Kinh tế xã hội

Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi biển

08:57, 03/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hiện nay, khi các phương tiện khai thác hải sản ngày một gia tăng, với công suất và khối lượng lớn hơn thì mức độ khai thác hải sản ngày càng tăng, nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi biển càng lớn. Chính vì vậy, để tăng cường bảo vệ nguồn lợi biển, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các ngư dân trong việc khai thác hải sản trên biển.
 
Ngư dân Nguyễn Văn Cần, chủ tàu cá NA-95070 ở thôn 7, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ có khá nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản. Anh hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đối với mình cũng như bà con ngư dân nói chung. Anh tâm sự: Mình sống bằng nghề biển nên hiểu biển là tài nguyên quý giá. Nó đã nuôi sống mình cũng như nhiều bà con ngư dân, vì vậy phải trân trọng và bảo vệ nó.
Ngư dân Nghệ An thường xuyên được lực lượng kiểm ngư tuyên truyền về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển
Ngư dân Nghệ An thường xuyên được lực lượng kiểm ngư tuyên truyền về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển
Mặt khác, sau những chuyến nghỉ trăng, anh Cần thường tranh thủ thời gian để tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn liên quan đến việc khai thác hải sản do cấp trên tổ chức. Anh còn thường xuyên cập nhật những thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của xã hay những văn bản quy định của Nhà nước về vấn đề khai thác. Anh Cần nói thêm:“Quy định đánh thì mặt lưới từ 15 đến 12a. Nếu đánh như vậy sẽ giữ được con mực và con cá nhỏ, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Không dùng phương pháp nổ mìn mà chỉ đánh bắt bình thường theo kiểu dân gian”.
 
Xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu hiện có 255 phương tiện khai thác, trong đó trên 200 chiếc công suất từ 90 CV trở lên khai thác xa bờ. Khai thác hải sản là ngành kinh tế đem lại thu nhập cao, chiếm trên 50% tổng thu nhập của địa phương. Những năm qua, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã Sơn Hải cũng đã tạo mọi điều kiện để bà con ngư dân vay vốn đóng tàu to, máy lớn, vươn khơi xa.
 
Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên khuyến cáo bà con: Khai thác, phát triển kinh tế gia đình nhưng mỗi ngư dân cũng phải biết giữ gìn nguồn lợi biển. Vì vậy, để nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm cho ngư dân, xã Sơn Hải đã thường xuyên lồng ghép vào các lớp tập huấn về thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và các cuộc hội nghị, đặc biệt, thông qua họp xóm và tuyên tuyên trên loa truyền thanh.
 
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Để tiếp tục tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản của biển Việt Nam, hàng năm, UBND xã đều có kế hoạch triển khai kịp thời, mời các thuyền trưởng lên để tập huấn và vận động, tuyên truyền các quy định của Nhà nước về cấm khai thác trong vùng lộng đối với tàu có công suất 90 CV. Hàng tháng, hàng tuần, đài Truyền thanh xã luôn luôn tuyên truyền, sau những chiều câu ở biển về để thuyền trưởng và các thuyền viên biết”.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân mà nhiều năm nay, ở xã Sơn Hải không xảy ra vụ việc đánh bắt hải sản trái phép nào. Mặt khác, nhiều ngư dân đã ý thức được tầm quan trọng của biển nên đã cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi biển.

Thúy Nga

Các tin khác