Kinh tế xã hội

Cần có quy hoạch chiều sâu khu công nghiệp

07:37, 15/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thực hiện chủ trương tập trung phát triển công nghiệp, trong thời gian qua, Nghệ An đã có nhiều kế hoạch, giải pháp lớn. Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là tạo đà đột phá cho nền công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, quan tâm quy hoạch và mở rộng khu, cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, thực trạng phần đất trống, bị bỏ hoang tại nhiều khu, CCN trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại, gây lãng phí tài nguyên.

Khu công nghiệp Bắc Vinh được xem là “điểm sáng” khi thu hút nhiều doanh nghiệp
Khu công nghiệp Bắc Vinh được xem là “điểm sáng” khi thu hút nhiều doanh nghiệp

Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 11 khu công nghiệp (KCN) lớn đã được quy hoạch xây dựng, trong đó có 6 KCN đã và đang xây dựng, đi vào hoạt động gồm: KCN Bắc Vinh (60 ha), KCN Tân Kỳ (600 ha), KCN Nghĩa Đàn (200 ha), KCN Sông Dinh (300 ha), KCN Tri Lễ (200 ha), KCN Phủ Quỳ (300 ha) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vào danh mục các KCN ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài ra, trên địa bàn Nghệ An còn có 17 CCN được quy hoạch xây dựng. Không thể phủ nhận kết quả tích cực mà các cụm, KCN mang lại cho Nghệ An. Tuy nhiên, mong muốn lấp đầy, tránh để đất trống tại nhiều KCN, CCN trên địa bàn để tránh lãng phí vẫn là thách thức không nhỏ với nhiều địa phương, các cấp, ngành liên quan.

Có thể thấy, tại nhiều địa phương vẫn xuất hiện tình trạng nhiều KCN, CCN chưa đầu tư cơ sở hạ tầng để triển khai dự án. Đến nay, mới chỉ có KCN Bắc Vinh là đã được lấp đầy 100%, KCN Nam Cấm 96,5%, còn lại các KCN khác vẫn còn nhiều diện tích đất trống. Bên cạnh các KCN lớn của tỉnh lãng phí đất thì còn khá nhiều CCN vừa và nhỏ của các huyện cũng đang trong tình trạng này, như ở Cụm tiểu thủ công nghiệp thị trấn Tân Lạc, CCN Yên Thành; CCN Nghĩa Mỹ, TX Thái Hòa; CCN Diễn Châu, Đô Lương… Thực tế cho thấy, sau khi nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp thì việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động lại diễn ra một cách ì ạch. Thậm chí, nhiều diện tích tại các KCN trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang, gây lãng phí tư liệu sản xuất.

Để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, điều quan trọng cốt lõi đầu tiên là giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, đây là “công đoạn” thường kéo dài, chậm tiến độ hơn do liên quan đến nhiều phía. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có “đất sạch”, nhiều doanh nghiệp dù đã đăng ký nhưng khả năng tài chính, tiềm lực cũng không thể triển khai như mong muốn. Nhiều năm qua, Nghệ An đã tập trung rà soát, chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi các dự án chậm tiến độ. Giải pháp này cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, nhất là việc thẩm định năng lực cạnh tranh cũng như văn bản cam kết thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp, việc cơ sở hạ tầng chưa thật sự đồng bộ cũng là rào cản khiến họ thiếu mặn mà khi chọn lựa, triển khai dự án. Mặt khác, mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng cơ bản ở Nghệ An vẫn còn chưa cao. Theo Quyết định 45/2015/QĐ-UBND tỉnh ngày 26/8/2015 về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng các hạng mục trong hạ tầng CCN gồm đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước nội bộ mức hỗ trợ tối đa không quá 6 tỉ đồng đối với vùng miền núi và 5 tỉ đồng vùng đồng bằng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ này quá thấp trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Mục tiêu mà Nghệ An đặt ra là trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2030; phấn đấu tỉ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 40%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30%. Để hiện thực và cụ thể hóa kết quả đó, việc hình thành cụm, KCN công nghệ cao, hình thành chuỗi liên kết được xem là cơ sở, nền móng quan trọng để thu hút các doanh nghiệp chiến lược, phát triển đa dạng lĩnh vực công nghiệp.

Nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ, tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh một cách có hiệu quả, bền vững tại tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, việc chọn lựa, xây dựng các khu, CCN cần đi vào chiều sâu hơn nữa, tránh chạy theo số lượng. Huyện, thành, thị nào cũng muốn thu hút và mở rộng khu, CCN, tuy nhiên, tỉnh cần nghiên cứu, rà soát để phát triển về chất, tránh dàn trải, lãng phí.

Tuệ Trang

Các tin khác