Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201509/mo-hinh-ngoi-nha-an-toan-can-di-vao-thuc-chat-634821/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201509/mo-hinh-ngoi-nha-an-toan-can-di-vao-thuc-chat-634821/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mô hình 'Ngôi nhà an toàn': Cần đi vào thực chất - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 08/09/2015, 08:56 [GMT+7]

Mô hình 'Ngôi nhà an toàn': Cần đi vào thực chất

(Congannghean.vn)-Nghệ An có trên 950.000 trẻ em ở các lứa tuổi. Hàng năm, các vụ tai nạn xảy ra liên quan đến trẻ em đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý cho các em và gia đình. Nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc trên, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” trên 17 huyện, thành, thị. Tuy nhiên, cho đến nay, những tác động tích cực, chuyển biến mạnh mẽ mà mô hình trên hứa hẹn mang lại vẫn chưa đi vào thực chất.

Trước thực trạng các vụ tai nạn thương tích, đuối nước nghiêm trọng xảy ra ở trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6/5/2011 về những tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em nhằm tạo điều kiện để các em được sống và phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh, góp phần phòng ngừa và hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở 17 xã thuộc 17 huyện. Riêng trong năm đầu tiên thực hiện mô hình, Sở đã chọn 3 địa phương làm 3 điểm triển khai thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm để áp dụng cho các địa phương khác.

Tại nhiều gia đình, các vật dụng nguy hiểm vẫn chưa được để đúng chỗ và có thiết bị bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn
Tại nhiều gia đình, các vật dụng nguy hiểm vẫn chưa được để đúng chỗ và có thiết bị bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn

Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một “ngôi nhà an toàn” phải đạt 33 tiêu chí. Trong đó có những tiêu chí cơ bản như: Xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở, phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em; giếng, bể nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn; những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn; khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga; các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi... Nếu thực hiện và đảm bảo đủ các tiêu chí này, đây thực sự sẽ là môi trường an toàn, hạn chế đến mức tối đa những tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ em.

Xóm 17, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình này trên toàn tỉnh. Năm 2011, xóm có 135 em/100 hộ có trẻ em dưới 16 tuổi và theo kết quả điều tra, đến nay, có tới trên 78% số hộ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”. Tuy nhiên, liệu những ngôi nhà này đã thực sự an toàn? Như trường hợp gia đình anh Hoàng Nghĩa Mạnh - chị Nguyễn Thị Hiền. Dù mới được xây dựng khá khang trang nhưng gia đình chị lại không có tủ thuốc riêng để tiến hành sơ cứu cho trẻ em khi cần thiết.

Những vật dụng như phích nước, các thiết bị điện vẫn chưa được để riêng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Chị Trần Thị Nga, cộng tác viên dân số của xóm 17, xã Hưng Thắng cho biết: “Khi triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, chúng tôi có xuống từng nhà dân để tuyên truyền nhưng việc triển khai gặp một số khó khăn vì cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Nếu đi vào từng tiêu chí cụ thể thì vẫn còn nhiều hộ chưa đảm bảo tiêu chuẩn “Ngôi nhà an toàn”.

Sau khi thực hiện mô hình điểm ở 3 xã thuộc 3 huyện điểm, từ năm 2011 đến nay, mô hình trên đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện tại 14 địa phương còn lại. Theo thống kê của Sở, tính đến nay, đã có 167.136 ngôi nhà được đánh giá là “Ngôi nhà an toàn”.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra trong đó nguyên nhân chính là do sự bất cẩn từ phía người lớn. Việc phòng tránh, tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn thương tích ở trẻ đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ban, ngành và chính người dân. Qua khảo sát, có thể thấy mục tiêu, ý nghĩa tốt đẹp mà mô hình “Ngôi nhà an toàn” đề ra, tuy nhiên, quá trình thực hiện lại chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ tại các địa phương triển khai thực hiện. Để mô hình trên thực sự phát huy hiệu quả, mang lại môi trường thực sự an toàn cho trẻ em, việc chủ động đánh giá, hỗ trợ và nâng cao năng lực của các cán bộ, địa phương trong lĩnh vực này cần được tiếp tục triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

.

Mai Hậu

.