị thanh tra huyện Hưng Nguyên cần sớm vào cuộc kiểm tra công tác làm giao thông nội đồng ở xã Hưng Lĩnh theo đơn tố cáo của ông Ngô Bá Nhường.

Nhóm P.V
.