Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201607/dong-ruong-chay-kho-vi-ho-dap-tro-day-691257/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201607/dong-ruong-chay-kho-vi-ho-dap-tro-day-691257/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đồng ruộng cháy khô vì hồ đập trơ đáy - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 30/07/2016, 09:18 [GMT+7]

Đồng ruộng cháy khô vì hồ đập trơ đáy

(Congannghean.vn)-Nắng nóng kéo dài khiến nhiều sông, hồ trên địa bàn xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cạn kiệt nước. Hệ lụy của nó là nhiều đồng ruộng cháy khô dẫn đến cuộc sống người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Đập Dình về mực chết, các giếng xung quanh cũng cạn theo
Đập Dình về mực chết, các giếng xung quanh cũng cạn theo

Nhiều năm trở lại đây, cứ vào mùa khô, người dân 2 xóm Ngọc Sơn và Đại Long, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh lại rơi vào cảnh khốn khổ khi không có nước uống và sinh hoạt hàng ngày. Đập Dình, nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho hai xóm đã trơ đáy hàng tháng trời, đất đai nứt nẻ, đồng ruộng khô héo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau hơn 50 năm sử dụng, đập Dình đã bị bồi lấp một phần diện tích và nhiều hạng mục quan trọng chưa được xây dựng. Đập có diện tích khoảng hơn 20 ha, trữ lượng khoảng 35.000 m3, là nơi cung cấp nguồn nước chính để phục vụ cho sinh hoạt của 1.150 nhân khẩu và hơn 50 ha lúa của 2 xóm Ngọc sơn và Đại Long. Đập đã có từ lâu, nhưng do hàng năm không được tu bổ, nạo vét, cải tạo nên bị xuống cấp nghiêm trọng, cùng với đó là nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khốn khổ vì thiếu nước trầm trọng.

Ông Lê Tiến Hồng, phụ trách thủy lợi xóm Ngọc Sơn cho biết: “Chưa bao giờ nắng hạn lại kéo dài như hiện nay. Đập cạn, nước giếng khoan cũng cạn. Người dân phải chia nhau từng lít nước. Bây giờ, đang vào thời kỳ lúa trổ bông mà không có nước khiến lúa khô héo hết. Cả tuần nay chúng tôi chạy vạy đủ đường như huy động sức dân, máy móc đào hệ thống kênh mương để xin dẫn nước từ xã khác về nhưng đến nay vẫn chưa có nước. Nếu cứ đà này thì vụ mùa này coi như mất trắng”.

Ông Nguyễn Công Châu, Xóm trưởng xóm Ngọc Sơn cho biết thêm: “Hơn 3 tháng nay, người dân chúng tôi chao đảo vì thiếu nước. Mùa này, cả 2 xóm có gần 30 ha diện tích lúa phải bỏ hoang vì không có nước. Nước sinh hoạt thì chắt chiu từng chút một cũng không đủ. Ban đầu, người dân chia sẻ nguồn nước với nhau, nhưng nay gần như các giếng đều khô cạn, người dân phải mua nước bình về uống và sinh hoạt”.

Vì không có nguồn nước sinh hoạt, gia đình ông Lê Cờ Trần Công Ninh phải đầu tư gần 20 triệu đồng để khoan 3 giếng, có giếng sâu đến 35 m, nhưng đến thời điểm hiện tại đều không có nước. Vì thiếu nước nên bà con không thể chăn nuôi gà, vịt, trâu, bò, lợn… Nhiều trang trại nuôi lợn, sau khi xuất lứa lợn vào tháng 5 đã phải dừng nuôi đến nay. Cả 2 xóm Ngọc Sơn và Đại Long có 4 giếng làng, chưa kể hàng trăm giếng của các hộ gia đình nhưng cùng chung tình cảnh trơ đáy. Nhiều hộ trong xóm mua xô, chậu, can... để xuống các xã vùng dưới như Thạch Vĩnh, Thạch Lưu, Thạch Đài xin nước về dự trữ để dùng.

Nhìn từ thôn Đại Long ra cánh đồng khô hạn đang bỏ hoang mới thấm hết những nỗi niềm của người dân. Cách đập Dinh chỉ một bờ đê mà hàng chục ha lúa bị bỏ hoang khiến cho chúng tôi cũng không khỏi xót xa. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, bám ruộng để sống, nhưng nay nước không có, ruộng bỏ hoang, người dân đứng trước nguy cơ cái đói đang cận kề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc xác nhận về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn xã. “Rút kinh nghiệm những năm trước, để chủ động ứng phó, năm nay chúng tôi đã vận động bà con chuyển đổi được 8 ha lúa sang trồng ngô. Đối với diện tích lúa đã gieo trồng, chúng tôi thuê máy bơm bơm trung chuyển 2, 3 chặng để “cứu” lúa qua giai đoạn này. Tuy nhiên, về lâu dài, biện pháp tốt nhất vẫn là nạo vét lòng đập Dình, có hệ thống trạm bơm điện và làm cống xả lũ. Chính quyền địa phương đã có tờ trình lên cấp có thẩm quyền xin nạo vét, nâng cấp đập Dình, giờ đang chờ sự cho phép của cấp trên”, ông Hải cho biết.

Đập Dình hiện nay đã cạn kiệt, dẫn đến nguồn nước sinh hoạt, giếng khoan của bà con cũng khô cạn theo. Vì vậy, việc nạo vét đập Dinh để trữ nước là rất cần thiết, giúp gần 300 hộ dân hai xóm Ngọc Sơn và Đại Long giải tỏa “cơn khát” trong mùa hạn hán và thoát cảnh “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập úng”. Về lâu dài, xã Thạch Ngọc rất cần được đầu tư hệ thống thủy lợi cung cấp nước đồng bộ, ổn định mới có thể chống chọi với tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.

.

Thu Hường - Đức Phú

.