Dù không được liệt vào hàng “nặng” như “đá”, “hàng trắng”, song cần sa vẫn được dân chơi ưa thích bởi tính tiện dụng, sành điệu. Với việc dễ ngụy trang như những điếu thuốc lá, cần sa thường được các đối tượng tuồn vào quán bar để mua bán. Chế tài xử lý đối với người sử dụng cần sa khá nhẹ, còn việc bắt quả tang đối tượng mua bán lại khá khó khăn...
Bán cần sa trong quán bar
Dù đã bước sang ngày mới, song tiếng nhạc du dương trong quán bar "Ball 8" nằm trên phố Hàng Buồm vẫn vang lên đầy kích thích. Ánh đèn loang loáng của quán bar kèm theo những tiếng cốc, chén va vào nhau, tiếng hò... dô của thực khách. Giữa những ồn ã đó, một góc bàn phía trong quán bar, hai nam thanh niên đội mũ lưỡi trai vẫn lặng lẽ cầm cốc bia "cỏ" để uống, mắt không rời những động tác rót rượu của nhân viên quán bar.
Cô nhân viên của quán bar còn khá trẻ, khuôn mặt tròn, đeo kính trắng dáng tri thức liên tục di chuyển mang đồ uống phục vụ khách. Khi đĩa đồ uống vừa đặt lên trên bàn của khách, bàn tay của cô gái này vội đưa cho người đàn ông những điếu thuốc lá, bên trong là cần sa. Ngay lập tức, hai nam thanh niên ngồi bàn đối diện ập đến, cùng với CAP Hàng Buồm, Hà Nội bắt quả tang hành vi mua bán cần sa của nhân viên quán bar trên.
Một kg cần sa trên thị trường có giá lên tới cả 200 triệu đồng và tác hại của chúng đối với người sử dụng cũng vô cùng khủng khiếp |
Khi kiểm tra, một số lượng cần sa khá lớn được lực lượng CAQ Hoàn Kiếm thu giữ. Nữ nhân viên quán bar được xác định là Nguyễn Phương Uyên (24 tuổi) ở quận Đống Đa, Hà Nội. Ngoài Nguyễn Phương Uyên, lực lượng Công an cũng bắt giữ Nguyễn Thu Hường (24 tuổi) ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng về hành vi mua bán cần sa. Hường cũng là nhân viên pha chế của quán bar trên. Với lợi thế làm nhân viên của quán bar, nơi hàng ngày, hàng giờ “được” tiếp xúc với rất nhiều dân chơi, đồng thời nắm bắt được nhu cầu của số khách này về cần sa, Hường đã tìm nguồn mua cần sa và mang về bán cho khách để hưởng tiền chênh lệch. Đáng nói, khi được hỏi, cả Uyên và Hường khai nhận không nghĩ việc mua bán cần sa là phạm pháp, mà chỉ nghĩ đơn giản là chất kích thích nặng hơn... thuốc lá.
Cùng chung “suy nghĩ” như trên là đối tượng Doussy Jonathan (SN 1987, người Pháp). Cách đây vài năm, Doussy Jonathan cùng người yêu về Việt Nam để sinh sống. Hai người mở quán bar Bar JoJo ở trên phố Đào Duy Từ. Sau khi bạn gái về nước, Doussy Jonathan ở lại tiếp tục kinh doanh và nhận thấy nhu cầu sử dụng cần sa của khách nước ngoài rất cao, đã mua hàng về bán. Nhờ hoạt động kín kẽ, thu nhập từ việc bán cần sa cho khách của Doussy Jonathan khá cao, lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Vậy nhưng, khi bị bắt quả tang về hành vi mua bán và tàng trữ trái phép cần sa, Doussy Jonathan vẫn nói mình không hề biết việc làm trên là vi phạm pháp luật.
