(Congannghean.vn)-Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cấp chính quyền và ngành chức năng đang tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để phòng, chống, giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại. Trong cuộc chiến “sinh tử” này, rất cần và quan trọng nhất là sự đồng lòng, chung sức của người dân, không chủ quan nhưng tránh quá hoang mang, lo lắng.
Mọi diễn biến vẫn đang được theo dõi chặt chẽ
Tính đến 19h30 ngày 8/3/2020, thế giới có 106.262 trường hợp dương tính với COVID-19, 3.600 tử vong. Tại Việt Nam đã ghi nhận 30 người nhiễm bệnh, trong đó 16 trường hợp đã xuất viện. Theo đó, vào tối 6/3, Hà Nội đã tổ chức họp khẩn về diễn biến phát hiện trường hợp mới nhất dương tính với COVID-19. Báo cáo tại cuộc họp, Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19 là nữ, 26 tuổi, làm quản lý khách sạn, có địa chỉ thường trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Để ứng phó với diễn biến mới, các chuyên gia y tế đã tiến hành phân tích, đánh giá tình hình ca bệnh số 17.
Binh chủng hóa học khử trùng toàn bộ khu phố Trúc Bạch - Ảnh: Internet |
Nơi ở, nơi lưu trú, hành trình di chuyển của bệnh nhân, xác định những người tiếp xúc và khả năng lây nhiễm để tiến hành điều tra dịch tễ, rà soát các trường hợp nghi ngờ để thực hiện các giải pháp y tế theo quy định. Nhận định đây là trường hợp người bệnh đầu tiên xuất hiện trong đô thị, do đó các chuyên gia đã phân tích chi tiết nhật ký hành trình di chuyển, tiếp xúc của người bệnh để xác định khu vực cần khoanh vùng tổ chức cách ly y tế, bởi nếu “khoanh vùng hẹp quá không an toàn, còn rộng quá lại không an dân”. Đây là ca lây nhiễm hẹp, đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Để chủ động phòng, chống dịch, trước mắt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị tạm dừng, hoãn tất cả các hoạt động không cần thiết, các đoàn công tác nước ngoài, lễ hội, hội họp không cần thiết; tránh tập trung đông người, trừ các trường hợp đặc biệt.
Đến chiều 7/3/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 trong số những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Đó là bà L.T.H., sinh năm 1956, là bác ruột của bệnh nhân và anh D.Đ.P., sinh năm 1993, là lái xe riêng của gia đình. Cùng với Hà Nội, UBND TP Hải Phòng cũng tổ chức họp để nghe diễn biến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau khi xác định có nhiều người trên địa bàn tiếp xúc gần nữ bệnh nhân N.H.N. Cụ thể, ngoài ông N.K.T. (63 tuổi, trú tại thôn Phù Lưu, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng - cha nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19) và lái xe riêng của ông T., còn có 4 người Việt và 11 người nước ngoài khác đang ở Hải Phòng đi cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân.
Trước mắt các cấp, ngành tổ chức xác định vị trí để đưa toàn bộ những người cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang có mặt tại Hải Phòng vào khu cách ly ở xã An Đồng, huyện An Dương. UBND TP Hải Phòng quyết định phong tỏa tạm thời thôn Tân Lập, phường Tân Thành, quận Dương Kinh và thôn Phù Lưu, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên do có người tiếp xúc gần nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 17. UBND thành phố sẽ hỗ trợ mỗi người dân trong khu vực bị phong tỏa 60.000 đồng/ngày. Chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. UBND TP Hải Phòng cũng quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học trở lại để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Trong khi đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo bệnh nhân N.V.T., 27 tuổi, quê Thái Bình là bệnh nhân thứ 18 tại Việt Nam đã mắc COVID-19. Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp bệnh nhân N.V.T., Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân tại khu cách ly. Bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để điều trị. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo bà Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố. Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn. Thứ hai là những người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn. Với người khoẻ mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh. Hiện ở Hà Nội đã cách ly chặt chẽ người bệnh và những người tiếp xúc nên đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm.
