Kinh tế xã hội

Hoạt động đối ngoại nổi bật tháng 10

14:07, 04/11/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Hoạt động đối ngoại sôi động tháng 10 góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn tại châu Á, mở ra triển vọng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và các nước trong Liên minh châu Âu, và ghi nhận dấu ấn về ngoại giao trên cả bình diện đa phương và song phương với các đối tác khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: TTXVN
Đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các nước châu Á
 
Ngày 2/10, tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã diễn ra Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc.
 
Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả thực chất và chiều sâu của các cơ chế đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách hiện có trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, và giáo dục đào tạo.  
 
Đặc biệt, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 70 tỷ USD vào năm 2020; nhất trí hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc vào cuối năm nay.
 
Trong những ngày cuối tháng (27-29/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân thăm chính thức Ấn Độ nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai nước; đẩy mạnh hợp tác toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ ngày càng đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực. 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định quyết tâm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để phấn đấu vượt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020. 
 
Lãnh đạo Ấn Độ khẳng định: Quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Ấn Độ. Ấn Độ cam kết hỗ trợ Việt Nam và tham gia vào quá trình hiện đại hóa quốc phòng cũng như an ninh của Việt Nam, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hơn nữa các chương trình đào tạo, cung cấp trang thiết bị vũ khí quốc phòng cho Việt Nam cũng như tổ chức các cuộc tập trận chung.
 
* Trong tháng, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thăm Việt Nam từ ngày 26-27/10 và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
 
Tại phiên họp, hai bên cam kết sẽ cùng nhau nỗ lực thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ngày càng đi vào chiều sâu.
 
Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai nước; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Trung Quốc; thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc. Đồng thời, hai bên nhất trí rằng xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển 'có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ' hai bên.
 
Trong khi đó, ngày 26/10, Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an thăm Trung Quốc và đồng chủ trì Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 4 giữa Bộ Công an hai nước. 
 
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm Trung Quốc từ ngày 16-19/10 nhằm thống nhất các chủ trương, biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Ảnh: Nhật Bắc
Mở ra triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu
 
Trước đó, ngày 12/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến công du châu Âu trong chưa đầy 6 ngày với cường độ làm việc “chóng mặt,” góp phần mở ra triển vọng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
 
Cụ thể, Thủ tướng đã thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU), Cộng hòa Liên bang Đức, tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican.
 
Vương quốc Bỉ là chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng trong chuyến công du châu Âu lần này. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là quốc khách đầu tiên của tân Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Chuyến thăm chính thức đã góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bỉ tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, hiệu quả.
 
Với EU, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt thống nhất sớm hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); khẳng định mong muốn chung sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và ký chính thức vào thời gian sớm nhất. 
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Đức, nhiều nội dung về hợp tác song phương đã được hai bên thống nhất và khẳng định quyết tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả vì lợi ích của cả hai bên, qua đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Đức trong giai đoạn mới.
 
Tại Italy, bên lề các phiên họp ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ, tiếp xúc với 5 vị nguyên thủ lãnh đạo của các quốc gia thành viên. Trong các bài phát biểu tại ASEM 10 và các sự kiện liên quan, Thủ tướng đã nêu bật những sáng kiến lớn thúc đẩy quan hệ hợp tác Á-Âu góp phần khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong hợp tác ASEM.
 
Tại Tòa thánh Vatincan, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã hội kiến với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Pietro Parolin. Hai bên khẳng định đây là dịp rất tốt để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.
 
Dấu ấn khác về ngoại giao đa phương, song phương
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự phiên toàn thể Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU). Ảnh: VOV
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự phiên toàn thể Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU). Ảnh: VOV
 
Ngày 13/10, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự phiên toàn thể  Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 131 diễn ra từ ngày 12-16/10 tại Geneva, Thụy Sĩ.
 
Với vai trò là một thành viên tích cực của IPU và đặc biệt sẽ là chủ nhà của Đại hội đồng IPU lần thứ 132 vào tháng 3/2015, Việt Nam đã tham dự tích cực vào một loạt hoạt động trong khuôn khổ IPU 131.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đã gửi đến đại biểu các quốc gia thành viên IPU lời mời chính thức tham gia IPU 132 tại Việt Nam với chủ  đề "Nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015” và giới thiệu những hình ảnh ấn tượng và cô đọng "Không gian Việt" với những điểm chính về IPU 132 sắp tới.
 
Trong tháng 10, Việt Nam cũng đón Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete (27-28/10) và Thủ tướng nước Cộng hòa Vanuatu Joe Natuman và Phu nhân (5-9/10) thăm chính thức, đặt dấu mốc mới quan trọng, tạo xung lực đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác với quốc gia Đông Phi Tanzania và quốc đảo Vanuatu.  
 
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete nhất trí tăng cường quan hệ chính trị mật thiết thông qua trao đổi đoàn các cấp; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, kết nghĩa giữa các thành phố lớn; tạo thuận lợi để các dự án hợp tác nông nghiệp và viễn thông sớm được triển khai và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tích cực phối hợp, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, y tế, viễn thông, dịch vụ vận tải biển... trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam.
 
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vanuatu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác; nhất trí trong thời gian tới cần đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đồng thời khuyến khích giao lưu nhân dân để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
 
Trong tháng 10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Iran (13-15/10) theo lời mời của Phó Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Shariatmadari và có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản (9-11/10).
 
Trước đó, ngày 1-2/10, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Hoa Kỳ nhằm trao đổi các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước thời gian tới; nhất trí tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2015.  
 
Sự kiện Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2014 và Đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 5 cũng diễn ra ngày 21và 24/10.
 
Các hoạt động đối ngoại sôi động trong tháng 10 góp phần khẳng định chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa phương, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế của Việt Nam. Các dấu ấn ngoại giao trong tháng cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đặt nền móng cho thành công ngoại giao năm 2014.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác