Kinh tế xã hội

Nhiều cảnh báo cho nông sản Việt tại thị trường EU

09:54, 21/08/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
“Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU). Tuy nhiên, bên cạnh lượng hàng xuất khẩu cao, Việt Nam vẫn nằm trong “top” những quốc gia có số lô hàng bị EU từ chối nhập khẩu hoặc trả về cao nhất.
 
Đó là thông tin được các chuyên gia cảnh báo tại Hội thảo “Vượt qua hàng rào kỹ thuận của ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu sang EU, tổ chức ngày 17-8 tại TP Hồ Chí Minh.
 
Cùng với thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hiện thị trường EU chiếm 19% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, sau Hoa Kỳ (21%) và vượt xa các thị trường khác. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU vừa kết thúc vòng rà soát pháp lý và dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay.
 
Theo đó, EU cam kết sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế (trên 99%) đối với hàng hóa Việt Nam theo lộ trình cụ thể, trong đó có khoảng 85% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định này kỳ vọng giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức là đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật của EU, một trong những thị trường được đánh giá là có tiêu chuẩn cao nhất thế giới.
Nông sản Việt muốn vào thị trường EU phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định.
Nông sản Việt muốn vào thị trường EU phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định.
Mặc dù xuất khẩu lớn vào thị trường EU, nhưng số lần cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm từ phía nhà nhập khẩu EU đối với DN Việt Nam không phải là ít. Bà Marieke Van De Pijl – Đại diện của Eurocham thông tin: Trong năm 2017, EU có 77 cảnh báo đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 23 lô bị từ chối. Mấy tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 33 lô hàng bị cảnh báo. Thực tế, Việt Nam đã bị cấm nhập khẩu một số mặt hàng vào thị trường EU vì sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, kim loại nặng…
 
Trong đó có việc EU áp “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nếu không điều chỉnh tốt để EU rút “thẻ vàng” thì nguy cơ thành “thẻ đỏ”. Điều này đồng nghĩa với việc cấm tiếp nhận một số mặt hàng thủy sản. Đến lúc đó Việt Nam mất nhiều thời gian để chấn chỉnh hơn, đồng thời ảnh hưởng đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU do ảnh hưởng đến lòng tin.
 
Đồng thời, bà Marieke Van De Pijl cũng chỉ ra điểm yếu khiến các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị cảnh báo nhiều tại thị trường EU là do Việt Nam chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng, không kiểm tra từng công đoạn của chuỗi. Vì vậy, cần phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu này, để nông sản Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của nước xuất khẩu.
 
Đại diện của Eurocham thông tin thêm, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, sắp tới sẽ có nhiều rào cản buộc doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải có những giải pháp khắc phục hạn chế, để tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU. Yêu cầu đặt ra cho các DN Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, ngoài việc hàng hóa đảm bảo chất lượng, cần chú trọng các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ…
 
Đơn cử, hiện nay Việt Nam đang nhập nguyên liệu hạt điều từ các nước để chế biến và đóng gói trở thành xuất xứ Việt Nam. Nhưng sắp tới, sản phẩm sản xuất theo kiểu này sẽ không được công nhận là hàng xuất xứ Việt Nam, không được hưởng thuế suất ưu đãi.
 
Để DN ngành thực phẩm, nông sản Việt Nam hiểu rõ các hàng rào kỹ thuật của EU, cũng như những giải pháp trong việc thay đổi sản xuất theo hướng đổi mới và bền vững, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, Hội đang giúp DN xây dựng nhận thức hướng đến sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ về hệ sinh thái hàng Việt Nam chất lượng cao. Thỏa thuận hợp tác này nhằm trang bị nhận thức cho nông dân, DN vừa và nhỏ để cam kết chất lượng hội nhập.
 

Nguồn: CAND

Các tin khác