Ô tô - Xe máy
Nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh chưa gắn thiết bị in chứng từ
(Congannghean.vn)-Theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BKHCN (gọi tắt là Thông tư 15) của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 1/7/2018, các cột đo xăng dầu phải có thiết bị in chứng từ bán hàng để cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hầu như các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa được gắn thiết bị in chứng từ.
Việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn, chứng từ tại mỗi cột bơm sẽ ngăn chặn hành vi gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Người tiêu dùng hưởng lợi
Tại Khoản 7, Điều 6, Thông tư 15 quy định: “Từ ngày 1/7/2018, cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng”. Chứng từ bắt buộc phải có các thông tin bao gồm tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; kiểu, ký hiệu, số serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán. Điều này không chỉ góp phần nâng cao văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp (DN) khẳng định việc kinh doanh tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch hóa thị trường xăng dầu cũng như hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua các chứng từ để giải quyết các tranh chấp, dấu hiệu gian lận thương mại.
Quy định in chứng từ bán hàng là để bảo vệ quyền lợi của chính khách hàng và kiểm soát tổng đầu ra. Việc in và cung cấp chứng từ là biện pháp để ngăn chặn gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Thông qua việc kiểm tra, đối chiếu số lượng nhập đầu vào và đầu xuất tại cửa hàng, cơ quan quản lý có thể xác định tình trạng mua thêm xăng dầu trôi nổi, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Mặt khác, việc này có thể giúp ngăn ngừa hành vi tiêu cực như “bơm chồng”, lấy mẫu xăng dầu để phát hiện trường hợp kém chất lượng. Sau đó, căn cứ vào những chứng từ bán hàng, có thể tính toán tổng gian lận và có giải pháp xử lý về hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu chủ DN xăng dầu có hành vi gian lận trong kinh doanh thì khách hàng có thể sử dụng các chứng từ bán hàng để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc bán thiếu xăng dầu. Hơn nữa, quy định mới cũng giúp cơ quan quản lý bao quát tốt hơn lĩnh vực của mình, góp phần lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường xăng dầu.
Doanh nghiệp lo ngại
Theo số liệu thống kê, tỉnh Nghệ An có hơn 400 DN kinh doanh xăng dầu với hơn 560 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Theo quy định tại Thông tư 15, các cửa hàng xăng dầu bắt buộc phải có thiết bị in chứng từ bán hàng để cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn “im hơi lặng tiếng” và tỏ ra “chưa sẵn sàng” với quy định này. Lý do được đưa ra là thói quen từ trước nên rất ít khách hàng yêu cầu in hóa đơn, chứng từ sau khi bơm xăng; đồng thời, chi phí lắp đặt các thiết bị liên quan đến việc gắn thiết bị in chứng từ khá cao. Các DN, đại lý nhỏ lẻ khi thực hiện quy định này đều phải cân nhắc, tính toán, nếu không sẽ gây khó khăn, giảm doanh thu.
"Chúng tôi vẫn biết quy định từ ngày 1/7/2018, cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng. Tuy nhiên, quy định này rất khó thực hiện đối với các cửa hàng xăng dầu vừa và nhỏ. Bởi nếu đầu tư thiết bị in chứng từ cho hàng chục trụ bơm bao gồm máy móc, hệ thống truyền dữ liệu, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, chi phí về giấy, mực... rất tốn kém. Trong khi đó, mỗi lít xăng chúng tôi lãi được vài trăm đồng cũng khiến doanh thu bị sụt giảm nên cần cân nhắc và tính toán", đại diện Cửa hàng xăng dầu Trường Thi, TP Vinh chia sẻ.
Cùng chung quan điểm trên, chủ Cửa hàng xăng dầu Tám Oanh trên Quốc lộ 1A cho biết: “Cửa hàng vừa nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc lắp thiết bị in chứng từ tại cây xăng. Tuy nhiên, DN vẫn đang lo ngại về vấn đề này, bởi vì cửa hàng chỉ có 2 cột bơm xăng, nếu phải lắp thiết bị in chứng từ sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, người tiêu dùng không mặn mà với quy định này, họ sẵn sàng “xả rác” ngay tại cây xăng, làm mất vệ sinh môi trường. Nếu khách hàng mua xăng yêu cầu in hoá đơn, chúng tôi sẽ xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Còn việc kiểm tra gian lận trong kinh doanh đã có đồng hồ tổng được lắp đặt ở mỗi trụ bơm để ngành thuế quản lý. Chúng tôi nghĩ như vậy là đủ rồi. Nếu yêu cầu thì DN phải chấp hành, tuy nhiên, việc lắp thiết bị in chứng từ là không thiết thực”.
Khi được hỏi, nhiều người dân cho rằng họ không biết về quyền lợi của mình. Anh Nguyễn Văn Hải trú tại TP Vinh chia sẻ: “Tôi chưa biết có quy định này. Lúc mua xăng cũng vẫn như mọi khi, không thấy nhân viên giao chứng từ gì. Theo tôi thì quy định này không cần thiết đối với người dân”.
Thông tư 15 không quy định cụ thể "phải gắn thiết bị in chứng từ cho mỗi cột đo xăng dầu" và "phải in chứng từ sau mỗi lần bơm xăng dầu cho khách hàng". Vì vậy, trường hợp có nhiều cột đo xăng dầu tại một địa điểm, có thể sử dụng chung thiết bị in chứng từ nhưng không được gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đối với những trường hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định cột đo xăng dầu phải có thiết bị in chứng từ bán hàng, sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP.
Cao Loan