Năm 1972, khi vừa rời ghế nhà trường ở tuổi 20, ông Nhị tham gia đoàn dân công xe thồ đi hoả tuyến. Chiến tranh kết thúc ông chuyển sang làm công nhân xây dựng (thời đó gọi tắt dân công 202) đi hết công trình thuỷ lợi này đến công trình thuỷ lợi khác. Năm 1990, ông về quê sản xuất nông nghiệp, năm 1994 ông được bà con cử làm xóm trưởng xóm 6, xã Hưng Phúc cho đến nay.
Ông tâm sự: Thời trai trẻ đi khắp đó đây, khi về quê muốn tập trung làm kinh tế gia đình cho vợ con đỡ vất vả, nhưng bà con tín nhiệm rồi cứ bầu đi bầu lại hết khoá này đến khoá khác, nay 61 tuổi vẫn phải cùng tham gia công việc với xóm làng.
Xóm 6 nơi ông làm xóm trưởng có 97 hộ, 392 khẩu, trong đó có 23 hộ 122 khẩu là đồng bào theo đạo Công giáo. Những năm trước đây, Hưng Phúc là vùng chiêm trũng, thường xuyên bị úng lụt, đời sống nhân dân còn bấp bênh theo thời tiết, ngoài cây lúa, ngọn khoai ra chưa có thêm nghề phụ gì đáng kể. Trước tình hình đó, ông bàn với cấp uỷ chi bộ tìm hướng đi cho kinh tế hộ gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Nhị |
Đầu tiên là phục hồi nghề truyền thống làm mũ lá đã có từ lâu đời, đến nay có hơn 10 hộ tham gia, tuy không giàu nhưng cũng có thêm bát ăn, bát để. Tiếp đến là nghề hàng xáo, nghề mộc, nghề thợ xây, thợ hồ cũng giải quyết thêm thu nhập cho hàng chục lao động. Khi đã có lưng vốn thì đi xuất khẩu lao động; tham gia đấu thầu nhận ao nuôi cá và nuôi cá vụ 3 trong ruộng lúa. Cứ như vậy, hết “buông dầm” lại “cầm chèo” mà đời sống của bà con xóm 6 đã khá lên. Hiện nay cả xóm không còn hộ nghèo, đường bê tông vào tận sân mỗi nhà, xe máy trung bình hộ từ 2 đến 3 chiếc.
Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Nhị còn chăm lo xây dựng đời sống văn hoá cho bà con trong xóm. Ông đã cùng với chi bộ củng cố các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân… đưa các hội viên vào tham gia sinh hoạt. Lúc đầu bà con giáo dân ngại tham gia, nhưng ông đã kiên trì vận động nên dần dần mọi người tích cực hưởng ứng. Chi bộ xóm 6 có 21 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên gốc giáo; chi đoàn có 18 đoàn viên; chi hội nông dân gần 40 hội viên đều tham gia sinh hoạt có chất lượng.
Khi kinh tế khá ổn định, ông tập trung vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá ở khu dân cư. Đầu tiên ông quan tâm đến công tác kế hoạch hoá gia đình, bởi vì ở vùng giáo việc không sinh con thứ 3 trở lên khó thực hiện, ông đã cùng cộng tác viên dân số đến từng cặp vợ chồng mới sinh để vận động.
Nhờ ở độ tuổi bậc cha chú nên ông cũng dễ khuyên bảo, các cặp vợ chồng đã bỏ qua các ràng buộc về lễ nghi tôn giáo để sinh 2 con, thậm chí chỉ sinh 1 con để nuôi dạy con tốt. 13 năm qua, xóm ông không có người sinh con thứ 3. Nhận Bằng khen của UBND tỉnh được 4 năm rồi nhưng ông vẫn lo, sợ đôi nào đó mải vui mà “vỡ kế hoạch” thì mình mất uy với cấp trên.
Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang việc cưới cũng vậy, sau khi thông qua quy chế của xóm, gia đình ông, người thân của ông gương mẫu làm đầu. Ở xóm 6 lương giáo sống xen kẽ, nên việc dung hoà 2 phong tục sao cho hài hoà là một điều rất khó nhưng ông đã làm được.
Khi hỏi về bí quyết này ông tâm sự: tôi không theo đạo nhưng tôi thấy phong tục của bên giáo rất tốt, nên tôi tôn trọng để họ thực hiện. Ngược lại họ thấy tôi làm mọi việc vì lợi ích của cả xóm nên ai cũng ủng hộ. Việc cưới thời nay đã có chủ hôn, còn việc tang tôi đứng ra chỉ đạo hết, mọi người đều răm rắp tuân theo, xong việc ai cũng hài lòng.
Họ bảo ông là “trung tâm đoàn kết” quả không sai tý nào.
Đinh Bạt Cẩm
.