Liên quan đến vụ việc Formosa, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai trước nhân dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ điều này trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ 7/2016.
Sớm công bố kết quả kiểm tra môi trường biển
Vụ việc liên quan đến Formosa được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí dẫn lại phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Qua đó, báo chí đề nghị cho biết đến nay đã có kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung hay chưa? Môi trường biển hiện nay đã an toàn cho đánh bắt thuỷ hải sản và các dịch vụ tắm biển chưa? Chính phủ sẽ có phương án như thế nào để sớm khôi phục hệ sinh thái biển miền Trung?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng trăm km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực.
Hiện Bộ TNMT đang cùng với các Bộ, ngành chức năng khác như: Bộ NNPTNT, Bộ Y tế,... tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông nhấn mạnh, "kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất" và cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TNMT xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường
Liên quan đến xử lý chất thải rắn của Formosa và sự việc các công ty, nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường trong thời gian gần đây, báo chí đề nghị Người phát ngôn cho biết quan điểm của Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường rất rõ ràng: Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Theo đó, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện. Do đó, ngày 20/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan Nhà nước…, đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.
Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh
Liên quan đến việc xử lý chất thải rắn của Formosa, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho biết sẽ kiểm kê lại toàn bộ chất thải của DN này thông qua số vừa rồi đã thu gom, qua số còn trong nhà kho, số trong hợp đồng ký kết và xử lý. Từ đấy tiếp tục tìm ra xem, còn ở đâu không, còn DN Hà Tĩnh nào đã nhận chất thải công nghiệp này cố tình đổ chất thải ra môi trường không đúng quy định không? Bộ đang yêu cầu kiểm tra chặt chẽ dựa trên số liệu thống kê chất thải Formosa.
Về xử lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng hành vi một DN cố tình đưa chất thải công nghiệp đã quy định cần có nơi chôn đúng điều kiện quy chuẩn đổ ra môi trường, như trường hợp công ty môi trường Kỳ Anh, là nghiêm trọng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây không phải lần đầu, mà là cố ý, có nhiều người thực hiện. Bộ đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an Hà Tĩnh kiểm tra xem xét. Nếu đúng là hành vi cố ý, có tổ chức, sẽ xử lý nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật. Còn với Formosa thực hiện không đúng, chưa phân loại kiểm đếm, thống kê chất thải, cung cấp cho nhà xử lý chưa đủ năng lực vận chuyển như vậy cũng là vi phạm.
Bộ trưởng TNMT chia sẻ thêm, hiện nay chất thải Formosa gồm nhiều nguồn, chất nguy hại lưu giữ trong kho, trong bể công nghiệp, sinh hoạt… Bộ TNMT rất thận trọng trong việc phân tích, qua vài phòng thí nghiệm đối chứng, qua kết quả của Hà Tĩnh phân tích lại. Vì nếu làm sai sẽ liên quan đến nhiều chuyện, người ta hoàn toàn kiểm chứng được. Bộ khẳng định phải xử lý đúng mức độ, hành vi vi phạm.
Bộ TNMT cũng yêu cầu ngay từ giờ phải thống kê toàn bộ chất thải, đồng thời với loại chất thải, kể cả chất thải từ bể công nghiệp thông thường, cũng như là nguy hại. Đề nghị đến thời điểm này coi như là chất thải nguy hại, phải có kế hoạch lựa chọn DN có năng lực vận chuyển xử lý, đồng thời có báo cáo thường kỳ với cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu Formosa phải báo cáo trực tiếp Bộ TNMT.
Để giải quyết, Bộ TNMT đã tăng cường lực lượng đáng kể. Việc này rất khó, nhưng hiện đã có 2 phòng thí nghiệm di động kiểm soát toàn bộ chất thải Formosa, đồng thời cùng họ lên kế hoạch khắc phục sự cố trước đây liên quan đến công nghệ, liên quan đến hệ thống xử lý, đến công trình để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, hệ thống giám sát môi trường như các bể lắng…, có đủ thông số, đặc biệt thông số ô nhiễm môi trường biển.
Lần này, Bộ TNMT tiếp tục yêu cầu Formosa có kế hoạch rõ ràng trong thống kê, kê khai rất cụ thể xử lý chất thải thông thường cũng như nguy hại. Hiện nay, DN này cũng có những khó khăn khách quan, đó là Hà Tĩnh phải có quy hoạch khu xử lý chất thải công nghiệp, nhưng hiện tại ở Hà Tĩnh chưa tìm được DN có năng lực, chưa có sức hút đưa các DN môi trường vào. Do đó, buộc Formosa phải tìm DN có năng lực ngoài tỉnh. Hà Tĩnh sẽ cùng Bộ TNMT giám sát từ khâu đưa chất thải đi đến các khâu xử lý cuối cùng. Còn về sau trong kế hoạch xử lý chất thải của Formosa phải có kế hoạch cụ thể để giám sát xử lý chất thải.
Trong phần phát biểu kết thúc buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Đối với dự án Formosa, hiện đang giao cho Bộ Tư Pháp kiểm tra toàn diện tính pháp lý; giao Bộ KHĐT, TNMT rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép, cấp xả thải của các cơ quan và tỉnh Hà Tĩnh. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai trước nhân dân.