Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201504/canh-giac-xao-thuat-ban-hang-gia-re-601396/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201504/canh-giac-xao-thuat-ban-hang-gia-re-601396/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác: Xảo thuật bán 'hàng giá rẻ' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 15/04/2015, 09:50 [GMT+7]

Cảnh giác: Xảo thuật bán 'hàng giá rẻ'

LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN

Gắn những chiếc bảng “giá rẻ bất ngờ” để thu hút khách hàng, không ít sạp bán trái cây, hàng rong dạo ghi giá của sản phẩm một cách mập mờ khó hiểu. Nếu không tinh mắt hoặc không cẩn thận hỏi trước, khách hàng dễ dàng “dính đòn” của những người mua gian bán lận.

Tấp vào một xe hàng rong bán đậu bắp trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), chúng tôi thấy người bán ghi tấm biển ngoệch ngoạc 9.000 đồng/½kg. Thay vì ghi “nửa ký chín ngàn đồng” hoặc ghi số ½ đậm màu, to để người mua nhìn rõ thì người bán ghi một cách mờ nhạt, bé tí. Nhìn từ xa, nếu không tinh mắt, khách hàng sẽ hiểu nhầm món hàng này chỉ có giá 9.000 đồng/kg. Vì ấn tượng với mức giá “bèo” này mà rất nhiều người ghé lại chọn mua. Tuy nhiên, khi tính tiền, người bán thẳng tay “cứa” giá gấp đôi giá người mua mới thoáng nhìn. Nếu xảy ra cự cãi, người mua mang tấm bảng ra làm bằng chứng, nhưng khi nhìn kỹ lại họ mới té ngửa vì... mình đã không nhìn kỹ.

Thường xuyên đi chợ và nắm được giá cả nên khi chạy xe trên đường 3 Tháng 2 (quận 10), chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ P26Q.Bình Thạnh) thấy một xe đầy ổi vườn loại ngon. Nhìn sơ qua bảng giá, chị thấy rõ dòng chữ: “Ổi vườn siêu ngọt, bao cân, xổ nửa, 10.000/kg”, thấy rẻ hơn ngoài chợ, nên chị tấp xe vào lề. Chị Huệ nói: “Tôi hỏi anh bán ổi “sao giá rẻ thế?” thì ông bảo “ổp bán hết rồi về sớm. Chị ăn thử miếng, thấy ngon, tui cân luôn 5 ký về bỏ tủ lạnh ăn dần dần”. Tôi mua hơn một ký, nhưng khi tính tiền, anh ấy bảo hết 24.000 đồng. Tưởng người bán ổi tính nhầm, tôi thắc mắc chỉ 10.000 đồng/kg mà? Người bán ổi chỉ vô biển quảng cáo bảo tôi đọc lại. Nhìn kỹ mới thấy ổi có giá 10.000 đồng/½kg, nhưng số 2 được người bán ghi nhỏ như hạt bắp. Lúc đó lỡ mua rồi đành trả tiền, nhưng vẫn thấy ấm ức”.

Sau một thời gian, mánh khóe ½ dần bị người mua phát hiện, nhiều xe đẩy trái cây dạo tung chiêu lừa mới. Trên bảng giá không ghi ½kg với số 2 rất nhỏ và mờ nữa mà để hẳn giá của 1kg. Thế nhưng, con số hàng chục ngàn trên giá bán không được viết rõ mà bị làm mờ.

Mới đây, anh Nguyễn Quang Thắng (ngụ P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) cũng bị lừa ngoạn mục. Anh cho biết: “Trưa 6-4-2015, tôi chạy xe trên Quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức) thì thấy xe bán thanh trà treo biển giá 8.000 đồng. Thấy rẻ quá nên vào mua gần 2kg. Đến lúc cân, người bán đòi 36.000 đồng. Khi anh hỏi lại mới biết giá thật là 18.000 đồng/kg. Anh căng mắt ra nhìn thật kỹ thì thấy số 1 được người bán hàng vẽ rất mờ bên rìa bảng.

ĐỦ CHIÊU “MÓC TÚI”

Người tiêu dùng không chỉ bị lừa về giá cả, một số người bán trái cây dạo còn mập mờ về chất lượng hàng hóa. Người đi qua Quốc lộ 1A - đoạn dưới chân cầu vượt Bình Phước (Q.Thủ Đức) không khỏi bị “hớp hồn” bởi nơi này trưng bày rất nhiều loại bơ mà theo lời người bán thì “toàn là bơ ngon, quả to, giá rẻ, chỉ 15.000 đồng/kg”.

Khi ghé vào mua, nhiều người bị tính tiền giá gấp đôi, gấp ba. Khách thắc mắc thì nhận được giải thích: “Bơ 15.000 đồng/kg là bơ loại ba đang cất ở trong nhà, nhưng nói trước là bơ này vỏ dày, hạt to, hay sượng, không ngọt nên mới có giá rẻ vậy. Bơ bày bán ở đây là bơ loại ngon 30.000 đồng/kg lận. Do đã lựa được loại bơ mình ưng ý và cũng không muốn đôi co với hình thức quảng cáo rao một đằng, bán một nẻo của người bán nên khách hàng đành ngậm ngùi móc ví trả tiền.

Ngoài hình thức lừa của người bán hàng rong, không ít cửa hàng dùng chiêu “giật giá” bằng cách đề bảng giá rẻ, bán đồng giá... nhưng khi người mua vào chọn hàng thì được nhân viên chỉ vào đồ đã bị loại, muốn mua hàng xịn phải bỏ thêm tiền. Một số trung tâm mua bán chuyên nghiệp như siêu thị, cửa hàng bình ổn giá áp dụng các quảng cáo giá làm “mềm hóa” giá bán của sản phẩm. Để gây sự chú ý, họ thường tung các con số lẻ như: chỉ 990.000 đồng, 99.000 đồng, 390.000 đồng, 11.799.000 đồng... Với chiêu ra các con số lẻ này, người bán hàng đã khéo léo “xoa dịu” tâm lý được mua giá rẻ.

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng quần áo, giày dép... treo biển khuyến mãi, giảm giá 50% đến 80%/sản phẩm. Tuy nhiên, chẳng ai biết sản phẩm đó có giá thật là bao nhiêu để so sánh. Chỉ biết rằng khi mua xong, sản phẩm được khuyến mãi “khủng” cũng có giá xêm xêm với các sản phẩm không khuyến mãi khác. Ai mà biết được bao nhiêu trong số những cửa hàng giảm giá đúng? Họ có thể tăng giá lên rồi hạ xuống, thậm chí giá khuyến mãi còn cao hơn giá gốc.

Điều 15 Nghị định 37/2006/NĐ-CP, muốn khuyến mãi sản phẩm, chủ cửa hàng phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản đến Sở Công Thương, nhưng không mấy chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp thực hiện đúng trình tự. Tình trạng lợi dụng các chương trình khuyến mãi để đưa hàng kém chất lượng ra tiêu thụ, tăng giá trục lợi, điều này khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

.

Nguồn: Báo CATPHCM

.