Kinh tế xã hội

Hàng chục ha ngô vụ Đông nảy mầm kém

Trách nhiệm thuộc về ai?

08:41, 05/11/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Vụ Đông năm nay, toàn xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương gieo trồng 75 ha giống ngô DK 6919, do Công ty Giống cây trồng miền Nam cung ứng. Sau khi gieo trồng được một nửa diện tích, người dân phát hiện có 26 ha tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt dưới 50%. Tình trạng này còn diễn ra tại xã Đặng Sơn khiến những xã gieo trồng sau như Trung Sơn, Thuận Sơn, Bắc Sơn phải chạy đi đổi giống.

Vì sao hàng chục ha ngô nảy mầm kém?

Sau khi người dân đăng ký giống, HTX NN xã Lưu Sơn lên Trạm Giống cây trồng huyện lấy 1,5 tấn ngô giống DK 6919 về cung ứng cho bà con. Đến giữa tháng 9, người dân Lưu Sơn tiến hành gieo trồng. Nhưng một tuần sau, khi ra thăm đồng, người dân xóm Hồng Phong tá hỏa phát hiện, tỉ lệ nảy mầm quá thấp.

Theo thống kê của UBND xã Lưu Sơn, số diện tích có tỉ lệ nảy mầm dưới 50% (mất trắng) chiếm tới 26 ha, một số diện tích chỉ đạt tỉ lệ nảy mầm dưới 70%. Do đang trong thời điểm thời tiết tốt, người dân ra đồng sản xuất rộ nên UBND xã Lưu Sơn báo lên UBND huyện và Trạm Giống cây trồng, đơn vị cung ứng trực tiếp xuống tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục sớm. Nhiều hộ dân đã chủ động tìm giống để tiếp tục gieo trồng, trồng dắm cho kịp lịch thời vụ.

1905 up.zip
Giống ngô DK 6919 nảy mầm kém khiến người dân Lưu Sơn lo lắng chậm lịch thời vụ

Ông Trần Minh Thuận, Xóm trưởng xóm Hồng Phong cho biết: “Xóm đã thu toàn bộ số vỏ bao, nhãn giống ngô DK 6919. Qua kiểm tra mới biết, trong cùng một bì (chứa nhiều bao giống loại 1 kg) lại có nhiều hạn sử dụng khác nhau. Hạn sử dụng cũ nhất là hết tháng 10/2014, hạn mới nhất là đến tháng 1/2015.

Dù thời gian gieo trồng vẫn nằm trong hạn sử dụng, quy trình gieo trồng được người dân tuân thủ, nhưng không hiểu sao, tỉ lệ nảy mầm lại kém như vậy? Những hạt nảy mầm cũng sinh trưởng, phát triển kém, không đồng đều, thân nhỏ, lá quăn. Hộ mất trắng nhiều nhất lên tới 3.300 m2. Điều này chưa xảy ra tại xóm chúng tôi bao giờ”.

TIN LIÊN QUAN

Thực trạng này cũng xảy ra tại các xóm 2, 3, xã Đặng Sơn. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 11, cán bộ và nhân dân xã Đặng Sơn vẫn chưa có báo cáo cụ thể về số diện tích nảy mầm kém và diện tích mất trắng lên cho UBND huyện để tìm hướng xử lý. Một số xã lân cận, sau khi nghe thông tin về việc ngô DK 6919 nảy mầm kém, các HTX đã chủ động lên gặp Trạm Giống cây trồng Đô Lương để đổi. Riêng xã Thuận Sơn, toàn bộ số giống gồm 1,3 tấn đã được đem đi đổi.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 6/10/2014, Công ty CP Giống cây trồng Nam An - nhà phân phối giống DK 6919 tại Nghệ An đã về làm việc, xác định nguyên nhân. Sau khi lấy mẫu tại một số bao bì khác nhau để ươm thử, tỉ lệ nảy mầm lại đạt trên 90%. Diện tích nảy mầm kém chủ yếu nằm ở các chân ruộng, thửa đất cao, đất khô và thuộc vào nhóm bao bì có thời hạn sử dụng ở các tháng 10, 11, 12/2014.

Riêng nhóm có hạn sử dụng đến tháng 1/2015 lại đạt tỉ lệ nảy mầm cao. Từ đó, nguyên nhân khiến tỉ lệ nảy mầm đạt thấp được xác định là do nhiều chân ruộng trước khi gieo trồng khan nước, độ ẩm thấp; sau khi gieo trồng, gặp trời mưa to khiến đất bị nén, sệp khiến ngô không thể nhú mầm lên khỏi mặt đất (?).

Việc các gói sản phẩm có nhiều hạn sử dụng khác nhau trong cùng một bao bì, Công ty CP Giống cây trồng Nam An đã nhận trách nhiệm là do sơ suất trong quá trình đóng gói sản phẩm (?).

Trước tình hình này, với chính sách hỗ trợ nhà nông, Công ty CP Giống cây trồng Nam An đã cấp đổi 600 kg giống DK 6919 có thời hạn sử dụng mới để bà con kịp thời trồng dắm, một số hộ phải chấp nhận cày bừa để trồng mới hoàn toàn. Hiện tại, các xã bị thiệt hại đang tiếp tục thống kê danh sách, với những hộ đã chủ động tìm giống trồng dắm, Công ty sẽ có phương án hỗ trợ khác.

Hiện nay, cánh đồng ngô tại xã Lưu Sơn và một số xã cơ bản đã được khép kín, đảm bảo tiến độ kế hoạch cây trồng vụ Đông. Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Thuận, việc phải trồng dắm lại sẽ khiến lịch thời vụ chậm mất 1 - 2 tuần. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2015.

Bên cạnh đó, một số người dân còn yêu cầu đơn vị cung ứng phải hỗ trợ thêm phân bón và ngày công lao động. Tuy nhiên, theo ông Thuận, đơn vị cung ứng đã có thiện chí khắc phục hậu quả thì người dân cũng nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm này.

Văn Dũng

Các tin khác