(Congannghean.vn)-Nắm được tâm lý của các con bạc có máu đỏ đen, các đối tượng đã mạo danh các “chuyên gia” phân tích, dự đoán kết quả lô đề, lập ra dịch vụ soi cầu, lấy số, bạch thủ lô đề trên mạng xã hội. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân “sập bẫy”, bị lừa đảo hàng tỉ đồng.
Nhiều nạn nhân “sập bẫy”
Chỉ trong một thời gian ngắn, Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) đã khám phá thành công 2 chuyên án, triệt xóa 2 đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao bằng hình thức mua bán số lô đề, làm rõ số tiền bị chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Theo các điều tra viên, thời gian qua, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán số lô đề nở rộ tại các vùng quê.
Đối tượng Hồ Sỹ Cường lừa đảo, chiếm đoạt trên 500 triệu đồng từ việc rao bán số lô đề (Ảnh FBNV) |
Trước đó, trong năm 2019, Phòng CSHS cũng đã triệt xóa thành công đường dây lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự, bắt giữ 12 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất cả những đối tượng này đều trú tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu. Cơ quan Công an đã chứng minh số tiền các đối tượng lừa đảo là 26 tỉ đồng. Sau khi các đối tượng này bị bắt, thủ đoạn này có vẻ “lắng xuống”, tuy nhiên, đến cuối năm 2019, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSHS phát hiện một số đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội với thủ đoạn tương tự.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là lập ra nhiều trang web quảng cáo người của công ty xổ số hoặc có hội đồng chuyên giá uy tín chuyên phân tích, “soi cầu” dự đoán các con số lô, đề hoặc kèo bóng đá với độ chính xác 100%. Đồng thời lập ra nhiều tài khoản facebook, zalo ảo dùng nhiều số điện thoại không đăng ký chính chủ để rao bán số lô, đề, bán kèo bóng đá để chiếm đoạt tài sản. Nhận thấy việc kiếm tiền bất chính một cách khá dễ dàng nên nhiều đối tượng là anh em, bà con, hàng xóm, láng giềng đã truyền tai nhau, chia sẻ kinh nghiệm để học nhau thiết lập các trang web riêng hoạt động độc lập để lừa đảo, câu kéo người bị hại. Khi có dấu hiệu bị lộ thì những đối tượng này lại tìm cách thông báo cho nhau, tổ chức thành hệ thống chặt chẽ, tuyệt đối không khai báo ra những người khác. Với thủ đoạn hoạt động tinh vi như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều nhóm thanh niên giàu lên nhanh chóng, có nhiều bất minh về kinh tế, tiền bạc.
Từ những thông tin ban đầu thu thập được, Phòng CSHS đã xác lập chuyên án, tập trung đấu tranh, làm rõ hành vi của các đối tượng. Đấu tranh với tội phạm ẩn danh trên mạng xã hội, tập thể Ban chuyên án đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sử dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, từng bước lật tẩy thủ đoạn của đối tượng. Theo đó, đối tượng được xác minh làm rõ là Hồ Sỹ Cường (SN 1995) trú tại thôn 6, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu. Từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Cường trở về địa phương và giàu lên một cách nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cường mua đất, xây nhà lầu, tậu xe hơi. Trên trang cá nhân của mình, Cường liên tục đăng tải các hình ảnh cuộc sống sang chảnh, du lịch khắp nơi. Trên cơ sở những chứng cứ thu thập được, Ban chuyên án đã ra lệnh giữ người khẩn cấp đối với Hồ Sỹ Cường về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan Công an, Cường khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bước đầu Ban chuyên án đã chứng minh số tiền Cường chiếm đoạt của các bị hại qua tài khoản ngân hàng trên 500 triệu đồng.
Lập kênh youtube dự đoán kết quả lô đề
Những lời quảng cáo, rao bán số lô đề được các đối tượng công khai trên mạng xã hội |
Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, nhận thấy lợi nhuận khổng lồ từ thủ đoạn này, đặc biệt là tâm lý “ôm mộng đổi đời” của các con bạc nên thời gian qua, hình thức lừa đảo trên có chiều hướng gia tăng. Chưa kể phạm vi hoạt động lớn, các bị hại không chỉ là người địa bàn mà trải khắp các tỉnh thành trên cả nước, do đó việc điều tra, xác minh gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, số điện thoại khuyến mãi để hoạt động, đặc biệt là việc các nạn nhân từ chối hợp tác, e ngại, không tố giác tội phạm khiến việc điều tra kéo dài.
Không chỉ hoạt động trên mạng xã hội zalo, facebook, qua điều tra, lực lượng Cảnh sát công nghệ cao phát hiện các đối tượng sử dụng kênh youtube đăng tải các video có nội dung dự đoán, “soi cầu” lô đề và kèm theo số điện thoại để khách hàng liên hệ nếu có nhu cầu. Trong số các kênh này, lực lượng Công an phát hiện nổi lên là kênh SC 7777 có hơn 20.000 lượt đăng ký, mỗi video của kênh này đăng lên có hàng chục nghìn lượt xem và hàng trăm bình luận. Trong số này có nhiều bình luận hỏi mua số lô đề.
Xác định những thông tin mà các đối tượng đăng tải hoàn toàn không có căn cứ, đây là dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không những thế, hoạt động của các đối tượng còn cổ xúy cho tệ nạn đánh bạc, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT. Phòng CSHS đã báo cáo đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiến hành xác lập chuyên án điều tra, làm rõ. Với quyết tâm nhanh chóng vạch trần thủ đoạn, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, Ban chuyên án đã tiến hành xác minh, thu thập các thông tin về các đối tượng đăng ký sử dụng kênh youtube này. Ròng rã “đấu trí” với tội phạm công nghệ cao trong hơn 3 tháng, Ban chuyên án đã vén màn bí ẩn sau những kênh youtube, vạch trần những thủ đoạn tinh vi của những đường dây lừa đảo mua bán số lô, đề xuyên quốc gia, từ đó lộ diện những đối tượng cầm đầu. Ban chuyên án đã bắt khẩn cấp đối tượng Lê Văn Cừ (SN 1991) trú tại thôn 10, xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bước đầu, Cơ quan CSĐT đã chứng minh số tiền Cừ chiếm đoạt của các bị hại trên mạng internet là khoảng 10 tỉ đồng. Hiện nay, Phòng CSHS đã ra quyết định khởi tố vụ án và đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Thủ đoạn cũ, nhiều nạn nhân mới
Trao đổi về tội phạm sử dụng công nghệ cao để rao bán số lô đề, Thiếu tá Hà Huy Đức cho biết: Đối tượng hoạt động trên phạm vi lớn, quy mô toàn quốc nên công tác xác minh điều tra gặp nhiều khó khăn. Nạn nhân thông qua các lời quảng cáo trên mạng tự tìm đến các đối tượng để mua. Giá cả mà các đối tượng đưa ra cho các con số phụ thuộc vào tỉ lệ, xác suất, bằng cách đó chúng “phù phép” và đưa ra giá cắt cổ từ 2, 3 triệu đến hàng chục triệu đồng. Với chiêu bài này, trung bình mỗi ngày đối tượng thu về 4 - 5 triệu đồng. Vì vậy, các đối tượng trong đường dây này mặc dù không có việc làm nhưng lại giàu lên một cách nhanh chóng, có nhà lầu, xe hơi. Điều này đã tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho xã hội, nhiều thanh niên đã chỉ cho nhau “cách làm giàu” phi pháp này; từ đó, tạo ra một bộ phận thanh niên lười lao động, thích hưởng thụ cuộc sống, đam mê kiếm tiền bất chính.
.