Bày tỏ sự bức xúc về tình trạng này tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tôn chất lượng kém nhập khẩu vào thị trường tăng mạnh đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm thị phần của các nhà sản xuất trong nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, ngân sách Nhà nước thất thu. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng bị “móc túi” do mua phải hàng không đủ chất lượng, trong một số trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng con người.
Cũng theo ông Sưa, trong vài năm trở lại đây, lượng tôn thép nhập khẩu gia tăng đột biến, cụ thể: trong năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó, tôn mạ nhập khẩu chiếm 37%. Đến năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.755.159 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43%. Trong 8 tháng năm 2015, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.731.755 tấn, trong đó, thị phần của tôn mạ nhập khẩu chiếm 57%. Các con số phản ánh cho thấy, đến nay sản phẩm tôn của các DN sản xuất trong nước tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 43%, giảm 20% so với năm 2013.
Hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu: hậu quả và giải pháp” |
“Thực trạng trên diễn ra nhiều năm rồi, nhưng chúng tôi lo ngại là việc xử lý chưa đủ mạnh nên số lượng nhập khẩu ngày càng lớn, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất trong nước nên chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước thực thi hết trách nhiệm của mình. Chúng tôi không kêu gọi bảo hộ, sẵn sàng cạnh tranh bình thường nhưng trên cơ sở phải rõ ràng, minh bạch về chất lượng, nhãn hiệu chứ cạnh tranh với sản phẩm gian lận về thuế, gian lận chất lượng, nhãn mác thì DN nào cạnh tranh được”, ông Sưa nhấn mạnh.
Đi tìm hiểu tại một số thị trường xung quanh khu vực TP.Hồ Chí Minh, phản ánh với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu (ngụ huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết: Khi sửa nhà, chị mua 80m tôn màu để lợp với giá hơn 6,5 triệu đồng (82.000đồng/m). Theo lời giới thiệu của người bán hàng, loại tôn này có độ dày 4,5 zem (tức 0,45mm).
Tuy nhiên, khi về lợp vẫn rất dễ bị móp méo. Khi phóng viên kiểm tra thực tế tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), độ dày tôn chỉ có 0,357zem, tức là đã bị “ăn bớt” hơn 20% độ dày của tấm tôn. Chất lượng lớp sơn phủ cũng không bảo đảm khi những chỗ bị móp méo trong quá trình lợp, lớp sơn bị tróc và gỉ sét từng mảng lớn.
Tiếp tục quá trình thực tế tại tỉnh Đồng Nai, phóng viên có mua một số mẫu tôn tại cửa hàng Đ.L (đường 25B), đem đi kiểm định chất lượng tại Quatest 3. Kết quả kiểm định với loại tôn Trung Nguyên 0.35zem x 1.200zem x 4m, thì độ dày chính xác tôn chỉ là 0.327zem. Trong khi đó, kiểm tra chất lượng lớp sơn phủ trên tôn với bằng dung dịch axit HCL 10% và Bazơ 10% lại cho kết quả “Bề mặt phồng rộp và đổi màu”.
Vẫn biết tôn kém chất lượng sẽ khiến công trình mau chóng xuống cấp, song nhiều người dân vẫn mua do thiếu hiểu biết, hoặc ham hàng giá rẻ. Mặt khác, các nhà máy cán tôn nhập hàng “trôi nổi” về ngày một nhiều do giá rẻ dễ tiêu thụ, lại có thể nhập nhèm gian lận để bán với giá cao. Đặc biệt, nhiều chủ thầu xây dựng chọn lợp tôn dỏm cho công trình, bởi mức giá hời và được các cơ sở cán tôn chiết khấu cao.
Ông Lê Phước Vũ - CT Tập đoàn Hoa Sen đang giới thiệu về nhà máy tại Nghệ An |
Đưa cho phóng viên xem một mẫu tôn chuẩn bị lợp nhà xưởng hơn 1.000m2, anh Lê Anh Tài - một chủ thầu xây dựng cho biết: Công trình sẽ được lợp tôn với độ dày 3,5zem, nhưng khi kiểm tra thực tế bằng máy chuyên dùng, mẫu tôn này chỉ đạt 3,1zem. Hầu hết các loại tôn đều bị ăn gian. Chỉ có những người trong nghề khi cầm tấm tôn may ra mới cảm nhận được, nếu không thì phải dùng thước palmer đo bằng thực tế, hoặc cân thử trọng lượng. Nhà thầu xây dựng khi đi mua tôn thường sẽ được giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/m, tùy từng chủng loại cụ thể. Chỉ tính riêng phần lợp mái cho công trình nhà xưởng này, anh Tài đã được “chiết khấu” số tiền hơn 6 triệu đồng.
Nêu ý kiến trước tình trạng tôn giả, tôn nhái ngang nhiên tồn tại trên thị trường, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hành vi giả nhãn hiệu, bán tôn đôn zem nhằm thu lợi bất chính là hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, về nhãn hàng hóa và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Hùng, tôn mạ và tôn sơn phủ màu rất khó xác định chất lượng nếu quan sát bằng mắt thường. Chỉ có thiết bị chuyên dụng mới xác định được chất lượng và độ dày của tôn. Cùng đó, việc người tiêu dùng không có nhiều thông tin, hiểu biết về mặt hàng tôn chính là cơ hội cho những hành vi gian lận để trục lợi. Thậm chí người tiêu dùng trở thành nạn nhân của hành vi sản xuất, kinh doanh tôn giả, nhiều khi bị móc túi mà không hề hay biết.