Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201501/noi-nenh-theo-con-nuoc-576351/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201501/noi-nenh-theo-con-nuoc-576351/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nổi nênh theo con nước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 06/01/2015, 08:29 [GMT+7]

Nổi nênh theo con nước

(Congannghean.vn)-Tôi gặp những ngư dân vùng biển vào một buổi chiều tà lộng gió trên bãi biển Tiền Phong (Nghi Tiến, Nghi Lộc). Sóng biển rì rầm, từng đợt vỗ bờ nhè nhẹ, du dương tựa những bản tình ca mùa đông không ngớt. Bóng người ngả vào bóng hoàng hôn, khuất dần, lầm lũi đi về phía làng...
 
“Cố thủ” vùng “biển cạn”
 
Màn đêm đã rủ bóng nhưng sóng biển vẫn không ngừng nghỉ, khắc khoải vỗ bờ như chờ đợi ai. Bên trong lạch nước bãi biển Tiền Phong, vài chiếc đèn sạc điện đỏ leo lét chỉ đủ để chiếu sáng một góc thuyền nhỏ, nơi những ngư dân đang chuẩn bị ngư cụ cho ngày mai ra khơi. Họ chuẩn bị từ xế chiều, kiên nhẫn xếp lại từng cheo lưới, kiểm tra hành lý cho một ngày vươn khơi đánh bắt.
Cha con ngư dân Trần Văn Ngại gỡ lưới sau chuyến ra khơi
Cha con ngư dân Trần Văn Ngại gỡ lưới sau chuyến ra khơi
Tiền Phong là vùng biển cạn, bãi biển nông nên từ xa xưa, người dân nơi đây chỉ dùng thuyền máy nhỏ, thuyền nan chèo bằng tay để đánh bắt cá. Chính vì vậy, sản phẩm mang lại cho những ngư dân này không nhiều. Ngoài việc kiên trì bám biển, người dân xã Nghi Tiến vẫn sản xuất nông nghiệp, nhà nào cũng làm thêm một vài sào ruộng, đủ để ăn và nuôi thêm đàn gà.
 
Dù biển động bởi ảnh hưởng của cơn bão Hagupit đang hoành hành trên biển Đông nhưng 3 giờ sáng, hơn 100 thuyền đánh cá của ngư dân xã Nghi Tiến vẫn ra khơi. Đến giữa buổi sáng thì các thuyền cập bến, thuyền viên lắc đầu bởi số sản phẩm ít ỏi của mình. Hôm nay, sản phẩm mà lão ngư Trần Văn Ngại cùng 2 con trai mang về chỉ là một ít cá nhỏ, vài cân mực sim, chục con tôm tít và vài ba con ghẹ. Tôi gạ mua hết số ghẹ tươi rói thì anh Trần Văn Ngần, con trai ông Ngại, một thanh niên vùng biển cường tráng thật thà: “Bữa nay sáng trăng, ghẹ “mỏng mình”, ít thịt, ăn không ngon, vả lại chỉ được mấy con, em gom về cho cháu ăn dần!”.
 
Lão ngư Trần Văn Ngại năm nay 60 tuổi đời nhưng có đến 50 “tuổi biển” và vẫn là lao động chính trong gia đình. Lão sinh ra đã bị câm điếc bẩm sinh nhưng với nghề biển, lão thực sự là một “quái ngư”, từng nhiều lần vào sóng, ra gió, bao lần đối mặt với hiểm nguy. Lão theo cha đi đánh cá từ lúc 10 tuổi, khi ấy làng này chưa có thuyền chạy bằng máy nên chỉ đánh bắt cách bờ 1 - 2 hải lý. Tuy vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 10 - 15 kg hải sản các loại. Tính theo giá hiện nay cũng được 300.000 - 400.000 đồng, không giàu nhưng đủ ăn, đủ sống.
 
Giờ có thuyền máy, lão cùng 2 con trai đánh bắt cách bờ 4 - 5 hải lý nhưng 3 lao động chính này cũng kiếm không nổi vài chục kg hải sản mỗi ngày. “Bến nước nông, lại không có tiền đầu tư máy công suất lớn để xa khơi, mỗi ngày đành tự bằng lòng với ít ỏi hải sản thu được. Mỗi năm cũng phải chi phí vài chục triệu đồng tiền cheo lưới nhưng khi đi đánh bắt, nếu gặp các thuyền lớn đánh dạ (dùng thuyền máy chạy với vận tốc cao, cào, vợt các loại hải sản nhỏ ở gần bờ - P.V) từ các địa phương khác đến hành nghề thì chỉ trong chốc lát, số lưới ấy bị đánh rách nát hết. Nhiều lần, chúng tôi báo số hiệu tàu cho lực lượng kiểm ngư nhưng tình trạng trên vẫn không hề thuyên giảm”, anh Ngần rầu rầu.
 
Vốn liếng nhỏ, làm ăn cỏn con, bữa nhiều thì thương lái đến nhà mua hết, bữa ít dăm ba cân thì đem ra chợ xã bán cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Vậy nên, cuộc sống cứ lầm lũi mãi, không có nổi lấy cơ ngơi đàng hoàng, căn nhà của lão Ngại xây dựng cách đây hàng chục năm bằng gạch táp lô, nay đã bong tróc, hở tứ phía, dột bên trên. Nhiều gia đình trong xã đã cầm cố sổ đỏ, vay ngân hàng cho con đi xuất khẩu lao động, cuộc sống thay đổi nhưng gia cảnh như lão vay đâu ra vài trăm triệu đồng để thỏa ước mơ làm giàu? 
 