Tránh xa khi chưa quá muộn
Thông tin với phóng viên, Trung tá Phạm Cánh Quân, Đội phó Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Nếu như vụ việc hai nhân viên pha chế của quán bar nói không biết cần sa là chất cấm, thì tương tự, Doussy Jonathan cũng đã cố tình không biết điều đó. Dù ở Pháp việc mua bán cần sa với số lượng nhỏ tuy không bị cấm ngặt song Nhà nước cũng như cơ quan chức năng họ quản lý rất chặt, không phải ai muốn mua cũng được. Các đối tượng trên đều mờ mắt trước lợi nhuận của loại “hàng” đặc biệt này, khi chúng được mua bán khá lặng lẽ trong các quán bar nơi có đông du khách nước ngoài và dân chơi".
Theo thống kê, hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tập trung số lượng lớn các quán bar. Trong số những quán bar này cũng rất đa dạng, dân chơi phân ra làm bar hạng nặng, bar hạng nhẹ và bar chuyên dùng cho khách Tây. Với đặc thù địa bàn các phố cổ, lượng du khách nước ngoài tập trung đông, số lượng nhà nghỉ, khách sạn lớn, nên nơi đây cũng là điểm đến của cần sa theo phương thức "có cung ắt có cầu”.
Trước đó, Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, CAQ Hoàn Kiếm cũng phát hiện khá nhiều vụ việc mua bán, tàng trữ và sử dụng cần sa. “Tiêu biểu” cho những vụ án này là vụ bắt giữ các đối tượng Nguyễn Hoài Dương và Phan Đình Anh, khi buôn cần sa Canada. Ngoài vụ trên, đối tượng Trần Trọng Thanh bị CAQ Hoàn Kiếm bắt vào ngày 21/3 với tang vật là 248,59 gam cần sa Việt Nam...
Hiện có khá nhiều đối tượng hiện rao bán hạt và hướng dẫn sử dụng cách trồng cây cần sa trên mạng xã hội |
Cũng theo chỉ huy Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, CAQ Hoàn Kiếm: Dù “độc dược” không dữ dội như “đá” và “trắng”, nhưng giá của một kg cần sa lại không hề rẻ, lên tới 200 triệu đồng/kg. Trong khi đó một bánh heroin trên thị trường mua bán ma túy có giá trung bình khoảng 100 đến 130 - triệu/bánh. Việc phát hiện, bắt giữ quả tang các đối tượng mua bán loại cần sa cũng khá khó khăn, bởi chúng được ngụy trang chẳng khác nào một điếu thuốc lá thông thường. Trong khi đó, đối tượng tàng trữ cần sa với số lượng lớn mới xử lý được. Thậm chí, khi bị phát hiện, truy tố, những rắc rối liên quan đến công tác giám định cần sa khô, hay cần sa tươi cũng gây khó khăn cho công tác xử lý của cơ quan công an.
Trung tá Phạm Cánh Quân cũng cho biết, tại một số quốc gia, việc xử phạt đối với hành vi mua bán, tàng trữ cũng như tuyên truyền cho việc xử dụng cần sa rất nặng. Ngay như ở Pháp, dù khá "thoáng" khi cho phép mua bán cần sa với số lượng nhỏ để sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, nhưng ai đó chỉ cần mặc áo có in hình cây cần sa sẽ bị phạt 5 năm tù giam, hay phạt 7.500 Euro. Còn đối với nước ta, hiện xử lý khá nhẹ, khi người sử dụng chỉ bị phạt từ 500 đến 1 triệu đồng, áp dụng đưa vào diện cai nghiện...
“Người sử dụng cần sa sẽ gặp những tác hại ghê gớm về thần kinh, gây ảo giác, dùng nhiều, thời gian dài sẽ bị phá hủy hệ thần kinh dẫn tới tê liệt toàn bộ nhận thức, hành vi. Đặc biệt, đối với những người trẻ tuổi, việc sử dụng cần sa cứ nghĩ là không “độc” nhưng thực chất nó cũng chẳng khác nào sử dụng “đá” hay “hàng trắng” bởi hiện nay để tăng lợi nhuận, nhiều đối tượng sẵn sàng pha tẩm rất nhiều loại hóa chất vào cần sa nhằm gây cảm giác hưng phấn mạnh hơn lên hệ thần kinh trung ương. Hãy tránh xa cần sa cũng như các loại ma túy trước khi quá muộn...” - đại diện Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy khuyến cáo.
.