Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-nguoi-linh-cung-chung-chien-hao-sau-hon-40-nam-625194/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-nguoi-linh-cung-chung-chien-hao-sau-hon-40-nam-625194/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cuộc hội ngộ của những người lính cùng chung chiến hào sau hơn 40 năm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 23/07/2015, 15:24 [GMT+7]

Cuộc hội ngộ của những người lính cùng chung chiến hào sau hơn 40 năm

(Congannghean.vn)-Hơn 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường Quảng Trị ác liệt đã may mắn sống sót, trở về quê hương, mang trên mình những nỗi đau chiến tranh. Cả hai đều bặt tin nhau và nghĩ rằng, đồng đội mình đã không còn nữa. Họ cũng không hề biết rằng, khoảnh khắc chiến đấu anh dũng của mình trong một trận đánh ác liệt ở Cam Lộ đã được một phóng viên chiến trường ghi lại. Chỉ đến khi bức ảnh được trưng bày trong một cuộc triển lãm thì thông tin về hai người lính ấy mới được hé mở. Những người lính đã gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách. Đó là một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ trong nước mắt.  
 
Người lính thông tin Trung đoàn 27
 
Trở về sau chuyến thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị, những mệt mỏi vẫn còn in hằn trên gương mặt người thương binh Hồ Văn Quang trú tại xóm 8, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Trong chuyến đi đó, vì lý do sức khỏe nên vợ ông phải đi cùng để chăm sóc ông. 
Ông Hồ Văn Quang (trái) cùng ông Đỗ Đức Thắng trong giờ phút xuất kích, chuẩn bị tiến công  tiêu diệt địch - Ảnh tư liệu
Ông Hồ Văn Quang (trái) cùng ông Đỗ Đức Thắng trong giờ phút xuất kích, chuẩn bị tiến công tiêu diệt địch - Ảnh tư liệu
 
20 tuổi, cũng như lớp lớp thanh niên thời ấy, Hồ Văn Quang xách ba lô lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông về nhận công tác tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 ở Quảng Trị, là chiến sỹ thông tin liên lạc của Trung đoàn. Sau những năm tháng vào sinh ra tử ở chiến trường, nhất là quãng thời gian hơn 8 năm ở chiến trường Quảng Trị, những di chứng chiến tranh khiến người lính thông tin năm nào giờ đây ngày càng già yếu, một mắt không còn nhìn thấy, đôi chân đi không vững.
 
Sau khi hòa bình lập lại, vì điều kiện kinh tế cũng như sức khỏe nên dù muốn, ông cũng chưa thể vào thăm lại chiến trường xưa - nơi biết bao đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm lại. Là lính thông tin liên lạc của Trung đoàn 27, ông đã sử dụng khéo léo, linh hoạt các phương tiện thông tin tín hiệu một cách chính xác, đảm bảo bí mật, kịp thời. Trong ký ức người lính già vẫn nhớ như in từng trận đánh năm xưa. Ông kể cho tôi nghe về trận đánh năm 1971, Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 nhận lệnh của Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu chặn đánh đoàn xe vận tải của Ngụy chạy theo đường 9 từ Đông Hà đến Lao Bảo. Quân ta mai phục tại Cao điểm 244 cách khoảng 200 m. Ông và đồng đội đã chôn mình dưới đất, lấy lá phủ lên đầu.
 
Đoàn xe của địch gồm khoảng 20 chiếc, tốp đầu tiên, đơn vị cho xe đi qua còn tốp giữa thì lọt vào vòng chiến đấu của ta. Đồng chí chỉ huy bắn pháo sáng làm hiệu lệnh, tất cả quân ta đồng loạt nổ súng, “chặn đầu, khóa đuôi”, tiêu diệt tất cả 20 xe của địch. Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, vì vết thương tái phát nên ông xuất ngũ, trở về sinh sống tại quê nhà, lấy vợ và sinh được 4 người con trai. Thế nhưng, chưa bao giờ ông thôi nghĩ về đồng đội, những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xưa. Trong đó có ông Đỗ Đức Thắng, người đã cùng ông “nếm mật nằm gai”, chôn mình dưới đất để đảm bảo thông tin liên lạc trong suốt hơn 4 năm trời. 
 
Phóng viên chiến trường và những khoảnh khắc lịch sử
 
Với vai trò là phóng viên chiến trường, nhà báo Đoàn Công Tính, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đi dọc khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trong các cuộc chiến của quân và dân ta. Những bức ảnh của ông đã tố cáo tội ác của chiến tranh, phản ánh sự hy sinh, mất mát của dân tộc Việt Nam và đặc biệt là đã khắc họa tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của những người lính. Ông cũng đã có nhiều năm xông pha trên chiến trường Quảng Trị và có mặt trong nhiều trận đánh lớn. Ông cũng chính là nhà báo duy nhất vào được bên trong Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm khói lửa. 
 Sau hơn 40 năm, người thương binh Hồ Văn Quang mới hay tin đồng đội nhờ tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính
Sau hơn 40 năm, người thương binh Hồ Văn Quang mới hay tin đồng đội nhờ tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính
 