Khó khăn với người dân vùng bãi ngang Nghi Tiến là vậy nhưng bao đời nay, cấm thấy ai bỏ làng đi biệt xứ. Đi xa tận đâu, đi đến bao giờ rồi họ lại trở về làng, bám biển mưu sinh.
 
Lầm lũi mưu sinh
 
Ra khơi là việc dành cho cánh đàn ông và thanh niên cường tráng, phụ nữ vùng biển chỉ ở nhà chờ chồng con, chăm vườn, làm nước mắm để sử dụng; thuyền về thì gỡ lưới, đem cá ra chợ bán...
 
Chiều tà, khi thủy triều bắt đầu xuống, bãi biển xuất hiện ngày càng nhiều bóng người lom khom, cúi sát bãi đá cuội, trên lưng mang túi hoặc tay cầm rổ. Mỗi người một việc, người nhặt ốc, người bắt hàu, cào ngao... Nhiều người bảo, vùng biển này nghèo, khổ nhưng kiếm cái ăn hàng ngày không khó, nhiều ngư hộ, cả tháng trời không biết đến chợ búa nhưng vẫn có thức ăn tươi. Đơn giản bởi lúa gạo tự sản xuất, rau trong vườn, nước mắm trong chum vại và chiều nào cũng kiếm được thức ăn tươi từ bãi biển này.
 
Bà Xoa năm nay ngót nghét 60 tuổi. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già, con cái đã ra ở riêng, hai ông bà không thể ra khơi đánh bắt. Chiều nào bà cũng ra bãi biển này bắt ngao. Thủy triều bắt đầu xuống, bà Xoa đã ra chầu chực, lật từng hòn đá, dùng chiếc muôi nhỏ, dày, cứng cạo dưới lớp cát và nhặt lên từng con ngao. Cần mẫn sau vài giờ đồng hồ, bà cũng kiếm được một rổ ngao. “Bãi đá ngổn ngang giống hệt sau những trận cuồng phong, bão tố.
 
Nhiều hôm, tôi bước trên những “con đường ấy” sượt chân ngã, từng đám hàu bám trên bãi đá sắc lẹm cứa vào da thịt chảy máu, bỏng rát. Người mưu sinh trên bãi đá này vì vậy thường mặc đồ bảo hộ kín thân, chân đi dép, tay đeo găng để bảo vệ mình. Ngao này không trắng như ngao nuôi nhưng là ngao tự nhiên nên rất ngon, ra chợ nhiều người hỏi mua, được giá. Ngày gặp thì được dăm, sáu chục nghìn đồng, có ngày về tay không, thu nhập bấp bênh. Bữa thì đi bắt con ốc, con hàu cải thiện bữa ăn”, bà Xoa tâm sự.
 
Cũng như nhiều phụ nữ khác ở vùng biển này, thời trẻ, bà Xoa ngày ngày ngóng chồng con đi biển về. Nhưng khi tuổi đã xế chiều, chồng không còn sức ra khơi, các con ra ở riêng, bà trở thành lao động chính. Bà bảo, làng bên cạnh, họ bán đất, cầm sổ đỏ để vay tiền cho con đi nước ngoài, cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhiều làng nay chỉ còn đàn bà, trẻ nhỏ và người già ở nhà. Vậy nhưng, đi nước ngoài về, dù nhiều tiền cũng ít người bỏ nghề đi biển. Cái nghiệp đi biển, dù cho thu nhập thất thường nhưng không thấy ai nỡ bỏ hẳn.
 
Chị Nguyễn Thị Lan ở xóm 2, năm nay 28 tuổi. Cưới nhau được 5 năm, cuộc sống khó khăn nên chồng chị ra nước ngoài lao động với ước mơ đổi đời. Hai năm nay, công việc ổn định, mỗi tháng trừ chi phí, chồng chị cũng gửi về được trên chục triệu đồng. Số tiền ấy, chị kiên quyết không đụng đến đồng nào, tất thảy đều đem gửi ngân hàng. Ở nhà, chiều nào chị cũng gửi con cho ông bà nội để ra bãi biển này nhặt ốc, gom vài ba bữa đem đi nhập kiếm tiền mua thức ăn hàng ngày.
 
Ngày biển động, chị lại lên núi cắt cây chổi trện về đem đi bán. Hai vợ chồng gom góp nay cũng đã xây được căn nhà nho nhỏ. “Đi làm chỉ với mục đích kiếm thêm chút vốn liếng về xây nhà, dành dụm tiền cho con ăn học. Đến lúc về rồi cũng phải bám biển kiếm miếng cơm, manh áo chứ ở làng này biết làm gì hơn”, chị Lan tâm sự.
 
Chị Lan bảo, cuộc sống như gia đình chị còn đỡ vất vả, 2 lao động chính, một người đi xa làm ăn, một người ở nhà kiếm đủ cái ăn, cái mặc hàng ngày nên có đồng dư dật. Ở đây, nhiều gia đình vì không có vốn đi làm ăn xa, nghề đi biển bữa đực, bữa cái, ruộng đất ít nên cuộc sống vô cùng khó khăn, quanh năm suốt tháng, cả đời người không thoát khỏi lạch nước nhỏ để giao lưu với thế giới bên ngoài.
 
Rời bãi biển Tiền Phong khi trời đã nhá nhem tối, hình ảnh người phụ nữ làng biển tay cầm rổ ngao lầm lũi đi về phía làng, khuất dần vào bóng đêm đã tạc vào lòng người viết nhiều cảm xúc. Đến bao giờ, người dân làng biển Tiền Phong mới có cuộc sống khấm khá, vượt ra ngoài lạch nước nhỏ bé này?
.

Văn Dũng

.