Kinh tế xã hội

Tạo lực đẩy cho công nghiệp phát triển

10:55, 21/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Phát huy tối đa lợi thế phát triển công nghiệp mũi nhọn, thời gian qua, Nghệ An đã tập trung nhiều nguồn lực để tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển, vươn lên trở thành trung tâm về công nghiệp tại khu vực Bắc Trung Bộ. Để chuyển hóa “nội hàm”, nâng cao giá trị sản xuất, ngoài chính sách thông thoáng, thu hút doanh nghiệp (DN) mạnh thì việc đón đầu xu thế, kết hợp giữa phát triển và công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường là thách thức không nhỏ.

Hiện nay, theo thống kê, Nghệ An hiện có gần 1.000 DN công nghiệp, với vốn sản xuất, kinh doanh đạt 50.000 tỉ đồng. Thực hiện Quyết định 5441 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, phát triển công nghiệp với mục tiêu tập trung các nguồn lực phát triển nhằm thực hiện mục tiêu sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, có nền tảng kinh tế - văn hóa - xã hội và kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, thời gian qua, việc phát triển công nghiệp được đặc biệt coi trọng.

Công nghiệp phát triển là “chìa khóa” giải quyết “bài toán” lao động ở nhiều địa phương
Công nghiệp phát triển là “chìa khóa” giải quyết “bài toán” lao động ở nhiều địa phương

Thời gian qua, tỉnh đã có một số sản phẩm chủ lực làm xoay chuyển cục diện, tạo diện mạo công nghiệp mới của tỉnh. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có một số DN quan tâm đầu tư. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành và chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, đổi mới nâng cấp dây chuyền thiết bị các cơ sở hiện có để nâng cao sức cạnh tranh bền vững phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các DN công nghiệp cũng đã tạo công ăn việc làm cho hàng nhìn lao động, giải quyết “bài toán” an sinh ở nhiều cụm, khu công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp Nghệ An ước đạt hơn 24 nghìn tỉ đồng, tăng 21,16% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu phấn đấu cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 57.558 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2017.

Việc thu hút các DN đầu tư vào công nghiệp đã được lãnh đạo các cấp tập trung thực hiện. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ta so với mặt bằng chung của toàn quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Các DN công nghiệp hỗ trợ tại Nghệ An còn quá nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư, các dự án đang xây dựng trong tỉnh. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - một trong những ngành trọng điểm của Nghệ An thì hầu như chưa có gì. Trong khi đó, việc xây dựng chính sách thuận lợi, cơ sở hạ tầng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Công tác huy động nguồn vốn, nhất là xã hội hóa ở một số lĩnh vực còn gặp rào cản.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch và định hướng được những ngành nghề công nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương và của các DN trong tỉnh còn hạn chế nên việc phát triển công nghiệp của tỉnh đang gặp khó khăn. Nhiều DN công nghiệp trong tình trạng thiếu vốn sản xuất. Theo đó, nhu cầu vốn quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2025, có tính đến năm 2030 dự kiến là 356,7 nghìn tỉ đồng; trong đó: Giai đoạn đến năm 2020 dự kiến là 119,9 nghìn tỉ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 236,8 nghìn tỉ đồng. Việc đa dạng nguồn vốn, thu hút DN đang là yêu cầu đặt ra với các cấp ngành, địa phương, nơi được quy hoạch phát triển mạnh cụm, khu công nghiệp.

Xây dựng nguồn nhân lực đủ sức lĩnh hội ứng dụng tiên tiến của khoa học - kỹ thuật, chủ động trong công việc cũng là ý kiến mà nhiều chuyên gia mong muốn Nghệ An cần cải thiên. Bởi trên thực tế, công nghiệp Nghệ An nếu muốn chuyển hóa, đi vào chiều sâu thì lực lượng lao động phải đóng vai trò chủ chốt. Vì thế, cần nâng cấp, đổi mới hệ thống các tổ chức giáo dục đại học, dạy nghề trong tỉnh theo hướng tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển ngành, tổ chức liên kết ngành quản trị kinh tế, quản trị công nghệ... Trong đó, tạo mối liên kết giữa học tập và sản xuất, “đặt hàng” nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để đào tạo cũng là hướng đi thích hợp đối với một tỉnh có lực lượng lao động dồi dào như Nghệ An.

Trước mắt, để đạt được chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 của tỉnh là 57.558 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2017, UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, các tổ chức liên kết ngành phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ quảng bá và mở rộng kênh bán hàng để tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm bia, dệt may, và các sản phẩm tiêu dùng…Trong đó, mục tiêu là phát triển công nghiệp của tỉnh phải đảm bảo vừa khai thác tiềm năng, thế mạnh để nâng cao sức cạnh tranh vừa đón đầu xu thế hội nhập, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với các vấn đề an sinh xã hội; coi trọng chất lượng tăng trưởng, tính hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững.

Tuệ Trang

Các tin khác