Kinh tế xã hội
Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử
(Congannghean.vn)-Nhiệm kỳ 2016 - 2021, công tác đổi mới tổ chức, hoạt động được HĐND tỉnh khoá XVII chú trọng thực hiện hiệu quả. Qua đó, đã duy trì và tạo sự chuyển biến căn bản trong thực hiện chức năng giám sát, quyết định kịp thời các vấn đề quan trọng của địa phương.
Đại biểu HĐND tỉnh trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVII |
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh có 91 đại biểu, tăng 6 đại biểu so với nhiệm kỳ trước. Chất lượng đại biểu được nâng lên cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị so với nhiệm kỳ trước. Theo đó, trình độ từ đại học trở lên có 90 đại biểu (chiếm 98,9%), trình độ lý luận chính trị cử nhân - cao cấp có 76 đại biểu (chiếm 83,5%). Việc tăng số lượng đại biểu, ủy viên Thường trực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh và bố trí các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy kiêm nhiệm giữ những cương vị quan trọng của HĐND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để HĐND tỉnh hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Hiệu quả của những đổi mới về tổ chức, hoạt động của HĐND thể hiện rõ trên nhiều mặt. Trong đó, liên quan đến kỳ họp HĐND tỉnh, công tác điều hành kỳ họp có nhiều cải tiến hợp lý, phát huy được tinh thần dân chủ và trí tuệ của đại biểu trong thảo luận, phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm khi xem xét, quyết định các vấn đề của địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND tỉnh khóa XVII đã ban hành 83 nghị quyết; trong đó có nhiều nghị quyết chuyên đề có tính khả thi cao, sức lan tỏa lớn, phát huy hiệu quả và được đông đảo cử tri, nhân dân đánh giá cao. Ngoài các nghị quyết quy định chi tiết văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về biện pháp nhằm phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh và các nghị quyết có tính đặc thù phù hợp với điều kiện KT-XH của tỉnh.
Một hoạt động khác cũng được cơ quan dân cử thực hiện hiệu quả là tổ chức giám sát giữa các kỳ họp, gồm các hoạt động: Giám sát thường xuyên; giám sát chuyên đề; giải trình, chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách tái định cư Dự án Thủy điện Hủa Na và về tình trạng khai thác cát, sỏi. Mặc dù là hình thức giám sát mới nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Thường trực HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương, các phiên giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, được đại biểu và cử tri đánh giá cao.
Song song với đó, công tác tiếp công dân, đôn đốc, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp của các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản đảm bảo quy định pháp luật. Kỹ năng tiếp xúc cử tri của đại biểu được nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình KT-XH của địa phương.
Công tác chuẩn bị cho các kỳ họp HĐND được Thường trực HĐND TX Thái Hòa thực hiện nghiêm túc |
Về công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, Thường trực HĐND tỉnh đã chú trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tư pháp... và định kỳ tổ chức việc đánh giá tình hình thực hiện. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp tốt với Ủy ban MTTQ tỉnh trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước và đại biểu HĐND tỉnh, đóng góp ý kiến về xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát về các vấn đề có liên quan. Sự phối hợp chặt chẽ này đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND, một giải pháp cần tập trung thực hiện là tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để đảm bảo có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Bên cạnh đó, tùy điều kiện, tình hình cụ thể, đại biểu HĐND tỉnh thực hiện đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri như: Tự tiếp xúc, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua điện thoại; thư bưu điện, thư điện tử, mạng xã hội; báo, đài, cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác với hình thức linh hoạt.
Thực tế cho thấy, với sự củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, hoạt động của HĐND tỉnh đã có nhiều khởi sắc, tạo động lực cho sự phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Thùy Dương