Lực lượng chức năng đảm bảo an ninh tại chốt cách ly - Ảnh: Internet |
Không hoang mang, lan truyền thông tin sai sự thật
Ngay khi xuất hiện thông tin về bệnh nhân thứ 17 tại Hà Nội nhiễm COVID-19, rất nhiều thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng. Nhiều người tự vẽ ra lịch trình của nạn nhân, bịa đặt về số ca nhiễm bệnh. Một số tài khoản mạng xã hội cho biết, đã bắt gặp hình ảnh nữ bệnh nhân đến quán bar ở Tạ Hiện vào tối 3/3. Theo đó, nhiều người đặt ra nghi vấn khi cho rằng bệnh nhân trở về từ vùng có dịch nhưng vẫn di chuyển đến những nơi đông người trước khi phát bệnh. Trả lời thông tin này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, những hình ảnh cô gái đi chơi trong các quán bar, vũ trường sau khi trở về nước là không chính xác.
Đây là những hình ảnh cũ, do bệnh nhân cũng là người tương đối nổi tiếng nên dẫn đến thông tin sai lệch. Cá biệt, chị N.H.N. (30 tuổi, Hà Nội) - trùng tên với bệnh nhân - bị ghép ảnh rồi phao tin là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam, đã có rất nhiều người lạ ùa vào trang cá nhân chửi bới. Tương tự, một số người trùng tên với bệnh nhân N.H.N. cũng phải đính chính trên mạng xã hội rằng mình không phải người này để tránh cơn bão tấn công của dân mạng.
Có thể thấy, trước diễn biến mới về dịch COVID-19, một số người đã “đục nước béo cò” phao tin nhảm, nhằm câu like, view, tăng tương tác với tài khoản mạng xã hội của chính mình. Mục đích của việc này là thu hút thêm khách hàng vào trang cá nhân, mưu lợi bất chính. Điều đáng lo là những tin tức giả mạo này lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Lực lượng Công an các cấp sẽ tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh để đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận. Trước đó, nhiều chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội bị xử phạt vì tung tin đồn liên quan đến COVID-19. Đối với việc tung tin đồn thất thiệt, những người vi phạm sẽ chịu mức phạt 7,5 - 30 triệu đồng tùy mức độ.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch |
Cần phải nhấn mạnh là Việt Nam đã có kinh nghiệm khi điều trị khỏi cho tất cả 16 trường hợp nhiễm COVID-19 trước đó cũng như kiểm soát dịch bệnh trong suốt hơn 1 tháng qua kể từ khi phát hiện ca dương tính virus COVID-19 đầu tiên. Do đó, người dân có thể yên tâm, tin tưởng vào cơ quan chức năng và chuyên môn của các y, bác sĩ Việt Nam. Ngoài chủ động tìm kiếm, theo dõi những thông tin trên các cơ quan báo chí chính thống, trang thông tin Chính phủ và Bộ Y tế, người dân tránh hoang mang, tập trung đông người để mua, dự trữ lương thực hay di chuyển khỏi nơi cư trú. Điều này là không cần thiết và càng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch COVID-19. Giải pháp tốt nhất hiện nay là thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế: Tránh tập trung đông người, thường xuyên rửa tay, tự giác thông tin tới các cơ sở y tế nếu có đi về từ vùng dịch và cách ly khi có yêu cầu.
Từ 6 giờ ngày 7/3, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Để thuận tiện, bên cạnh hình thức khai giấy hành khách có thể khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với các nhà mạng Viettel, VNPT và các công ty công nghệ thông tin đã nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và ứng dụng khai báo y tế điện tử bắt buộc rất đơn giản, thuận tiện. Việc khai báo y tế bằng hình thức điện tử tại website http://suckhoetoandan.vn/khaiyte. |
.