Kinh tế xã hội
Chuyện con ốc vít và giấc mơ đẳng cấp quốc tế
14:17, 03/11/2014 (GMT+7)
Trong bối cảnh tiềm lực hiện tại, việc phân bổ nguồn lực đầu tư thế nào vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hay xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ cao đang là bài toán mà các DN cũng như các nhà quản lý như hết sức quan tâm.
Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt" tổ chức tại Hà Nội, ngày 1/11. |
Đây là nội dung được trao đổi tại diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1/11.
Con ốc vít có làm được và bắt buộc phải làm?
Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận sôi nổi về việc gần đây dư luận xôn xao trước thông tin Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam.
Chưa dừng tại đó, đại diện Canon Việt Nam cũng tuyên bố DN trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN nhận xét: “Câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam.
Có lẽ bất kỳ sinh viên kỹ thuật ở một trường đại học Việt Nam nào cũng có thể trả lời được liệu chúng ta có thể sản xuất được ốc vít đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường hay không. Nhưng chắc chắn rằng sẽ chẳng có DN nào sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra một mớ ốc vít đạt chuẩn nhưng chẳng biết lắp vào đâu, dùng vào đâu”.
Và dường như “chiếc ốc vít - DN Việt Nam” còn lúng túng khi lắp ghép vào đâu trong “cỗ máy kinh tế toàn cầu”.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng việc các DN Việt Nam bị đánh giá thấp qua câu chuyện con ốc vít là có cơ sở nhưng chưa hoàn toàn đúng. Các DN nước ngoài đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam nhưng không phải là DN Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản.
Dưới góc độ DN, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV chia sẻ thông tin thú vị: “Chiếc Iphone 6, giá khoảng 20 triệu đồng, được lắp ráp từ linh kiện của 100 nhà sản xuất: Pin của hãng Amperx, Chíp sóng của hãng Qualcomm, Bộ nhớ của hãng Sky, Camera của Sony… Nhưng tổng giá thành này chỉ khoảng 6 triệu đồng. Nghĩa là mỗi nhà sản xuất chỉ được hưởng 60.000 đồng/sản phẩm.
Như vậy, hãng Apple nắm công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, marketing… hưởng tới 14 triệu đồng/sản phẩm, tức là gấp hơn 2 lần 100 nhà sản xuất linh kiện. Nếu Việt Nam đầu tư để làm được sạc điện thoại di động thì sẽ chỉ thu được 10.000 đồng/sản phẩm, còn nếu làm ốc vít thì số lãi sẽ tính bằng vài chục đồng, không đáng kể”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: DN Việt Nam bị đánh giá thấp qua câu chuyện con ốc vít là có cơ sở nhưng chưa hoàn toàn đúng. |
Tăng cường kết nối, đầu tư trọng tâm
Qua ví dụ trên, ông Thắng cho rằng tập trung phát triển sản phẩm công nghệ cao mới là hướng đi mới cho sản phẩm Việt.
“Cách đây 10 năm Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng là nghiên cứu, thiết kế phát triển… với 4 vấn đề tập trung: Nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa DN, vốn”, vị lãnh đạo này cho biết. Và dù mới tham gia lĩnh vực SmartHome 1 năm trở lại đây, còn rất sơ khai song sản phẩm của Bkav đang tạo dựng chỗ đứng trên thị trường.
Có cùng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định chúng ta thừa sức để sản xuất ốc vít, vấn đề là có đáng để làm hay không?
“Tôi cho rằng không nhất thiết cái gì cũng cần phải đẳng cấp quốc tế. Câu chuyện lại trở về việc lựa chọn lợi thế so sánh với sản phẩm mà DN lựa chọn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ Đình Ánh nói.
Nhấn mạnh yếu tố kết nối, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Thanglongtech cho rằng DN vẫn loay hoay chưa làm được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu không phải do kém mà vì thiếu liên kết với nhau.
Bàn về các hướng đi cho sản phẩm Việt, TS.Vũ Tiến Lộc cam kết VCCI sẽ đồng hành cùng các DN để có chương trình cụ thể, thiết thực hỗ trợ các DN trong việc trang bị công nghệ thông tin bao gồm cả việc sáng tạo sản phẩm "made by Vietnam" chứ không chỉ "made in Vietnam".
Nguồn: Chinhphu.vn