Tháng 4/1970, đơn vị của ông Quang làm nhiệm vụ vận động tiến công Đồi Đá gần Cao điểm 544, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Nhà báo Đoàn Công Tính cũng có mặt tại đó để theo các mũi tiến công. “Khoảnh khắc” xuất kích của hai người lính thông tin là ông Quang và đồng đội là ông Đỗ Đức Thắng (quê quán xã Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội) đã được nhà báo Đoàn Công Tính ghi lại. Trong ảnh, lực lượng bộ binh đang xung phong tiến công tiêu diệt địch, ông Đỗ Đức Thắng - chiến sỹ thông tin vô tuyến điện đang cùng Đài phó là ông Quang quan sát địch. Phía sau là những khuôn mặt nhòe mờ trong tư thế lao lên. Trong tích tắc, người bấm máy đã chớp được khoảnh khắc đầy khí thế của người lính như một tượng đài bất diệt. Bức ảnh này được ông Tính đặt tên là “Xung phong”. 
 
Gần nửa thế kỷ qua, bức ảnh đó theo ông có mặt ở khắp các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, thế nhưng, ông không hề biết rằng, hai nhân vật trong bức ảnh vẫn còn sống. Trong một lần tình cờ dự triển lãm ở Hà Nội, một đồng chí trong Ban liên lạc Trung đoàn 27 đã xác nhận, nhân vật trong ảnh còn sống. Ông Tính rất vui mừng và sau đó đã đi dò la tin tức của 2 người. Người đầu tiên ông tìm gặp là ông Đỗ Đức Thắng. Qua ông Tính, ông Thắng cũng mới hay tin đồng đội mình còn sống.
 
Cuộc hội ngộ của những người lính sau hơn 40 năm
 
Một ngày đầu tháng 7/2015, ông Hồ Văn Quang nhận được lá thư của ông Đỗ Đức Thắng, người đồng đội hơn 4 năm sát cánh ở chiến trường Quảng Trị. Hóa ra, hơn 40 năm nay, đồng đội của ông vẫn còn sống. Ông cầm lá thư mà mừng mừng tủi tủi, cứ ngỡ mình đang mơ. Trong thư, ông Thắng viết: “Quang ơi! Sau ngày giải phóng miền Nam, anh em mình mỗi người một quê. Thời gian đã hơn bốn chục năm rồi, chưa ngày gặp lại. Mình mong chúng ta có ngày gặp lại để cùng nhớ lại những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và hỏi thăm nhau về cuộc sống. Nhiều điều mong ước lắm. Có lẽ anh em mình đều nghĩ tới một điều: Chiến tranh ác liệt, nay mình còn sống, có một gia đình hạnh phúc, thế là sướng lắm rồi. Mình hẹn những ngày tới sẽ vào thăm cậu, thăm quê hương Quỳnh Đôi, Quang nhé!”.
 
Đôi mắt ông Quang vốn chỉ nhìn thấy một bên nhòe đi sau khi nghe vợ đọc thư. Từ trong khóe mắt nhăn nheo ấy, những giọt nước mắt cứ tuôn rơi. Ông ghì chặt lá thư vào ngực và gọi tên người đồng đội cùng chung chiến tuyến. 40 năm qua, lúc nào ông Quang cũng đau đáu nghĩ về ông Thắng. Chiến trường Quảng Trị đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn của giặc Mỹ. Có biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống, nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn hòa tan vào lòng đất…
 
Chiến tranh loạn lạc khiến những người lính gặp gỡ rồi phải chia ly trong chớp nhoáng, không ai biết ai còn, ai mất. Nay đã hơn 40 năm, nhận được tin đồng đội còn sống, còn niềm vui nào lớn hơn thế. Càng sung sướng hơn khi hai người lính nhận được tấm ảnh chụp mình năm xưa. Đó là món quà vô giá với cả hai ông. Họ hẹn nhau ngày tái ngộ để cùng đi thăm lại chiến trường xưa. Và chương trình “Hùng thiêng đất mẹ” đã giúp ước nguyện hội ngộ của những người lính trở  thành hiện thực. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phối hợp thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào tối 18/7.
 
Câu chuyện về hai nhân vật trong bức ảnh “Xung phong” của ông Đoàn Công Tính đã khiến người xem vô cùng xúc động. Bởi nó tái hiện lại ký ức hào hùng của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, nơi đó có tình đồng chí, đồng đội cùng chung chiến hào, chung ước mơ hòa bình, độc lập. Cũng trong chương trình này, bức ảnh “Xung phong” đã được lãnh đạo NHNN trao tặng cho hai người lính Hồ Văn Quang và Đỗ Đức Thắng. 
 
Chỉ vào tấm ảnh, ông Quang hồ hởi khoe với tôi rằng: “Là tui đây nì, ngày trước cũng phong độ đó chứ. Lúc đó anh em đang tập trung cao độ, chuẩn bị tiến công tiêu diệt địch. Hai anh em đang quan sát địch để truyền thông tin về cho chỉ huy”. Trong bức ảnh, ánh mắt sắc lẹm của ông Quang nhìn thẳng về phía quân thù, ánh mắt thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc và niềm tin về một ngày mai toàn thắng. 

 

.

Huyền Thương

.