Kinh tế xã hội
Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá có thể lên tới 75%
14:00, 04/11/2014 (GMT+7)
Tối 3/11, tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Đại biểu Quốc hội với chính sách, pháp luật về thuế thuốc lá”. Đây là dịp để các chuyên gia thông tin về tình hình thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay, từ đó đề xuất với các đại biểu Quốc hội trong việc góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo của Bộ Tài chính về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, trong đó tập trung vào nội dung thuế đối với thuốc lá. Theo đó, Ban soạn thảo Dự án luật thấy rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Qua nghiên cứu, rà soát, Ban soạn thảo Dự án luật đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo để đề xuất phương án tăng thuế TTĐB với thuốc lá từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018. Cụ thể, từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2017 là 75%. Từ ngày 1/1/2018 là 85%.
Đối với câu hỏi liệu tăng thuế có ảnh hưởng đến tình trạng buôn lậu thuốc lá, số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam về thuốc lá lậu ở Việt nam từ năm 2007 đến năm 2013 cho thấy số lượng thuốc lá buôn lậu tăng hay giảm không liên quan đến các thời điểm tăng thuế. Thậm chí, số lượng thuốc lá lậu có sự sụt giảm từ năm 2009 (là thời điểm sau khi tăng thuế năm 2008) từ 870 triệu bao xuống 750 triệu bao vào năm 2011. Trong khi đó, năm 2014, thuế thuốc lá còn chưa tăng, nhưng theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lượng thuốc lá buôn lậu tăng đột biến 30% trong 5 tháng đầu năm 2014.
Các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá |
Theo lý thuyết, sự khác biệt về thuế và giá thuốc lá giữa các nước sẽ làm gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, việc buôn lậu thuốc lá còn do rất nhiều nguyên nhân như: hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu, khả năng kiểm soát tại các biên giới; khả năng kiểm soát sản phẩm thuốc lá buôn lậu tại mạng lưới bán lẻ thuốc lá của các nước; mức độ minh bạch hay tham nhũng trong công tác chống buôn lậu của các nước...
Do đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát buôn lậu thuốc lá, đồng thời xem xét khả năng tăng thuế bởi các lợi ích sức khỏe và kinh tế đạt được từ việc tăng thuế lớn hơn rất nhiều các tổn thất về buôn lậu. Theo tính toán, nếu với mức tăng thuế từ 65% hiện nay lên 105% năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018 thì tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế thuốc lá giai đoạn 2015 - 2020 sẽ là 230.494 tỷ đồng. Quan trọng hơn, mức tăng thuế này sẽ ngăn ngừa được rất nhiều thanh thiếu niên Việt Nam hút thuốc và ngăn ngừa được 726.000 ca tử vong sớm đến năm 2020 do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Theo đánh giá của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), mức tăng thuế thuốc lá thấp sẽ tạo cơ hội cho một thế hệ trẻ trở thành người hút thuốc. Gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế cho việc điều trị và giải quyết các hậu quả về mặt xã hội của các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trong tương lai sẽ tiếp tục gia tăng.
Hiện nay, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Năm 2013, hơn 23 nghìn tỷ đồng là tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm chỉ cho 5 nhóm bệnh ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra. Số tiền này có thể xây dựng được hàng trăm trường học, trạm y tế, giúp hàng triệu hộ nghèo có thể thoát nghèo.
Đồng tình với các chuyên gia tại Hội thảo, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mức thuế TTĐB với thuốc lá tăng bình quân 1,7%/năm từ nay đến năm 2020 là quá khiêm tốn trong khi chỉ số trượt giá có những năm tăng đến 8,9% và mức tăng trưởng bình quân khoảng 5,8%. Tuy nhiên, vấn đề con số tăng cụ thể thế nào, lộ trình ra sao thì cần phải cân nhắc. Các đại biểu cũng kiến nghị mục đích tăng thuế là giảm người hút thuốc chứ không phải tăng ngân sách, vì vậy phần tăng thêm ngân sách nên chi lại cho bảo hiểm y tế và trích một phần cho công tác phòng, chống buôn lậu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng phải coi trọng, chúng ta đưa ra chính sách mà không tuyên truyền thì người dân cũng khó có thể biết và thực hiện.
Nguồn: dangcongsan.vn