Kinh tế xã hội
Phạt ngân hàng nếu để ATM hết tiền: Ai sẽ giám sát?
08:20, 04/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ ngày 12/12 tới, ngân hàng (NH) nào để máy giao dịch tự động ATM hết tiền, hoặc không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng. Quy định này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra đó là, ai sẽ kiểm soát và giám sát vấn đề này?
Theo các chuyên gia, có xử phạt nghĩa là phải có khâu kiểm tra, xác minh nguyên nhân máy ATM hết tiền. Vì thế, ngân hàng nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) phải sẵn sàng về công tác chuẩn bị, cũng như khối lượng nhân sự cần thiết.
Phạt hay không chỉ là một phần của câu chuyện; các ngân hàng cần tạo dựng thương hiệu, uy tín dịch vụ để giữ khách hàng - Ảnh minh họa |
Công tác chuẩn bị, tạo dựng niềm tin
Giao dịch qua thẻ ATM cũng như các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến trong xã hội hiện nay. Song trên thực tế, việc sử dụng thẻ ATM có lúc khiến người dân chưa thực sự hài lòng vì những sự cố của nó.
Phần lớn sự bất tiện mà khá nhiều chủ thẻ gặp phải là tình trạng tài khoản vẫn bị trừ dù không rút được tiền, khiếu nại thì NH phục hồi lại tài khoản. Một phiền toái khác mà khá đông khách hàng gặp phải là tình trạng máy ATM “nằm ngoài vùng phủ sóng”, không thể giao dịch hoặc... hết tiền, thường xảy ra vào những ngày cuối tuần và lễ, Tết. Đáng nói là khi gặp các sự cố này, nhiều chủ thẻ không biết khiếu nại ai và đành tìm đến... các cơ quan báo chí.
“Có nhiều lúc đang rất cần tiền nhưng khi đến rút lại không có, nhất là vào những kỳ nghỉ lễ hoặc Tết. Trường hợp này chúng tôi thường xuyên gặp phải”, ông Lê Văn Quyền, khách hàng ở TX Hoàng Mai bức xúc.
Vì thế, quy định của Chính phủ, nếu NH nào để ATM hết tiền có thể bị phạt lên đến 15 triệu đồng đã nhận được nhiều đồng thuận từ phía người dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, số tiền phạt 10 - 15 triệu đồng nếu NH để trụ ATM hết tiền là quá nhẹ, e rằng sẽ vẫn không tránh khỏi tình trạng hết tiền, lỗi máy… Theo ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc NHTM CP Quân đội (MB): “Phạt tiền chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng ở đây là thương hiệu, uy tín dịch vụ của NH, để từ đó giữ được khách hàng”.
Việc giữ cho các cây ATM luôn đủ tiền đang đặt các NH trước khá nhiều việc phải làm. Tại NH Ngoại thương Vinh, đơn vị đầu tiên trong hệ thống NH tại Nghệ An triển khai dịch vụ ATM. Đến nay, đã xây dựng được 25 cây ATM trên địa bàn TP Vinh, TX Cửa Lò và huyện Diễn Châu với hơn 250 nghìn thẻ ATM. Để thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về sử dụng cây ATM, đơn vị đã và đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp các cây ATM đã xảy ra sự cố, cũng như lắp đặt các công nghệ hiện đại tiện ích, phục vụ nhu cầu người sử dụng.
NH Ngoại thương Vinh đã sẵn sàng đủ điều kiện để áp dụng Nghị định 96. Tuy nhiên, để Nghị định này đi vào thực tế, NHNN cần đưa ra những văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi xử phạt các hoạt động dịch vụ của NH, trong đó có dịch vụ ATM”, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Thanh toán thẻ, NH Ngoại thương Vinh khẳng định.
Ai giám sát, thực hiện?
Ông Đặng Quốc Tiến cho rằng: Để các máy ATM không bị hết tiền không khó, nhất là hiện nay, việc thanh khoản ở các NH rất dồi dào, trang thiết bị công nghệ ngày càng được nâng cấp và chất lượng dịch vụ được nâng cao. Đồng thời, ông Tiến cũng giải thích, các NH có 3 vấn đề quan tâm để đảm bảo máy ATM không hết tiền. Về mặt tổ chức, NH luôn luôn phải có đội tiếp quỹ, kiểm quỹ, thay quỹ ATM; hệ thống công nghệ thông tin theo dõi thường trực để biết được tài khoản của từng máy còn bao nhiêu tiền và dự đoán khả năng bao lâu thì hết tiền; sự liên kết giữa các NH với nhau để sẵn sàng cho khách hàng rút tiền khi có nhu cầu.
“Ngân hàng đã thành lập Ban quản lý ATM. Tại đơn vị chi nhánh, Ban quản lý ATM có trách nhiệm thường xuyên giám sát tất cả các hoạt động của các máy ATM trên địa bàn. Đồng thời, có các đường dây nóng, số điện thoại tại các máy ATM để khi có sự cố, khách hàng có thể liên lạc ngay 24/24 giờ”, ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc NHTM CP Công thương Bến Thủy cho hay.
Còn về phía NHNN, theo quan điểm TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT BIDV, sẽ vất vả và khó khăn khi xác minh nguyên nhân cụ thể máy ATM bị lỗi do hết tiền hay lỗi mạng. Việc này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn cả nguồn nhân lực cho việc thanh, kiểm tra, giám sát, xác minh… Cũng đã từng xảy ra tình trạng trụ ATM trở ngại không phải do hết tiền, do hỏng máy mà do mạng phập phù.
Có thể nói, quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ, tính răn đe của các chế tài xử phạt chưa cao. Song, trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, NH nào có dịch vụ tốt hơn sẽ thu hút được khách hàng chứ không phải chuyện phạt hay không phạt. Và thiết nghĩ, để khuyến khích người dân dùng thẻ và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các NHTM cần đưa ra một chính sách phí hợp lý, không bội tăng như hiện nay.
Thủy Chung