Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201410/lo-lang-thay-nhung-qua-bom-bun-542034/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201410/lo-lang-thay-nhung-qua-bom-bun-542034/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lo lắng thay những quả 'bom bùn'! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 07/10/2014, 08:35 [GMT+7]

Lo lắng thay những quả 'bom bùn'!

Sự cố vỡ đập chứa bùn số 3 Nhà máy tuyển quặng sắt Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc (Trấn Yên, Yên Bái) ngày 30/9 đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Sự việc khiến dư luận thêm một lần nữa lo ngại về những quả “bom bùn” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 
Vụ việc xảy ra vào lúc 18h30 ngày 30/9, tại nhà máy tuyển quặng của Công ty cổ phần khoáng sản Tây Bắc. Theo sự phản ánh của các cơ quan báo chí, do vị trí vỡ thuộc thân đập cuối cùng nên một lượng bùn thải lớn chảy tràn xuống nhiều tuyến đường của xã và của thôn. Không những thế, bùn thải còn tràn vào nhà dân, ruộng vườn cùng rất nhiều hoa màu, lúa trồng của người dân tại thôn Lương Thiện đã bị bùn phủ kín.
 
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố vỡ đập chứa bùn xảy ra. Trước đó, ngày 18/11/2013, bờ moong khai thác titan của Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cũng bị vỡ. Do bờ moong này nằm trên núi cao nên khi vỡ nước kèm theo bùn cát tràn qua tuyến đường nối Phan Thiết và đi mũi Kê Gà, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
 
Gần đây, ngày 20/7/2014, đập ngăn hồ chứa bùn đỏ tại mỏ sắt Bản Cuôn (Bắc Kạn) và Nhà máy nghiền tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) đã bị vỡ. Đập bị vỡ làm cho lượng bùn đỏ, xỉ quặng và chất thải rất lớn từ hồ chứa tràn xuống cánh đồng lúa ở phía dưới của người dân xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn.
 
Như vậy, chỉ trong một thời gian không dài, liên tiếp các sự cố về vỡ đập, tràn bùn xảy ra khiến dư luận không khỏi băn khoăn lo ngại và đặt ra vấn đề về an toàn hồ chứa tại Việt Nam. Sự cố cũng một lần nữa chứng minh chất lượng công trình hồ chứa không đảm bảo an toàn.
 
 Sự cố vỡ đập chứa bùn tại Trấn Yên, Yên Bái khiến bùn thải tràn xuống các con đường và vào nhà dân
Sự cố vỡ đập chứa bùn tại Trấn Yên, Yên Bái khiến bùn thải tràn xuống các con đường và vào nhà dân
 
Liên quan đến vấn đề an toàn hồ chứa, các chuyên gia môi trường cho rằng: Phần lớn các sự cố xảy ra vỡ đập hồ chứa nguyên nhân là do được thiết kế xây dựng từ lâu. Có thể trước mắt, hồ thiết kế được cho là an toàn và doanh nghiệp khai thác khẳng định bùn đỏ sẽ được chôn rất cẩn thận. Nhưng điều đó không có nghĩa là 10-20 năm sau nó vẫn được làm cẩn thận và an toàn tuyệt đối. Bởi vậy, để đảm bảo không xảy ra sự cố, các hồ chứa bùn đỏ khi xây dựng phải đảm bảo các tiêu chí như: Không gây ra hiện tượng thẩm thấu các chất ô nhiễm môi trường; không có hiện tượng phát sinh và phát tán bụi ra môi trường; không tiềm ẩn bất cứ khả năng gây thảm họa nào, đặc biệt là khả năng vỡ đập gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm trên diện rộng...
 
Nhìn nhận về sự cố vỡ đập chứa bùn số 3 tại Yên Bái vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, do phần thân đập bị ngấm nước lâu ngày, nền đất yếu nên đã xảy ra sự cố trên. Việc Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản, không đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, gây ra nhiều hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và đời sống của người dân, thì cần thiết phải đình chỉ hoạt động để làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm rõ ràng của Công ty này.
 
Từ thực tế trên, nỗi lo ngại về bùn đỏ có lẽ là một trong những điều ám ảnh đối với người dân ở khu vực có những hồ, đập chứa bùn. Câu hỏi dư luận nêu ra là: Có bao nhiêu công ty khai thác khoáng sản được cấp phép hoạt động? Bao nhiêu “đầu nậu” hoạt động chui? Có bao nhiêu hồ đập chứa bùn đang có nguy cơ mất an toàn? Bao nhiêu hộ dân phải di dời và tái định cư? Khả năng hoàn thổ, trồng lại rừng, phủ xanh lại thảm thực vật đa tầng đa dạng, trả lại cân bằng sinh thái trên địa hình cao nguyên rất dễ bị xói mòn, cuốn trôi? Xử lý cách gì với hàng tấn bùn đỏ gấp nhiều lần dung tích các hồ chứa sẽ thải ra môi trường hàng năm? Và, trách nhiệm của những vụ "vỡ", "tràn" thuộc về ai???. Tuy nhiên, câu trả lời thỏa đáng nhất chỉ có thể được đưa ra từ những người đứng đầu địa phương, nơi để xảy ra sự cố.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây về việc quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản cũng đã chỉ ra: Để xảy ra sai phạm trong quản lý khai thác khoáng sản, trách nhiệm chủ yếu thuộc về địa phương khi cấp phép quá nhiều, trong khi một số địa phương chưa làm tốt việc giám sát thực hiện giấy phép.
 
Có thể thấy, vấn đề buông lỏng quản lý trong khai thác khoáng sản tại các địa phương từ lâu đã trở thành hệ lụy. Trong trường hợp này, nếu Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc cố tình vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Yên Bái cần rút giấy phép hoạt động, các Bộ, ngành cần rút giấy phép khai thác mỏ để đảm bảo an toàn cho các hộ dân cũng như môi trường trước khi quá muộn. Nếu không nhanh khắc phục những khuyết tật trong công tác quản lý, đặc biệt không tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác mỏ của các doanh nghiệp thì nguy cơ mà người dân lại tiếp tục phải gánh chịu những quả "bom bùn” là điều khó tránh khỏi.
 
.

Nguồn: dangcongsan.vn