Người dân nên cẩn trọng khi nhờ xin việc qua mạng. Ảnh minh họa |
Đang có nhu cầu tìm việc làm, theo lời bạn bè chỉ bảo, chị Xuân (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đăng thông tin liên quan trên trang mạng xã hội Zalo.
Khoảng đầu tháng 3-2015, một người đàn ông tên Hoàng làm quen chị Xuân và hứa sẽ lo việc cho chị. Gặp nhau ở quán cà phê vài lần, Hoàng tự giới thiệu là nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp tại TP.Biên Hòa, hứa sẽ xin cho chị Xuân vào làm nhân viên ở đây.
Khi đưa hồ sơ, Hoàng yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 450. Biết chị Xuân không có văn bằng này, Hoàng bảo đưa 4,2 triệu đồng để anh ta lo.
Ba ngày sau, Hoàng làm xong chứng chỉ giả và nhận thêm của chị Xuân 120.000 đồng, nói mua giấy chứng nhận học Luật lao động.
Một tuần sau, Hoàng gọi điện chị Xuân tiết lộ “công ty đã duyệt hồ sơ, nhưng cần bổ sung thêm chứng chỉ B vi tính”. Chị Xuân trả lời không có, Hoàng gợi ý sẽ làm một bản photo công chứng giả với giá 400.000 đồng.
Nhận tổng cộng gần 5 triệu đồng, Hoàng hẹn ngày 14-3-2015 sẽ đưa chị Xuân đến công ty phỏng vấn. Gần đến ngày phỏng vấn, Hoàng lại gọi điện yêu cầu bổ sung 1,6 triệu đồng làm chứng chỉ gốc bằng B vi tính để công ty đối chiếu.
Sau khi nhận số tiền trên, Hoàng tắt điện thoại trốn biệt tăm. Biết bị lừa, chị Xuân đến Công an phường Bình Đa, TP.Biên Hòa để trình báo sự việc.
Một cán bộ Công an TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay nhiều đối tượng xấu lợi dụng các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn như: xin việc làm, mua bán tài sản, kết bạn, mọi người cần cảnh giác.