(Congannghean.vn)-Xây dựng một nền hành chính dân chủ, thống nhất, có đủ quyền lực, năng lực để thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực cho nhân dân là mục tiêu trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC) ở mỗi địa phương, tỉnh thành. Trong quá trình thực hiện, không chỉ cần “phổ rộng” về hiệu quả, tác dụng mà cần có chiều sâu trong tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa. Nhìn lại “chặng đường” 10 năm thực hiện tổng thể CCHC tại Nghệ An, có thể thấy rõ, địa phương đã chuyển mình thực sự trong nhận thức và quá trình triển khai.
Cùng với các lĩnh vực khác, ngành Ngân hàng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính |
Các sở, ngành đã ý thức rõ trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp để thực hiện, tạo nền tảng để sau này Trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, công nghệ thông tin (CNTT) cũng góp phần quan trọng đối với CCHC, tạo nhiều chuyển biến rõ rệt trong giai đoạn 2011 - 2020. Đây được xác định là khâu đột phá, cơ sở xây dựng chính quyền điện tử. 100% cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đều ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và thực thi nhiệm vụ. Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An và Hệ thống thư điện tử đã phục vụ tốt hơn việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, với việc áp dụng rộng rãi CNTT, doanh nghiệp không mất nhiều thời gian đi lại để thực hiện tất cả các thủ tục nộp hồ sơ thành lập, đăng ký kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng… mà chỉ với một click chuột là có thể hoàn thiện. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được các ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, nhân rộng. Điển hình như tại Công an Nghệ An, đơn vị dẫn đầu lực lượng Công an nhân dân trong 4 năm liên tục về CCHC, được Bộ Công an đánh giá cao và đề nghị chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong toàn quốc. Hay như trong ngành Y tế, Bệnh viện TP Vinh đã ngày càng khẳng định thương hiệu của mô hình “Bệnh viện thông minh” hiện đại, chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người dân.
Xác định con người là yếu tố then chốt, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo toàn diện. Ở cấp tỉnh đã có 45/45 cơ quan, tổ chức hành chính xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án vị trí việc làm; ở cấp huyện, đã có 21/21 đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm. Khối các đơn vị sự nghiệp đã có 1.783/1.783 đơn vị được phê duyệt đề án vị trí việc làm. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc sắp xếp.
Theo đó, sau sắp xếp đã giảm được 20 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 1.991 đơn vị xóm, khối, bản. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy tổ chức, toàn tỉnh đã giảm được 4 chi cục, 10 đầu mối cấp phòng các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 161 đơn vị sự nghiệp công lập, 341 tổ chức bên trong, 161 cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp... Với sự kiên trì, miệt mài trong thực hiện CCHC trên mọi phương diện, Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực. Ba yếu tố PCI, PAPI và chỉ số CCHC PAR Index liên tục tăng qua các năm. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cũng ngày càng cải thiện. Đó là minh chứng từ những nỗ lực của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về công tác CCHC trong thời gian qua.
Dẫu ghi nhận về những thay đổi trong con người, cơ chế, thủ tục hành chính, song chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, CCHC vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan trong hệ thống chính trị, cần tạo điều kiện và huy động tối đa tổ chức và nhân dân tham gia vào việc giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan Nhà nước.
Đồng thời, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng, có phẩm chất đạo đức, đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, huy động đủ nguồn lực về tài chính để thực hiện nhiệm vụ, gắn với thực hiện đúng quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quản lý, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Từ đó, phân tích, tổng hợp và chỉ ra những nguyên nhân, kinh nghiệm và những cách làm hay, phù hợp với điều kiện địa phương, sở, ngành, nhằm nâng “tầm” CCHC trong thời gian tới. Bởi xét cho cùng, đem đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
.